Saturday, May 2, 2015

Hàn gắn vết thương Việt Nam : Sứ mạng của các cựu binh Mỹ

Theo RFI-Trọng Thành
Ngày 02-05-2015 23:18

media
Thương binh Bobby Muler, người sáng lập Quỹ Vietnam Veterans of America Foundation.DR

Chiến tranh Việt Nam kết thúc đã bốn mươi năm. Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam/Vietnam Veterans of America Foundation (VVAF), thành lập năm 1980, là một cơ sở có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động phá gỡ bom mìn, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam..  Theo chị Thảo Griffiths, Trưởng đại diện của quỹ VVAF tại Việt Nam, ngay từ rất sớm, các cựu chiến binh Mỹ đã tham gia thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

 Chị Thảo Griffiths (Hà Nội)02/05/2015
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150502-su-mang-cua-cuu-binh-my-han-gan-vet-thuong-chien-tranh-viet-nam/#

Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam là một tổ chức trụ cột trong sáu thành viên của liên minh các tổ chức phi chính phủ thuộc Chương trình International Campaign to Ban Landmines (Chương trình quốc tế chống mìn), thành lập năm 1992. Năm 1997, liên minh này được trao tặng giải Nobel Hòa bình.

Sau đây là cuộc phỏng vấn chị Thảo Griffiths dành cho RFI ngày 27/04/2015, nhân dịp 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Chị Thảo Griffiths : Từ năm 1981, theo lời mời của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch lúc bấy giờ, đoàn cựu chiến binh Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam. Lúc đó chưa có bất cứ một trao đổi trực tiếp nào mà dẫn đến một đoàn chính thức của chính phủ Mỹ sang Việt Nam. Những cựu chiến binh Mỹ này là những người đã đi đầu trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh.

Sau này, vào năm 1994, khi chính phủ Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, thì các cựu chiến binh Mỹ cũng là một trong những tổ chức được mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Từ đó đến nay chúng tôi hoạt động tại Việt Nam đã 22 năm. Chúng tôi có bốn chương trình chính.

Một là chương trình hỗ trợ Việt Nam khắc phục bom mìn, vật nổ, đối tác của chúng tôi là Bộ Quốc phòng Việt Nam và các bộ có liên quan. Chương trình thứ hai là những người khuyết tật, không phân biệt lý do, nhưng chúng tôi ưu tiên các khu vực bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Đây là chương trình chúng tôi làm việc với Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội và Bộ Y tế. Chương trình thứ ba là chăm sóc sức khỏe tâm thần, phối hợp với Bộ Y tế và Bộ LĐ, TB, XH. Chương trình cuối cùng là về giáo dục. Với tài trợ của công ty Boeing ở Việt Nam, chúng tôi xây dựng trường học ở những nơi xa xôi hẻo lánh và còn nhiều thiệt thòi, và cũng là những nơi bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Từ chỗ không nhìn được vào mắt nhau…

RFI : Dường như trong bốn chương trình, có hai hoặc ba là gắn nhiều với các hậu quả chiến tranh ?

Chị Thảo Griffiths : Đó là chương trình khắc phục bom mìn vật nổ và chương trình hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt do chất độc da cam, dioxin.

Kể từ khi Hoa Kỳ ngưng cấm vận kinh tế, thì các hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh cho Việt Nam đã tăng lên. Từ đó đến nay, tôi được biết, chính phủ Mỹ đã bỏ ra 80 triệu đô la để hỗ trợ khắc phục bom mìn vật nổ. Ngoài ra, một khoản tương tự dành cho việc hỗ trợ người khuyết tật. VVAF là một tổ chức phi chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Chúng tôi là một đơn vị nhận ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ.

