Như một quy ước, khi nước sông dâng lên ngập hòn đá mệ (đá bà) thì cầu phao được kéo vào, bà con muốn sang sông phải đi đò. Còn nếu nước sông ngập đá ông thì đò cũng không chèo được. Những người dân bên này sông chỉ biết đứng nhìn dòng nước lớn.
Chiếc cầu phao nối hai bờ
Đã bao đời nay, người dân thôn Đồng phú, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) “nằm ngủ cũng chiêm bao thấy cây cầu kiên cố”…
Vào mùa mưa lũ, người dân không thể qua sông
Mặc dù nằm cách trung tâm xã không xa nhưng do bị chia cắt bởi sông Gianh nên cuộc sống bà con nơi đây gặp vô vàn khó khăn. Cả thôn có khoảng 200 hộ với hơn 1 ngàn khẩu, nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn.
Trước khi chưa có cầu phao, bà con đi lại bằng đò, mỗi nhà góp một tháng 2kg lúa để nuôi người lái đò.
Cận cảnh cầu phao
“Trời nắng còn đỡ, nhưng hễ mưa xuống, nước từ thượng nguồn đổ về thì đò cũng chịu. Hồi xưa chưa có trường cấp 1 bên này sông như bây giờ nên những thế hệ trước phải bỏ học rất nhiều vì đò giang cách trở”, ông Hoàng Minh Khá (61 tuổi) cho biết.
Khoảng năm 2000, anh Nguyễn Văn Khanh, một cựu chiến binh khi đó đã bỏ gần 200 triệu đồng để làm cầu phao, phục vụ việc đi lại cho bà con.
Chiếc cầu dài 160m, rộng 1,8m, chỗ cao nhất cho thuyền đi qua cao 3,5m, được làm bằng thùng phuy kết phao, gỗ đóng cọc hãm, làm lan can và ván sàn cho bà con đi lại.
Sau khi cầu hoàn thành, anh làm hợp đồng với thôn thu tiền, thời điểm đó chỉ thu 500 đồng một lần đi bộ, xe máy thì 3 ngàn đồng mỗi lượt đi về.
Nếu nước cách đỉnh hòn đá ông 8 phân thì bà con hầu như không thể nào sang sông được
Nhưng vào năm 2011, chiếc cầu cũ đã bị lũ cuốn trôi, anh đã làm lại cầu với sự hỗ trợ của xã, huyện. Chiếc cầu lần này được làm mới hoàn toàn và chắc chắn hơn.
“Hiện nay, vật giá tăng lên nên bà con cũng đồng ý trả cho mỗi lần đi bộ là 1 ngàn đồng, học sinh mỗi tháng đóng 6 đến 8 ngàn tùy theo thời tiết. Xe máy của người trong thôn thì mỗi lượt đi về là 5 ngàn đồng, người lạ 10 ngàn đồng”, ông Khá (61 tuổi) cho biết thêm.
Nhưng đó cũng chỉ là cầu tạm, vì khi đến mùa mưa lũ, nếu nước trên nguồn đổ về ngập hòn đá bà ở giữa sông thì cầu phao được kéo vào, bà con và các em học sinh lại phải qua sông bằng đò.
Còn nếu nước ngập cách đỉnh hòn đá ông thì học sinh hầu hết phải nghỉ học, dân cũng không ai dám chèo đò qua sông.
Ước mơ bao đời
Đá ông và đá mệ (đá bà) là hai hòn đá nằm ngay giữa sông, người dân ở thường nhìn hai hòn đá này để đo lưu lượng dòng nước. Tính từ mặt nước lên, hòn đá bà cao khoảng 3m, còn đá ông cao hơn, khoảng 4m.
Bà Nguyễn Thị Đạo tâm sự, ngủ cũng chiêm bao thấy cầu kiên cố
“Cực nhất là có người đau ốm, không có y tế thôn bản ở đây nên những lúc như vậy chỉ biết gọi điện cho xã cầu cứu. Chờ xã đưa thuyền sang thì mới chở bệnh nhân qua sông cấp cứu được.
Dân chúng tôi đây chỉ ước có một cây cầu kiên cố, giờ có nằm chiêm bao chúng tôi cũng thấy cầu”, bà Nguyễn Thị Đạo (61 tuổi) tâm sự.
Cũng vì đi lại khó khăn nên cuộc sống của bà con gặp rất nhiều hạn chế, giá nông sản ở bên này sông lúc nào cũng thấp hơn bên kia sông từ 1 đến 2 giá, trong khi giá vật liệu xây dựng lại cao hơn. Vì thương lái còn tính thêm tiền vận chuyển.
Gác chắn thu tiền trước khi qua cầu
“Nhà tôi có một vườn keo, nếu ở bên kia có thể bán được với giá hơn 4 triệu thì ở đây bán chỉ hơn 2 triệu thôi”, bà Đạo cho biết thêm.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Công Hiếu, trưởng thôn Đồng Phú nói: “Năm vừa rồi đã có đoàn về khảo sát và cắm mốc để làm cầu, theo như kế hoạch thì ngày 10/9/2014 sẽ khởi công làm bà con ai cũng phấn khởi, chờ đợi. Nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy động tĩnh gì, một chiếc cầu kiên cố vẫn là mơ ước bao đời nay của bà con”.
Trả lời VietNam Net, ông Đoàn Đại Thế, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết: “Vì điều kiện đi lại nên đời sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại đã có cầu phao nhưng cũng chỉ tạm thời. Xã đã nhiều lần đề nghị lên huyện, đợt vừa rồi có dự án làm cầu treo của toàn tỉnh, huyện cũng đưa thôn Đồng Phú vào danh sách nhưng sau đó họ bảo khẩu độ quá dài nên không thể đầu tư được.
Giờ xã rất mong các cấp chính quyền giúp đỡ cho bà con cây cầu, có thế cuộc sống của bà con mới khá lên được”.
No comments:
Post a Comment