Nước sông ngấm vào mạch nước ngầm, giếng đào cũng chuyển sang màu đỏ quạch, nước ấy bà con không dám ăn nhưng vẫn phải tắm giặt… Đó là những gì mà người dân của 2 xã Chấn Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) và Mỹ Lung (Tân Lập, Phú Thọ) đang phải gánh chịu kể từ khi cái nhà máy tuyển sắt làng Mỵ đóng trên địa bàn xã Chấn Thịnh đi vào hoạt động.

Rận trâu mà còn chết, trâu thì sẩy thai

Ở xã Mỹ Lung, nhà anh Tuấn - chị Chúc cách Ngòi Lao khoảng 400m. Trước đây nhà anh chị dùng nước giếng khơi, sau đó chuyển sang dùng giếng khoan bơm lên téc nước trên trần nhà, nước trong văn vắt. Thế nhưng ba năm nay, cũng cái giếng ấy, nước bơm lên, ban đầu còn ngà ngà vàng, sau thì đỏ đòng đọc, đỏ hơn cả nước sông Hồng vào mùa mưa lũ. 

Cái téc nước trên trần nhà cũng vàng ruộm như màu nước Ngòi Lao. Hãi quá, anh chị đi mua cái máy lọc nước những mấy triệu đồng về lọc lấy nước ăn uống, thế mà các lõi lọc cứ vài ngày lại bám đầy bùn đất đỏ ngầu. Nền nhà tắm lát gạch men, nước trên téc xả ra đến đâu, màu vàng, màu đỏ lại nhuộm đè lên màu gạch đến đấy.

Nhà anh Tuấn - chị Chúc còn có điều kiện mua máy lọc nước. Những hộ như gia đình bà Nguyễn Thị Hợp, chị Đinh Thị Hường… ngày ngày còn phải đi xin nước. Bởi nước giếng nhà họ đỏ đúng như màu nước Ngòi Lao. Nhà bà Hợp, nước dù đã qua bể lọc chứa cát sỏi mà màu nước vẫn vàng. Nhà chị Hường không có bể lọc, bơm lên bể thường rồi cho bùn đất lắng lại, gạn lấy nước trong mà dùng thôi. Bao nhiêu xô, chậu, nồi soong lớn bé trong nhà được mang ra chứa nước đi xin chỉ để nấu nướng và ưu tiên tắm cho cháu Quỳnh (3 tuổi). 

Bể nước nhà chị Hường. 

Cụ nội ngoài 70 tuổi thì vẫn tắm nước giếng đỏ đòng đọc kia rồi chiêu qua gáo nước sạch xin về. Nước nhà chị đỏ đến mức, áo đồng phục của cháu lớn giặt 5 lần là thành màu nước giếng. Trước đây mặt nước Ngòi Lao rất rộng, nhưng 3 năm nay, bùn đất đổ về nhiều quá, bồi lấp hết cả hai bên bờ. Chiều rộng của sông bị thu hẹp lại. Bùn đất nhiều đến độ bây giờ bà con không ai dám bơi qua sông. 

Đi thuyền mà có chống sào, nếu không nhanh tay rút lên thì sào cũng bị bùn đất dính chặt. Trưởng khu 3B - ông Nguyễn Văn Liên - kinh hãi kể: “Rận trâu là loại vô cùng khỏe, sống vô cùng dai, ấy thế mà 2 năm nay, trâu nào trâu nấy không còn lấy nổi một con rận”. Mới mùa mưa trước, bà Trần Thị Hải lùa trâu qua sông sang bãi ăn cỏ như thường ngày. Nhưng hôm ấy bùn “về” dày đặc, lũ trâu sa lầy, cứ chìm dần, chìm dần. Bà Hải kêu cứu rầm rĩ, ông Liên phải huy động 7 thanh niên trai tráng trong khu ra giải cứu trâu. Họ phải bơi thuyền ra giữa dòng, buộc chão vào trâu rồi hò nhau kéo chúng vào bờ.