(---) Ngay trong năm 2015 này, khi chúng ta đang rất bận rộn cho kỷ niệm việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố tăng gấp đôi phần ngân sách để hỗ trợ Việt Nam để giải quyết vấn đề bom mìn, vật nổ. Trước đây là hơn 4 triệu đô la/năm, thì nay là hơn 10 triệu đô la Mỹ. Chúng ta hoàn toàn có tín hiệu để hy vọng rằng sự hỗ trợ này có thể được duy trì ở mức này, và có thể tăng hơn nữa, nếu như Việt Nam có khả năng hấp thụ…

Lĩnh vực thứ hai là hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là người nhiễm dioxin… Có thể nói là trước năm 2006, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hầu như rất ít, rất ít. Chúng ta không nhìn được vào mắt nhau, khi chúng ta nói câu chuyện dioxin, da cam. Nhưng chỉ trong vòng 8 năm, đến cuối năm 2014, thì từ chỗ không nhìn được vào mắt nhau, đây lại là câu chuyện khiến chúng ta xích lại gần nhau. Câu chuyện da cam là điển hình cho sự thành công trong hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong vòng 8 năm, chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 100 triệu, để giải quyết các hậu quả môi trường do sự tồn dư của dioxin ở những điểm nóng, đặc biệt là Đà Nẵng, và sắp tới là sân bay Biên Hòa, và ngoài ra là những vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân sinh sống gần những điểm nóng đó….

Điều này đã tạo ra một lòng tin rất là có thực giữa hai quốc gia, trước đây là kẻ thù. Góp phần rõ rệt cho việc xây dựng quan hệ chiến lược, toàn diện, giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

RFI : Xin cho biết ngoài kinh phí, phía Hoa Kỳ có thêm các hỗ trợ nào ?

Chị Thảo Griffiths : Cái sự tham gia của chính phủ Mỹ ở Việt Nam ngày càng tăng lên, kéo theo quan hệ đối tác của các công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, các công dân Hoa Kỳ. Họ không chỉ đưa ngân sách hỗ trợ, mà đi kèm là các trang thiết bị, đặc biệt là rà phá bom mìn, vật nổ. Những công nghệ chúng ta có không hiện đại lắm. Đối với những bom mìn, vật nổ trên bề mặt, để đảm bảo an toàn trong cuộc sống thường ngày của người dân, chúng ta giải quyết tốt rồi. Nhưng để rà phá ở độ sâu, đặc biệt khi xây dựng một nhà máy lớn, hay cầu cống, cần phải rà sâu 5 mét, 10 mét, hay rà phá thủy lôi, bom mìn ở vùng nước, đó là những thứ chúng ta thiếu…

Cầu nối quan hệ Việt – Mỹ

RFI : Xin chị cho biết, nhìn chung các cựu chiến binh Mỹ đã đóng vai trò như thế nào trong việc bình thường hóa quan hệ hai nước ?

Chị Thảo Griffiths : Tôi có nói đến chuyến đi lịch sử năm 1981, nghĩa là sau 6 năm chiến tranh kết thúc. Vết thương lòng, vết thương chiến tranh vẫn còn rất mới ở Việt Nam, thì những người cựu chiến binh này đã rất dũng cảm sang Việt Nam, để bắt đầu một quá trình thảo luận cởi mở với chính phủ Việt Nam về các vấn đề hậu quả chiến tranh.

Và tôi còn nhớ, tôi đọc báo Thời báo New York Times, ngày 3 tháng 2 năm 1996, khi ngài Tổng thống Bill Clinton đọc tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ với Việt Nam, thì bên tay phải của ông là Chủ tịch Quỹ cựu chiến binh Mỹ Bobby Muler. Điều này cho thấy sư công nhận rất là chính thức của các bên về vai trò của những người cựu binh đối với việc bình thường hóa quan hệ.

Tôi cũng được đọc một tờ báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong đó, một cán bộ ngoại giao cao cấp của Việt Nam kể vào những năm trước khi bình thường hóa quan hệ, việc đi lại của các cán bộ ngoại giao Việt Nam tại New York rất là hạn chế (trong bối cảnh bị cấm vận). Trong khi đó, lại cần những trao đổi không chính thức với phía Mỹ. Một trong những kênh khác nhau, đó là thông qua văn phòng của Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Washington DC, đến mức mọi người đùa với nhau là văn phòng của Quỹ như là một tòa đại sứ không chính thức của Việt Nam. Dù đó là câu đùa giữa những người bạn, điều này cho thấy sự trân trọng những nghĩa cử của Việt Nam đối những cựu binh Mỹ đã trực tiếp tham gia vào quá trình vận động bình thường hóa quan hệ.

