Saturday, July 18, 2015

Giữa tranh chấp chủ quyền, thương mại Việt-Trung vẫn bình thường

HÀ NỘI (NV) - Dẫu các bất đồng về tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc càng ngày càng trở nên gay gắt, quan hệ thương mại Việt-Trung vẫn diễn tiến bình thường.


Cửa hàng bán chăn tại chợ Đông Kinh, Lạng Sơn, là một trong những gianhàng bán đồ Trung Quốc gần biên giới hai nước. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Thống kê mới nhất do tổng cục thống kê của Việt Nam thực hiện cho biết, trong sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi 24.4 tỷ Mỹ kim để nhập cảng hàng hóa của Trung Quốc, tăng 23.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng trong sáu tháng đầu năm nay, tổng giá trị hàng hóa mà Việt Nam xuất cảng qua Trung Quốc chỉ có 7.7 tỷ Mỹ kim. Dù tăng 3.6% so với năm ngoái nhưng nhập siêu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc trong sáu tháng vừa qua vẫn lên tới 16.7 tỷ Mỹ kim.

Cũng cần nhắc lại rằng, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam chỉ có một lần xuất siêu ở mức 135 triệu Mỹ kim vào năm 2000 và từ đó đến nay liên tục nhập siêu.

Hồi trong tuần Tháng Mười Hai năm 2013, tại một hội nghị bàn về việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do, Bộ Công Thương Việt Nam từng thú nhận, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu Mỹ kim hồi 2001, thành 16 tỷ Mỹ kim vào năm 2012.

Đến năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên thành 23.7 tỷ Mỹ kim và năm ngoái, con số này là 28 tỷ Mỹ kim. Khoảng 60% hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc vẫn là nguyên liệu, phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, điện tử. 30% còn lại là các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Đó cũng là lý do mà từ năm 2013 đến nay, các chuyên gia kinh tế cũng như một số viên chức Việt Nam liên tục cảnh báo nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế, tại các hội thảo, hội nghị. Thậm chí là tại diễn đàn Quốc Hội.

Bởi các doanh nghiệp của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, phụ liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Trung Quốc nên người ta lo ngại, nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó.

Gần đây, tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế bắt đầu đề cập đến việc phải “thoát Trung” (bứt ra khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc), tuy nhiên thực tế cho thấy, đó là một mong muốn khó khả thi bởi cả khả năng cạnh tranh lẫn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu.

Mới đây, đề cập đến chuyến thăm Việt Nam của ông Trương Cao Lệ, phó thủ tướng Trung Quốc, trong ba ngày (từ 16 đến 18 Tháng Bảy), ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết, Việt Nam và Trung Quốc sẽ “thảo luận về các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực về kinh tế, thương mại và các lĩnh vực đầu tư trong chuyến thăm này.” (G.Đ)
07-17- 2015 3:02:32 PM

No comments:

Post a Comment