Ông Liên lạc cả giọng: “Nhưng không đáng sợ bằng việc trâu sẩy thai đâu. Không phải 1 con của 1 nhà đâu, mà 3 con, của 3 nhà: Trâu nhà ông Vũ Văn Thịnh, nhà ông Trần Văn Thanh, nhà bà Đinh Thị Thúc. Con trâu là đầu cơ nghiệp nên dân tôi chăm sóc cẩn thận lắm, ấy thế mà đến năm nay, lần đầu tiên trong mấy chục năm làm người, tôi mới biết đến việc trâu sẩy thai. Chả bác sĩ thú y nào bảo nguyên nhân tại sao lại như vậy, nhưng cả làng cả xã tôi đều biết là do chúng uống cái nước Ngòi Lao...”.

Ban đầu, bà con Mỹ Lung thấy nước đang trong xanh bỗng dưng nổi đầy bọt trắng, bẩn. Họ phỏng đoán do nước thải của nhà máy nguyên liệu giấy. Một thời gian sau thấy nước đục, bà con ở khu giáp ranh với Văn Chấn bảo rằng bên Văn Chấn họ đang đào vàng thủ công, cả xã lại “nghi ngờ” cánh đào vàng làm bẩn Ngòi Lao. 

Thế nhưng một thời gian ngắn sau, đội đào vàng dừng, họ còn mang dụng cụ khai thác về gửi ở nhà dân trong xã Mỹ Lung. Vậy mà càng ngày nước càng đục, càng đỏ, bà con mới quyết tâm đi ngược dòng nước truy tìm “hung thủ” thì mới biết là bên Văn Chấn người ta khai thác quặng sắt, dân bên ấy cũng lao đao không kém gì Mỹ Lung, “họ còn kéo đến nhà máy biểu tình cơ”.
Bùn đỏ vùi lấp đất ruộng, bó nghẹt rễ lúa, cá nuôi trong ao không lớn được

Xã miền núi Chấn Thịnh bao năm khó khăn đường sá đi lại, đến năm 2009, Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã. Bà con sung sướng với con đường nhựa được đúng 2 năm thì nhà máy tuyển quặng làng Mỵ đi vào hoạt động. Quặng lấy từ thôn Bồ 3 đầu xã và từ xã giáp ranh Bình Thuận. Xe tải chạy rầm rập, con đường nhanh chóng bị nát vụn, 2 cây cầu trên trục đường chính thì đã bị sập. 

  Cái khăn bông trắng tinh của cháu Quỳnh đã chuyển sang màu nước chỉ sau vài lần giặt.

