Sunday, June 7, 2015

Yêu nước là phải… mua sản phẩm?

Theo Dân luận-06-07-2015
Yêu nước là phải… mua sản phẩm?
Không ai có thể phủ nhận tinh thần ái quốc của bạn, dù bạn chẳng đủ giàu để bỏ bạc triệu ra mua chiếc điện thoại thông minh hay tour du lịch biển đảo theo “khuyến nghị yêu nước”.
Cái giá của lòng yêu nước
Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông ngày càng gia tăng, những sự kiện liên quan đến lòng yêu nước dễ có sức lan tỏa, đi vào lòng người và tạo hiệu ứng rộng trên mạng xã hội. Có lẽ vì vậy mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tận dụng điều này để khuếch trương sản phẩm, dịch vụ. Cùng thời điểm người chủ hãng điện thoại thông minh kêu gọi người dân mua sản phẩm của ông để thể hiện tinh thần yêu nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn, trưởng đoàn đại biểu tỉnh Nam Định cũng khẳng định tour Trường Sa sẽ không chỉ là một tour du lịch thông thường mà là “tour du lịch yêu nước, giúp người dân bày tỏ trách nhiệm với tổ quốc”.
Trên Facebook, một đồng nghiệp của tôi viết status thế này: “Là người dân, ai chả muốn thể hiện lòng yêu nước. Nhưng bây giờ, coi bộ muốn yêu nước miễn phí hoặc ít tiền cũng khó. Yêu nước thì mua điện thoại thông minh “made in Vietnam” giá 11 triệu đồng, đi tour Trường Sa 12 ngày giá khoảng 80 triệu đồng”. Thực tế, những con số này quả là thách thức không nhỏ với đa số người dân đang có thu nhập dưới 10 triệu đồng mỗi tháng và còn bao nhiêu khoản chi tiêu, thuế, phí gánh trên đầu. Chẳng lẽ những người không đủ khả năng tài chính mua những sản phẩm, dịch vụ nêu trên là… không yêu nước hay ai quốc là đặc quyền của người giàu?
Khái niệm yêu nước giờ đây đã khác xưa
Trước hai sự kiện trên, hãng cà phê Trung Nguyên đã gây ồn ào với thông điệp “uống cà phê Trung Nguyên là yêu nước”. Suốt một thời gian dài, thông điệp này gây tranh cãi, vì bây giờ là thời kinh tế thị trường, người ta có nhiều sự chọn lựa khi muốn đi uống cà phê, ít tiền thì cà phê bệt, muốn sang thì đã có Starbucks và nhiều thương hiệu cà phê khác đã du nhập vào Việt Nam. Điều quan trọng là người ta có cảm thấy chất lượng và giá cả của tách cà phê mà mình uống có tương xứng với nhau hay không.
Đã đến lúc đặt câu hỏi rằng các nhà sản xuất nội địa có cần phải lên gân bằng hai chữ “ái quốc” và lạm dụng cảm xúc tập thể hay không? Cựu đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh mới đây đã phát biểu: “Đừng độc quyền lòng yêu nước, xem những ai không đồng tình với mình là không yêu nước”. Rõ ràng, yêu nước theo cách nào cũng là quyết định riêng của mỗi người. Khi dân trí được nâng cao, khái niệm yêu nước giờ đây đã khác xưa, cần tránh sự giáo điều và tuyên truyền một chiều dễ gây phản cảm. Tùy vào khả năng và điều kiện, người ta có thể biểu hiện lòng ái quốc dưới nhiều cách thức: chấp hành luật giao thông, không xả rác, đóng thuế đầy đủ, góp tiền xây dựng hải đảo, trợ giúp ngư dân bám biển, lên tiếng trên mạng xã hội về chủ quyền biển đảo, xuống đường phản đối ngoại bang xâm lấn…
Do vậy mà một thương hiệu quốc nội muốn khơi dậy lòng ái quốc trong cộng đồng cần có sự tinh tế hơn. Tôi tin rằng đa số người dân, nhất là giới trẻ, đủ tri thức để nhận ra đâu là chủ doanh nghiệp lạm dụng khẩu hiệu ái quốc nhằm mục đích bán hàng và đâu là người muốn làm ra sản phẩm để người Việt tự hào.
Chính quy luật thị trường sẽ quyết định sự thành bại của một sản phẩm chứ không nhất thiết phải “dựa hơi” lòng yêu nước để mê hoặc người tiêu dùng. Nếu chiếc điện thoại thông minh mới ra lò là sản phẩm tốt thật sự, tích hợp tính năng độc đáo, giá cả cạnh tranh, phương thức bán hàng, marketing và bảo hành tạo được lòng tin, người ta tự khắc sẽ ủng hộ. Ngược lại, đừng nghĩ rằng khi sản phẩm của mình bị hoài nghi, tẩy chay nghĩa là tại người tiêu dùng không… yêu nước.
Có một câu hát thế này: “Tôi yêu những gì đến tự nhiên” (ca khúc “Và tôi cũng yêu em”, nhạc sĩ Đức Huy). Lòng yêu nước cũng vậy. Hãy để người ta ái quốc bằng một tình yêu tự nhiên cũng như tin dùng một mặt hàng vì đấy là sản phẩm tốt và đáng đồng tiền bát gạo, chứ không bởi bất kỳ sự biện minh nào khác.

No comments:

Post a Comment