Monday, August 10, 2015

Việt Nam: Thế hệ 'đẩy' và 'kéo'


Thế hệ trẻ thích tự chọn thông tin thay vì bị nhồi nhét
Bạn có phải là người thích đọc tin trên Facebook nhất rồi đến nghe nhạc, và tìm kiếm video trên YouTube?
Nếu đúng vậy, bạn có nhiều điểm chung với 'thế hệ Z ' của những người sinh ra ngay trước hoặc sau năm 2000.
Khảo sát được công bố hồi đầu tháng Tám của hãng thăm dò ý kiến qua mạng OMD cũng nói một nửa trong số những người từ 13-21 tuổi tham gia khảo sát cho biết họ xem video trên YouTube là chính.
Chỉ có 30% nói họ xem TV truyền thống.
Kết quả khảo sát này có thể làm cho những người thuộc thế hệ già hơn vò đầu bứt tai.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng vừa phát biểu tại Đại hội X của Hội Nhà báo Việt Nam rằng "mỗi người làm báo là một chiến sỹ cách mạng" và "Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí".
Ông Trọng hẳn muốn nói tới các "chiến sỹ" của loại hình truyền thông, trong đó có truyền hình và phát thanh, hoạt động theo nguyên tắc "đẩy" thông tin qua mặt báo, màn hình TV, đài phát thanh ... tới công chúng.
Nhưng thế hệ Z lại không chuộng các loại hình truyền thông truyền thống này mà thích "kéo" thông tin từ các kênh họ tự chọn vào lúc họ muốn, ở nơi họ thấy tiện và thường là trên thiết bị mà họ coi là vật bất ly thân - điện thoại di động.
Và trên hai 'hệ sinh thái' truyền thông xuyên biên giới Facebook và YouTube với số người dùng gộp lại lên tới gần 2,5 tỷ, Đảng Cộng sản cũng không thể giữ quyền "lãnh đạo tuyệt đối".

Tuyên truyền và dư luận viên

Việt Nam hiện có khoảng hơn 20.000 nhà báo và ít nhất 80.000 " tuyên truyền viên miệng", theo thống kê trên báo chí Việt Nam.
Đảng Cộng sản muốn đội quân 10 vạn người này là các "chiến sỹ" trong cả không gian thật lẫn ảo.
Nhưng đội ngũ này dường như cũng không được phép đăng hoặc không được trang bị những thông tin chính xác vào những thời điểm thích hợp nhất mà thế hệ Z cũng như các thế hệ khác muốn thấy.
Trong vụ sức khỏe hai chính trị gia tên Thanh, Nguyễn Bá Thanh và Phùng Quang Thanh, đội ngũ "chiến sỹ" vạn người thường bỏ "mặt trận" vào những lúc quan trọng nhất dù sau đó đã lên tiếng.
Điều quan trọng hơn có lẽ là điều được coi là sự thiếu vắng tính minh bạch, thẳng thắn và chính xác khi cung cấp thông tin khiến niềm tin của người đọc càng bị thách thức.
Trong các khủng hoảng cây xanh, lấp sông Đồng Nai hay mới đây nhất là vụ người dân bị máy xúc " chèn qua người", nhiều công dân mạng đã chỉ ra những tuyên bố sai trái của chính chính quyền địa phương.

Khoảng cách giữa nói và làm

Một lý do khác khiến nhiều người trẻ tuổi và cả thế hệ già hơn ngày càng mất niềm tin vào truyền thông chính thống là khoảng cách giữa lời nói, câu chữ với những gì diễn ra trong thực tế.
Cách đây ít lâu một blogger nói anh đã tranh luận với các nhân viên an ninh rằng ngay cả tên nước, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cũng là điều không thỏa đáng vì bản chất của xã hội hiện nay chưa phải là "xã hội chủ nghĩa".
Khi được trả lời tên nước được đặt như vậy là vì Việt Nam đang hướng tới "chủ nghĩa xã hội", blogger lại chất vấn vậy nếu anh đang hướng tới vị trí thủ tướng thì có thể ghi trên danh thiếp hai chữ 'thủ tướng' trước tên anh không.
Thực tế tên khai sinh ngày 2/9/1945 của Việt Nam là 'Việt Nam Dân chủ Cộng hòa' và tên hiện nay chỉ bắt đầu được dùng từ năm 1976, giai đoạn kinh tế Việt Nam bắt đầu cuộc trượt dốc kéo dài tới cuối thập niên 80.
Ông Kiệt đã cảnh báo Việt Nam có thể "mất tất cả" nếu không cố gắng rút ngắn thời gian "hiện đại hóa"
Trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn cả Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 khi nói về "quyền tự do" và "quyền mưu cầu hạnh phúc".
Ngày nay các bạn trẻ chỉ ra rằng ở Việt Nam có hơn 100 tượng đài Hồ Chí Minhnhưng GDP chỉ đạt chưa tới 190 tỷ đô la trong năm ngoái.
Trong khi đó, các bạn nói, Singapore chưa có tượng Lý Quang Diệu nào nhưng tổng sản phẩm quốc nội của đất nước 5,6 triệu dân đạt 309 tỷ đô la trong năm 2014.
'Thế hệ Facebook' cũng thiếu kiên nhẫn và sẵn sàng đưa ra những chỉ trích gay gắt.
Khi BBC Tiếng Việt nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cách đây tròn 20 năm rằng Việt Nam cần "rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá xuống còn vài ba thập kỷ như một số "con rồng" ở châu Á đã thực hiện" nếu không muốn để "mất thời cơ và mất tất cả", một người dùng Facebook bình luận: "Giờ còn tư tưởng [M]ác [L]ê thì bay sao nổi, giờ thành con ruồi châu [Á] rồi."
Nhưng thế hệ Z bao gồm cả những người đang ở vào độ tuổi của "anh Ba" khi "ra đi tìm đường cứu nước".

Và họ cũng là hy vọng để Việt Nam có thể trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo hiện nay mà trong đó một "anh Ba" khác đang có khả năng vẫn phải đua với ít nhất bốn người cùng tuổi 66 để ở lại thêm năm năm nữa vào Đại hội 12 trong năm 2016.

No comments:

Post a Comment