Xe tải chạy nhanh, chạy ẩu, bụi cuốn vào nhà dân; trẻ con đi học thì hễ cứ thấy xe tải là đồng loạt nhảy… xuống rãnh hai bên đường để tránh. Đến độ có những lần bà con phải ra giữa đường giang tay chặn xe tải yêu cầu họ đảm bảo môi trường và an toàn cho các cháu đi học. Thế nhưng được vài ngày cả đoàn xe đậy bạt lại, sau đâu lại vào đấy, lại không bạt bủng gì, quặng thô lại lăn rào rào từ trên thùng xe xuống đường, trẻ con đi học lại tiếp tục… nhảy xuống rãnh.
Những hộ dân không bị bụi cuốn vào nhà thì lại bị ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Lòng hồ chứa bùn thải của nhà máy tuyển sắt làng Mỵ, trước đây có một phai nước nhỏ là công trình thủy lợi để dẫn nước suối Dầy phục vụ cho cấy hái trồng trọt của bà con cả 5 thôn: Thôn Dầy 1, thôn Dầy 2, thôn Ngõa, thôn Ao Lay và thôn Dù. Nhưng rồi cái hồ đó đã lấp mất đập, lấp luôn cả thượng nguồn của suối Dầy 2. 
Hồ xử lý bùn thải của nhà máy có hai đập xả ở thôn Dầy 1 và thôn Dầy 2, nhưng nước thải chủ yếu được xả ở đập trên địa bàn thôn Dầy 2. Nhà máy bắc ống ở trạm bơm Bến Cao, lấy nước từ Ngòi Lao lên rửa quặng rồi bùn đỏ, nước xả chảy qua suối Dầy, đổ vào mương Ngõa, cuối cùng bùn đỏ ấy từ mương Ngõa đổ xuống Ngòi Lao. 
Từ năm 2013, nước thải kéo theo bùn đỏ từ lòng hồ xả thải của nhà máy đổ ra suối Dầy 2, lấp hết toàn bộ diện tích cấy lúa khoảng 1ha của thôn. 1ha nữa của bà con các thôn có suối Dầy chảy qua cũng bị ảnh hưởng - suối Dầy chảy đến đâu là bùn đỏ theo đến đấy. Cái đập thủy lợi phai Ngõa dưới Đồng Vành, ông trưởng thôn Dầy bảo “cái phai Nhà nước mới làm, tiền tỉ chứ không ít đâu”. Thế nhưng sau 2 năm phục vụ sản xuất nông nghiệp, bùn đỏ đã lấp đầy phai Ngõa.
Ông Trần Văn In, ông Nguyễn Văn Đán ở thôn Ao Lay vác cuốc ra đồng - “đến vụ thì phải làm thôi chứ cấy thì lúa cũng có lớn được đâu”. Sau cái đợt hơn hai chục hộ kéo nhau lên cổng nhà máy “biểu tình” đòi nhà máy phải đền bù cây lúa thì bà con mới được họ trả cho 2 lạng thóc/m2. Miền núi, đất nông nghiệp ít nên lại càng quý. Lúc lúa tốt, năng suất 7-8 lạng/m2 bà con còn không đủ ăn nữa là 2 lạng. 
Bà con lại kêu thì nhà máy hỗ trợ cho mỗi mét vuông 2.000 đồng để xúc lớp bùn đỏ dày từ 20-60cm trên mặt ruộng đi. Thế nhưng với 2.000 đồng thì bà con làm được gì, “chưa kể bùn đó đổ đi đâu? Đổ lên đồi, lên núi thì mưa một trận là hòa cả làng” - ông Đán vừa bổ những nhát cuốc, vừa nói giọng bất lực “bà con cũng “cải tạo” đất đấy, nhưng gọi là “cải tạo” chứ cũng chỉ biết đổ thêm phân gio xuống ruộng. Mà bùn đã đỏ quánh lại thế thì có phân gio… giời cũng chả lại được”. Suối Dầy bị chặn, bà con pải khắc phục bằng việc dẫn nước từ các mương khác về bằng ống nhựa 34, mỗi ống chỉ phục vụ sản xuất được cho 2-3 hộ. Mà bà con lại phải bắc ngầm qua mương Ao Lay để dẫn vào cánh đồng Khe Khinh.
Mấy tháng nay nhà máy dừng hoạt động vì không… bán được quặng, bà con mừng húm. Thế nhưng cứ sau mỗi trận mưa là nước bùn đỏ vẫn tháo từ hồ xả thải ra như thường. Cứ mỗi trận mưa là bà con phải bịt ống dẫn nước vào ao cá lại. Ao cá vì thế mà thành ao tù. Cá nuôi trong ao, trước có bỏ dài thì mỗi năm cũng thu được một lứa, thế nhưng từ khi nhà máy xả bùn đỏ ra, cá nuôi mãi không lớn, mấy hộ nuôi đã 2 năm mà vẫn chưa đánh bắt được. 
Nhà sát đập phai Ngõa, ông In bảo bây giờ còn không dám nuôi vịt, bùn đỏ bít lông vịt chết hết, đến con ốc còn không sống được cơ mà. Ông In vừa dẫn chúng tôi ra đập phai Ngõa vừa bảo: “Mấy hôm nay nước không đỏ đâu, nhà máy dừng hoạt động rồi mà, trời lại không mưa…”. “Thế trời mưa thì thế nào ạ?” - chúng tôi hỏi. “Mưa thì… chán luôn!”.
