Thanh Trúc, phóng viên RFA-2015-09-13
Tình huống giáo dục giới tính gây tranh cãi ở trong cuốn sách "Bài tập thực hành kỹ năng sống" do NXB Đại học Sư phạm ấn hành.Photo: RFA
Báo chí Việt Nam tuần này lại đề cập đến một sách dạy kỹ năng sống cho trẻ, lần này tiêu đề “sờ vào vùng kín” bị phụ huynh đánh giá là “tình huống cụ thể đến mức thô thiển”.
Tiêu đề “sờ vào vùng kín”?
Còn quan điểm của chuyên gia và các nhà giáo dục như thế nào trước vấn đề nên hay không nên dạy kỷ năng sống này cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. Thanh Trúc tìm hiểu trong bài sau:
Tuần rồi báo Lao Động phát hành trong nước có bài xoay quanh cuốn sách kỹ năng dạy trẻ, với đoạn xin được dẫn nguyên văn: “sờ vào vùng kín của bạn và “đây sẽ là một bí mật đặc biệt giữa hai người”. Phóng viên tờ Lao Động còn trích dẫn nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng việc đưa ra tình huống cụ thể như vậy là thô thiển, không phù hợp.
Tình huống cụ thể mà cuốn sách dạy kỹ năng cho trẻ đưa ra là trường hợp em học sinh tên Nam, ngoài giờ học thường sang nhà hàng xóm chơi. Ở đó Nam thường gặp anh Dũng là người hay bày trỏ chơi cho Nam và các bạn. Một hôm, khi chỉ có hai anh em ở nhà, Dũng nói muốn chơi một trò chơi, bảo Nam sờ vào chỗ kín của anh ta và anh ta sờ vào chỗ kín của Nam, nói rằng đây sẽ là một bí mật đặc biệt giữa hai người.
Cụ đến mức thô thiển, là ý kiến đầu tiên của một phụ huynh nói với báo Lao Động. Vẫn theo vị phụ huynh này, chỉ cần nói với trẻ rằng sự đụng chạm dưới bất kỳ hình thức nào vào cơ quan sinh dục mà dù người ấy cùng giới hay khác giới, lớn hay ít tuổi đều có mục đích xấu, muốn quan hệ tình dục.
Trên thực tế sự việc trẻ em bị lạm dụng vẫn xảy ra và nó để lại những hậu quả . . Nếu chúng ta không giáo dục cho trẻ thì những thế hệ sau lại tiếp tục bị lạm dụng. Chính vì thế mà tôi nghĩ giáo dục như thế là vần thiết để cho các em biết cách phòng tránhTiến sĩ Phạm Quỳnh Hương
Nói với đài Á Châu Tự Do, một bà mẹ vốn là cô giáo Cấp Một, nhận xét rằng vị phụ huynh thứ nhất đang làm cho vấn đề trở nên rối rắm hơn vì trẻ 3 hay 4 tuổi thì biết gì về những ngôn từ của người lớn như “cơ quan sinh dục” hay là “quan hệ tình dục” vân vân...
Tuy nhiên vị giáo viên này cũng đồng ý là nên dạy học sinh ngay từ Cấp Một về những tình huống tế nhị hay bất ưng có thể biến trẻ thành nạn nhân của những trò bệnh hoạn mà kẻ xâm hại trẻ thường gọi là “bí mật đặc biệt giữa hai người” . Điều rất quan trọng ở đây, vị giáo viên nhấn mạnh, phải cho trẻ biết không ai có quyền dặn trẻ giữ một điều bí mật giữa 2 người vì như vậy là không đúng.
Dạy dỗ, hướng dẫn cho trẻ hiểu biết, cảnh giác khi khi người lạ, hoặc ngay cả người thân quen, máy mó sờ soạng vào cơ thể của mình, là giúp trẻ biết cách tránh những tình huống nguy hiểm cho bản thân khi các em còn nhỏ.
Đó là khẳng định của tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội, Viện Xã Hội Học Việt Nam ở Hà Nội:
Tôi nói ngay việc giáo dục trẻ như thế là đúng, là nên, dạy cho trẻ từ Lớp 3 , Lớp 4 không hề là sớm. Đấy là theo quan niệm của tôi và những cái gì mà tôi nghiên cứu thấy từ kinh nghiệm các nước mà cũng từ thực tế của Việt Nam.
Bởi vì văn hóa Việt Nam xưa nay, những chuyện liên quan đến sinh dục tình dục các thứ người ta đùa thì đùa rất là dễ, nhưng khi nói thì vẫn cho rằng như thế là dung tục. Trên thực tế sự việc trẻ em bị lạm dụng vẫn xảy ra và nó để lại những hậu quả . . Nếu chúng ta không giáo dục cho trẻ thì những thế hệ sau lại tiếp tục bị lạm dụng. Chính vì thế mà tôi nghĩ giáo dục như thế là vần thiết để cho các em biết cách phòng tránh.
Chuyện tế nhị và nhạy cảm
Vậy phải làm thế nào để môn học kỹ năng sống này, đang được mổ xẻ ở đây, trở nên hữu hiệu, thực tế mà không bị coi là dung tục. Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng phải có những khóa tập huấn để giao viên biết phương pháp giảng dạy cho trẻ về chuyện tế nhị và nhạy cảm này:
Không nên dùng những ngôn tù dung tục quá thì mới có tác dụng . Thực tế từ khi đứa trẻ mới bắt đầu sinh ra là nó đã thâm nhiễm ngay từ đầu, con trai mặc màu gì, con gái mặc màu gì. Lớn lên nữa các em nhận thức được về cơ thể của mình và hiểu giữa các em có sự khác nhau. Đấy là điều bình thường. Để cho con mình thiếu hiểu biết thiếu nhận thức là điều không tốt.
