Dân trí Xây chợ lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng rồi bỏ không là thực trạng đang diễn ra ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; gây lãng phí nguồn ngân sách của nhà nước.
Trong buổi chất vấn phiên họp HĐND tỉnh vào ngày 17/7, nhiều cử tri, Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều câu hỏi xoay quanh thực trạng xây chợ lên rồi bỏ không đang tồn tại nhiều nơi trong tỉnh. Bí thư tỉnh Thanh Hóa- Chủ tịch HĐND cũng đã yêu cầu rà soát lại các chợ hiện đang bỏ không, truy trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan.
Theo báo cáo của Sở Công thương Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 433 chợ đang hoạt động. Từ năm 2003 đến nay, riêng kinh phí dành cho việc xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng chợ là khoảng 694,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 21,3 tỷ đông, vốn ngân sách địa phương là 142 tỷ đồng, vốn xã hội hóa là 43,6 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức tài trợ là 95 tỷ đồng.
Chợ Già (xã Hoằng Kim- huyện Hoằng Hóa) xây hàng chục tỷ đồng rồi bỏ không
Trong quá trình triển khai, nhiều chợ tại nhiều vùng đã được xây dựng mới, khang trang có giá trị trên dưới chục tỷ đồng. Nhưng hiện nay, nhiều chợ đang bị bỏ hoang do làm xong không có người vào bán mua.
Một điều trái ngược là trong khi chợ tiền tỷ của Nhà nước đang bị bỏ hoang không được sử dụng thì những chợ cóc tập trung buôn bán ở các lòng đường, vỉa hè gây cản trở cho người tham gia giao thông.
Điển hình là chợ Voi, được xây dựng từ năm 2008 lúc đó đang thuộc huyện Quảng Xương (nay thuộc TP Thanh Hóa) với diện tích gần 10.000m2, tổng số tiền cho công trình này là hơn 5,7 đồng. Đến năm 2011, công trình này cơ bản đã hoàn thành, gồm có khu nhà buôn bán rộng rãi khang trang, các khu phụ trợ khác. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, chợ này đã không được đưa vào hoạt động mà bỏ hoang một cách lãng phí trở thành nơi chăn thả dê, bò.
Chợ Gìa mới thuộc xã Hoằng Kim (huyện Hoằng Hóa) được đầu tư năm 2011, bằng nguồn vốn của nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Việt Hung với nguồn kinh phí gần 20 tỷ đồng. Thế nhưng từ khi hoàn thành xong đến nay, chợ mới vẫn cửa đóng then cài trong khi cách đó không xa khu chợ Gìa cũ đã xuống cấp nghiêm trọng vẫn được người dân đến họp.
Tại phiên chất vấn, ông Hoàng Văn Hùng- Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa báo cáo, hiện trên địa bàn có trên 40 chợ đang hoạt động kém hiệu quả. Điển hình có 4 chợ xây dựng với kinh phí lớn nhưng bỏ hoang như chợ Già mới (Hoằng Hóa), chợ Cao (huyện Ngọc Lặc), chợ Trung tâm xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương), chợ Nga Thanh (Nga Sơn). Số vốn để đầu tư 4 chợ này là khoảng 60 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng).
Lý giải về những nguyên nhân khiến chợ hàng chục tỷ đồng xây mới rồi bỏ hoang, ông Hùng cho biết: “Nguyên nhân các chợ đầu tư rồi bỏ hoang là do không có người vào họp, do việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương chưa thống nhất; đầu tư không phù hợp với tập quán của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ chưa tốt. Đặc biệt, có tình trạng đầu tư xây dựng chợ theo phong trào...”
Một nguyên nhân nữa cũng được lãnh đạo Sở Công thương nhắc đến là một trong những tiêu chí hoàn thành xây dựng Nông thôn mới, có nơi xem việc xây chợ là để đạt tiêu chí Nông thôn mới chứ chưa nghĩ đến hiệu quả.
Trước những báo cáo của giám đốc Sở Công thương, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND đã khẳng định: “Tôi tin chắc rằng vẫn còn nhiều chợ đang bị bỏ hoang hơn là 4 chợ như Giám đốc Sở Công thương báo cáo. Vấn đề này phải tìm ra nguyên nhân, truy trách nhiệm tại sao để xảy ra tình trạng trên? Ai quy hoạch? Ai đầu tư? Tìm ra để xử lý. Xử lý thế nào, ngành Công thương phải nghiên cứu”.
“Quy hoạch không chuẩn, làm không tốt phải làm lại. Tại sao lại quyết định xây chợ khi thấy không phù hợp, những chợ đã xây đang bị bỏ hoang thì phải có biện pháp giải quyết ngay để tránh lãng phí. Sắp tới sẽ giao cho một ban nào đó trong HĐND tỉnh giám sát việc này”- ông Chiến nhấn mạnh.
Thứ Bẩy, 18/07/2015 - 08:19
Nguyễn Thùy
No comments:
Post a Comment