“Nguy hại thì phải có hóa chất, còn đây thì chỉ là nước bẩn đục”
Chúng tôi đã đem thắc mắc, khó khăn của bà con 2 xã thuộc 2 huyện, 2 tỉnh đến gặp ông Hà Mạnh Cường - PGĐ Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái. Ông Cường cho biết: “Trong giai đoạn đầu nhà máy hoạt động, vấn đề môi trường chưa lớn, nhưng sau một thời gian thì thứ nhất năng suất cao, thứ hai là hệ thống xử lý chưa đảm bảo yêu cầu nên đến năm 2013 thì công trình xử lý lắng bùn đầy, phát sinh nước bùn thải gây ô nhiễm Ngòi Lao làm ảnh hưởng dưới Phú Thọ. Hai tỉnh, hai sở cũng đã làm việc với nhau, thanh tra kiểm tra với phía công ty về việc thực hiện. Công ty có những giải pháp nhưng chưa khắc phục được triệt để. Mới đây Bộ TNMT đã kết hợp với Sở TNMT Yên Bái kiểm tra nhà máy tuyển quặng làng Mỵ (thuộc Công ty phát triển số 1) và “đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính 200-300 triệu đồng, yêu cầu công ty có những biện pháp để đảm bảo môi trường”.
PV: Trong suốt thời gian Nhà máy tuyển quặng gây ô nhiễm, ông đánh giá mức ảnh hưởng đến đâu?
Ông Hà Mạnh Cường: Việc ảnh hưởng đến ruộng lúa của người dân thì người ta cũng đã có trách nhiệm đền bù di dời những hộ chân đập, đền bù cả sản xuất cho dân rồi. Từ năm ngoái đến giờ thì sở không nhận được phản ánh gì.
Ngoài mấy hộ ở chân đập ra, các thôn khác thì bùn cũng lấp ruộng lúa, lấp đập thủy lợi, bùn cao ngang cả mặt đập, bà con đã phản ánh với chúng tôi?
- Việc này thì sở cũng chưa nhận được phản ánh của địa phương, hôm nay các bạn nói thì tôi mới biết, chỉ thấy địa phương phản ánh với báo chí chứ chưa thấy xã báo cáo. Các bạn đã cho biết thế thì thời gian tới sở sẽ kết hợp với địa phương để tìm hiểu, khảo sát.
Mấy tháng nay nhà máy dừng sản xuất, nhưng nguồn nước khi mưa thì vẫn là nước bùn đỏ đổ ra ruộng của bà con. Vậy thì trong việc này vai trò của sở đối với việc xử lý giúp bà con là như thế nào, thưa ông?
- Hôm nay bạn nói thì tôi mới biết chứ sở không nhận được phản ánh, tôi sẽ cho người vào kiểm tra, cái gì thuộc chuyên môn thì sở sẽ có phương án, nhưng còn phải xem tình hình cụ thể. Chứ từ cuối năm 2014 đến nay sở không nhận được đơn thư gì của dân cả.
Đập thủy lợi phai Ngõa mới sử dụng được 2 năm thì bùn đất đã bồi lấp, bây giờ bùn đã cao bằng đập?
- À, thế à (lấy giấy bút ghi lại), đập phai Ngõa mà bạn nói là một này, với cái gì nữa ấy nhỉ?
Bà con còn phản ánh là con tôm, con cá bắt được, mang về nấu lên còn có cả mùi xăng?
- Thực ra công nghệ của nhà máy chỉ là nghiền. Họ chở quặng với bùn đất về, sau đó tuyển từ thôi chứ không có dùng thứ hóa chất gì cả. Có cái từ nam châm để hút sắt lại thôi.
Nếu không sử dụng hóa chất như ông nói thì tại sao ở Ngòi Lao dưới Phú Thọ, các thông số đều quá mức quy định?
- Những cái đấy có là đương nhiên rồi, nước thải chắc chắn không có chất hóa học, chỉ có bùn đất đỏ và chất rắn lơ lửng là rất nhiều.
Nếu chỉ có bùn đỏ thì mức độ nguy hại khi nguồn nước bị nhiễm bùn đỏ là thế nào, thưa ông?
- Để đánh giá nguy hại thì theo tôi phải có những cơ quan tổ chức chuyên ngành về y tế đánh giá, nhưng theo tôi thì nó chỉ là bùn đất bình thường thôi, nó chỉ đục nguồn nước thôi chứ nguy hại thì phải có hóa chất, còn đây thì chỉ là nước bẩn đục.
Nếu chỉ có bùn đất và chất rắn lơ lửng thì sao dưới Mỹ Lung tôm, cá lại chết hết, cả rận trâu cũng chết, trâu thì sẩy thai?
- Nước đục không có ôxi thì chết thôi.
Ở góc độ chuyên môn thì sở có cách gì để giúp bà con không?
- Chúng tôi sẽ phối hợp để kiểm tra cụ thể, tìm nguyên nhân rồi đưa ra giải pháp cụ thể, chứ giải pháp như thế nào thì ngồi đây tôi không thể nói với bạn được.