SÀI GÒN (NV) - Một viên trung tướng là phó tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam vừa chính thức thừa nhận, hai chiến đấu cơ loại Su-22 rớt hồi giữa tháng trước là do đâm vào nhau.
Hôm 15 tháng 4, hai chiến đấu cơ vừa kể cất cánh từ một phi trường quân sự ở Phan Rang để thực tập ném bom trên biển và mất tích khi đang bay cách đảo Phú Quý khoảng mười cây số. Lúc đó, quân đội Việt Nam chỉ xác nhận “mất liên lạc” với hai chiến đấu cơ.
Một trong các mảnh vỡ của hai chiếc Su-22. (Hình: Tuổi Trẻ)
Việc tìm kiếm hai chiến đấu cơ lâm nạn được thực hiện suốt hai tuần và đến ngày 30 tháng 4, lực lượng cứu nạn mới tìm được thi thể của cả hai phi công điều khiển hai chiếc Su-22: Trung Tá Lê Văn Nghĩa và Ðại Úy Nguyễn Anh Tú.
Mới đây, viên tướng là phó tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam, cho biết, hai chiến đấu cơ Su-22 bị rơi hôm 15 tháng 4 không phải do phi cơ bị trục trặc kỹ thuật mà vì các vấn đề có liên quan đến “thao tác” dẫn tới “va chạm với nhau trên không khi đang bay lên ở độ cao vừa phải.”
Có lẽ cần nói thêm rằng chiến đấu cơ loại Su-22 do Liên Xô sản xuất vốn quá cũ kỹ nên hiện chỉ còn vài quốc gia như: Việt Nam, Syria, Yemen,... sử dụng
Tuy viên Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam chống chế rằng, những tai nạn như tai nạn vừa xảy ra với hai chiến đấu cơ loại Su-22 “không phải là hi hữu trong quá trình luyện tập, biểu diễn” song thực tế cho thấy điều đó không chính xác.
Những thông tin chính thức liên quan đến các vụ tai nạn phi cơ của Không Quân Việt Nam cho thấy Không Quân Việt Nam có nhiều khiếm khuyết cả về phương tiện bay lẫn năng lực sử dụng các phương tiện bay.
Hồi trung tuần tháng 4, khi trò chuyện với BBC về sự kiện hai chiến đấu cơ loại Su-22 gặp nạn, ông Carl Thayer, một giáo sư của Học Viện Quốc Phòng Úc, cho biết, giới nghiên cứu quân sự của Trung Quốc từng nhận định, khả năng hậu cần và chất lượng huấn luyện của quân đội Việt Nam rất kém thành ra quân đội Việt Nam sẽ không đủ sức ứng phó với chiến tranh.
Tiếc là dường như nhận định này có vẻ xác thực và đặc biệt rõ ràng đối với lực lượng không quân của Việt Nam.
Trước vụ hai chiếc Su-22 đâm vao nhau như vừa kể hai tuần, có một chiếc Mi-8, số hiệu 7850 của Không quân Việt Nam rớt tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống bãi đáp ở đảo Phú Quý và cách mặt đất khoảng 10 mét. May mắn là phi hành đoàn bốn người và bốn người cùng đi trên trực thăng chỉ bị thương chứ không thiệt mạng. Ðó là chiếc trực thăng thứ ba bị rớt trong tám tháng vừa qua.
Trước đó hai tháng, hôm 28 tháng 1, từng có một chiếc trực thăng loại UH-1 của Trung đoàn 917, Sư Ðoàn Không Quân 370 bị rớt ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Sài Gòn sau khi rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất khoảng 8 phút để thực hiện một phi vụ huấn luyện với lộ trình dự kiến từ Sài Gòn đến Tây Ninh. Không Quân Việt Nam cho biết, chiếc trực thăng này bị rớt vì đột nhiên xảy ra tình trạng mất kiểm soát, phi công không giữ được sự tương ứng về độ cao và tốc độ. Phi hành đoàn với bốn phi công cấp tá đã tử nạn trong phi vụ này.
Trước nữa, vào tháng 7 năm ngoái, từng có một chiếc trực thăng loại Mi-171 của Trung Ðoàn 916, Sư Ðoàn Không Quân 370, phát nổ rồi đâm xuống xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội, khi mới cất cánh được mười phút. Tai nạn làm 17 trong 21 quân nhân hiện diện trên chiếc thăng đó chết tại chỗ. Ba trong số bốn người còn sống chết tại bệnh viện.
Trong các thập niên 1980, 1990, từng xảy ra hàng loạt vụ tai nạn đối với các vận tải cơ, chiến đấu cơ do Liên Xô sản xuất. Ðến thập niên 2000, Việt Nam đề ra kế hoạch “hiện đại hóa quân đội.” Dựa trên các dữ liệu lưu trữ của Người Việt thì trong tám tháng đầu năm 2006, có ba vụ tai nạn phi cơ quân sự. Hai vụ đầu tiên xảy ra liên tục trong tháng 4 và tháng 5 ở Bình Ðịnh, vụ thứ ba xảy ra ở Ninh Thuận. Cả ba phi cơ liên quan đến ba vụ tai nạn này đều rơi khi đang tập luyện và các phi công đều kịp thoát ra ngoài trước khi phi cơ lao xuống đất.
Trong năm 2007, hồi tháng 6 của năm này, một chiếc máy bay loại L39, chuyên dùng để đào tạo phi công của Học viện Không quân Nha Trang đã lao xuống vùng biển thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, khiến một thượng tá là giáo viên dạy bay và một thượng úy phi công thiệt mạng. Ðến tháng 11 năm 2007, một phi cơ quân sự đã rơi sát quốc lộ 3 thuộc khu vực xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên.
Ðến tháng 4 năm 2008, một chiếc vận tải cơ thuộc loại AN-26 do Nga sản xuất đã rơi xuống một cánh đồng có tên Tả Thanh Oai, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 2009, chỉ trong vòng năm tháng, từ tháng 6 năm 2009 đến tháng 11 năm 2009, có hai chiến đấu cơ bị rớt khi đang thực hiện các phi vụ huấn luyện. Vào ngày 9 tháng 6 năm 2009, một chiếc Su-22 đã lao xuống xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60 cây số, khiến một đại úy phi công thiệt mạng. Ðến ngày 22 tháng 11 năm 2009, một chiếc MIG-21 đã lao xuống khu vực phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, khiến một thượng tá là trung đoàn trưởng, trung đoàn Không Quân 31 và một thượng úy cùng tử nạn... (G.Ð)
05-01-2015 6:43:37 PM
No comments:
Post a Comment