Sunday, June 7, 2015

'Còn sớm để nói lãnh đạo VN sẽ ngả về đâu'

Theo BBC-9 giờ trước
Thay đổi trong thành phần 'bộ tứ' lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước Việt Nam trong Đại hội 12 của ĐCSVN tới đây vẫn còn là một dấu hỏi chưa có lời giải.
Hiện vẫn còn có phần quá sớm và có thể là 'khá rủi ro' để nhận định 'bộ tứ lãnh đạo' tương lai của Việt Nam sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam (sự kiện được dự kiến diễn ra vào đầu năm 2016) sẽ ngả về gần Mỹ hơn là Trung Quốc, hay ngược lại, theo Tiến sỹ Nguyễn Quang A từ Hà Nội.
Gần đây, trong một trao đổi với Tọa đàm Trực tuyến của BBC về quan hệ Việt - Mỹ, một nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nêu quan điểm cho rằng có thể sẽ có sự dịch chuyển trong cán cân của lãnh đạo cao cấp Bộ Chính trị Việt Nam trong quan hệ tay ba Việt - Mỹ - Trung.
Ông Lê Hồng Hiệp, người đang là khách mời nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói:



"Theo tôi nếu nhìn nhận tương quan lực lượng trong đội ngũ lãnh đạo sắp tới mà theo như phân tích của tôi vừa rồi, tôi nghĩ cán cân sẽ nghiêng nhiều hơn về phía Hoa Kỳ.
"Tức là đội ngũ, ê-kíp lãnh đạo mới mà nếu như theo phân tích của tôi, có thể có xu hướng dịch chuyển nhiều hơn về phía Hoa Kỳ.
"Tuy nhiên, cái dịch chuyển đó sẽ không quá lớn.
"Và một điều nữa như tôi... đã nói là không hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ lãnh đạo Việt Nam;
"Mà nó còn phụ thuộc vào các bước đi của Trung Quốc, cũng như cảm nhận của Việt Nam về mối đe dọa của Trung Quốc ở trên Biển Đông," TS. Lê Hồng Hiệp nói với BBC hôm 04/6/2015.

'Khá là rủi ro'

Bình luận về quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Phản biện Chính sách Độc lập (IDS - đã tự giải thể), nói:
"Tôi thấy anh (Lê Hồng) Hiệp nói có lý của anh ấy, là bởi vì nhìn tương quan lực lượng thực bây giờ, có thể nói công việc quá khứ của những người mà có thể vào những chức vụ như thế (Tổng bí thư Đảng CS, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội);
"Và một điểm thứ hai tôi cũng đồng ý với anh Hiệp là cái này chính là do công của Trung Quốc, là bởi vì Trung Quốc họ làm những việc hết sức là 'lố lăng' và bất luận những người ấy là ai, thì cũng đẩy người ta về phía Mỹ nhiều hơn.
"Là bởi vì tất cả những việc mà Trung Quốc làm làm cho tất cả người dân Việt Nam càng nhận thức rõ rằng Trung Quốc là một ông láng giềng rất là to, nhưng rất xấu chơi.
"Và trong trường hợp ấy, những người lãnh đạo, dẫu họ thế nào chăng nữa, thì những người ấy cũng bị ảnh hưởng bởi nhận xét chung của dân chúng như vây."



Tuy nhiên, Tiến sỹ Quang A cho rằng có lẽ còn hơi sớm và có thể là 'khá rủi ro' để đưa ra nhận định về 'chuyển dịch đường lối đối ngoại trong nhân sự cao cấp của Đảng và nhà nước Việt Nam'.
Ông nói:
"Đấy là môt nửa bình luận có thể nói là tán thành với ý kiến của anh Hiệp, tuy nhiên tôi nghĩ rằng những chuyện như thế cũng chỉ là một sự phỏng đoán mà thôi. Sự phỏng đoán ấy còn phải đặt rất nhiều câu hỏi ở sự phỏng đoán đây.
"Bởi vì đầu tranh giữa các thế lực trong nội bộ Đảng, rồi bản thân sự phức tạp của hoạt động chính trị của Việt Nam nó khó cho người ta có thể hiểu cặn kẽ những động lực đằng sau như thế nào.
"Bởi vì nhìn trên bề mặt, mình có thể thấy hiện tượng có vẻ là như vậy, nhưng mà chưa chắc nó đã phải là như vậy.
"Cho nên tôi nghĩ rằng việc tiên đoán những hiện tượng phức tạp như thế trong ngắn hạn, tức là trong độ khoảng nửa năm nữa, 6-7 tháng nữa, thì tôi thấy khá là rủi ro và có lẽ là không nên bận tâm quá về chuyện dự đoán như thế," nhà quan sát tình hình chính trị, xã hội Việt Nam nói với BBC hôm 07/6 từ Hà Nội.

No comments:

Post a Comment