Trong ngôn ngữ của Việt Nam mình đã có nhiều cách dùng từ không hề dung tục một tí nào. Trong sinh hoạt hàng ngày người ta vẫn dùng những từ cụ thể mà không cần sử dụng đến từ” vùng kín”. Những từ nó bình dị mà không hề dung tục không hề thô thiển. Từ “chim” hoặc “cu” đối với trẻ trai, em gái cũng gọi là “chim”, rồi trẻ con cứ nói “bú tí mẹ” , “cái ti” hoặc là “cái tí” những từ mà hàng ngày vẫn nói với trẻ con đấy.
Một người có nhiều kinh nghiệm khi còn làm việc trong Ủy Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Bà Mẹ Trẻ Em, hiện tại là giáo sư tại Đại Học Lao Động Xã Hội và Đại Học Khoa Học Nhân Văn ở Sài Gòn, bà Thanh Minh, đưa ra một nhận xét tinh tế:
Các vụ việc xâm hại xảy ra không phải chỉ em gái mà trong đó bao gồm cả em trai nữa. Rồi Việt Nam mình nhiều khi cũng có một cái thói quen là hay nựng nịu hay sờ cơ quan sinh dục của trẻ, nhất là trẻ trai.
Thực sự ra nhiều người không nghĩ rằng đó là xâm hại đứa trẻ, nhưng cũng có nhiều người bị căn bệnh gọi là lệch lạc về mặt tình dục, họ lạm dụng thói quen này làm tổn thương đến đứa bé. Nhưng mà rõ ràng ở đứa trẻ thì nó không đồng ý, nó vẫn có sự phản kháng. Có những đứa bé nó khóc ré lên, có những đứa bé nó xô tay ra.... thì người lớn lại cười lên và mắng yêu vân vân... Rõ ràng có người đã lạm dụng hành vi này, được qui định là dâm ô với trẻ em.
Theo giáo sư Thanh Minh, gọi là kỹ năng tự bảo vệ nơi trẻ thì cũng không sai, thế nhưng từ đúng nhất là ý thức, và muốn có ý thức như vậy thì không riêng trẻ mà cha mẹ, người lớn cũng phải tìm hiểu và phải học hỏi:
Trong ngôn ngữ của VN mình đã có nhiều cách dùng từ không hề dung tục một tí nào. Trong sinh hoạt hàng ngày người ta vẫn dùng những từ cụ thể mà không cần sử dụng đến từ” vùng kín”. Những từ nó bình dị mà không hề dung tục không hề thô thiển. Từ “chim” hoặc “cu” đối với trẻ trai, em gái cũng gọi là “chim”, rồi trẻ con cứ nói “bú tí mẹ” , “cái ti” hoặc là “cái tí”Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương
Phải giáo dục cả người lớn và cả trẻ em. Có ý thức để thấy rằng dù, cháu của mình hay em của mình là con của mình nhưng không nên có hành động sờ vào cơ thể đứa trẻ, đụng chạm vào cơ thể đứa trẻ. Mình cũng không nên cho phép bất kỳ người nào đụng vào cơ thể của nó. Trừ ra những trường hợp như mẹ làm vệ sinh cho bé, hoặc khi khám bịnh điều trị thì chỉ những người có trách nhiệm mới được ở một khía cạnh chuyên môn nào đó thôi.
Tại Việt Nam hiện nay, tuy rằng bộ môn sinh dục, giới tính và tình dục chưa được chính thức đưa vào học đường, bậc Tiểu Học lại càng không có, tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nói, nhưng bên ngoài thì lại không thiếu những sách vở nói về vấn đề này một cách chuyên môn:
Hiện nay trong sách vở nói chung thì những sách giao dục loại đó cũng có nhiều và người ta cũng chuyển đạt rất tốt. Có khá nhiều cha mẹ chịu đọc những sách đấy và người ta tư duy rất đúng mực. Trong khi đấy vẫn nhiều bậc phụ huynh e ngại không chịu đọc, không đọc thì trong đầu cứ nghĩ ra là ngại thôi.
Giáo sư Thanh Minh cũng đồng ý với quan điểm này, cho rằng ngoài việc đề ra nhưng tình huống có thể khiến cho trẻ bị lạm dụng bị xâm hại, những cuốn sách đứng đắn này còn bày trẻ phải làm gì khi bị đụng chạm bị sờ mó bởi trẻ đồng lứa hoặc người lớn tuổi:
Biết cách tự bảo vệ hoặc là không tự bảo vệ được thì các em phải gọi ai, kêu ai để người ta có thể bảo vệ cho các em.
Cũng cần dạy trẻ phải nói ra chứ không được im lặng, với những người mà trẻ tin cậy như mẹ, bố hoặc cô giáo, thầy giáo, để kẻ xâm hại em dứt khoát bị trừng phạt theo luật pháp, bà Thanh Minh nhấn mạnh, vì đó là qui định của pháp luật.
No comments:
Post a Comment