Thế rồi khi có được bình thường hóa quan hệ rồi, những người cựu chiến binh Mỹ này lại là những người đầu tiên đến Việt Nam để làm các dự án này. Ông Bobby Muler bị trúng bảy viên đạn trong một trận đánh ở Cam Lộ, Quảng Trị năm ngày 29 tháng 4 năm 1969. Mặc dù ông ấy bị liệt từ ngực trở xuống, nhưng tôi chưa gặp một người nào năng động, nhiệt tình, đi lại và làm việc nhiều như ông ấy.

Điều ấy khiến tôi nghĩ đến những người khuyết tật ở Việt Nam. Một người như ông Bobby Muler vẫn tiếp tục làm việc, một phần do ý chí, nghị lực và tình cảm với Việt Nam, nhưng một phần nữa là môi trường sống của ông ấy, của những người khuyết tật cũng được tạo điều kiện. Nhưng ở Việt Nam, người khuyết tật của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về y tế, mà còn về khả năng hòa nhập trở lại với cuộc sống cộng đồng, để trở thành một thành viên tích cực. Đấy chính là mục tiêu của Quỹ, tạo điều kiện môi trường sống tốt hơn nữa… Chứ không phải như những quan niệm cũ là những người khuyết tật là gánh nặng cho xã hội. Nhưng mà người ta chỉ thực hiện được điều đó, nếu như xã hội tạo điều kiện cho họ. Đó là một trong những cam kết rất mạnh mẽ của chúng tôi ở Việt Nam….

RFI : Xin chị cho biết cụ thể.

Hỗ trợ không chỉ nạn nhân cuộc chiến 1965-1975

Chị Thảo Griffiths : Đối với người khuyết tật, từ năm 1994, chúng tôi có một hợp tác với Bộ Y tế, thông qua đó, chúng tôi xây dựng các xưởng chỉnh hình, tại bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện nhi Trung ương, và một số tỉnh ở miền bắc và miền trung Việt Nam. Ngoài các xưởng chỉnh hình, chúng tôi còn tập huấn cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, gửi họ đi học ở các nước giỏi về lĩnh vực này. Sau đó, khi họ trở về nước, chúng tôi có chuyên gia nước ngoài làm việc cùng với họ, nghĩa là vừa học, vừa làm, để quen việc, và cung cấp cho họ các phương tiện để họ làm được những công việc như mong muốn của mình. Chương trình này kéo dài từ 1994-2008.

Chúng tôi tạo điều kiện cho những người khuyết tật, sau khi đã được lắp chân, lắp tay giả, hay các phương tiện hỗ trợ khác, như xe lăn, nẹp chỉnh hình, thì có cơ chế để họ gặp gỡ nhau. Trước hết là để họ chia sẻ những khó khăn trong chữa trị, nhưng cái quan trọng hơn là để họ hòa nhập với cuộc sống. Ví dụ như được nhận học bổng, hoặc một số kỹ năng, để sau này có thể xin việc được, có thể làm ở nhà, tư nhân, hoặc có thể thi vào các cơ quan, công ty, nhà máy… Có những gia đình, vì khuyết tật, nên rất nghèo, toàn bộ nguồn lực tập trung vào việc chữa chạy, nên nhà cửa rất dột nát, chúng tôi có thể xây nhà cho họ, hoặc sửa lại nhà, để họ có thể di chuyển bằng xe lăn… Hoặc tạo điều kiện để người trong gia đình được đi học… hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho họ…

Ngoài ra một mảng chính của chúng tôi là nâng cao năng lực của hệ thống y tế công cộng của Nhà nước, phối hợp với một số tổ chức.

Dù không chỉ hỗ trợ những nạn nhân chiến tranh, nhưng một trong những ưu tiên của chúng tôi là các khu vực bị ảnh hưởng chiến tranh. Ví dụ như các tỉnh miền Trung Việt Nam chẳng hạn, hay là Hà Giang. Trước đây chúng tôi cũng làm tại tỉnh biên giới phía bắc bị ảnh hưởng chiến tranh này. Chúng tôi không biệt bị ảnh hưởng chiến tranh với quốc gia nào. Chỉ đơn giản, đó là khu vực nghèo, có nhiều người khuyết tật, cần được hỗ trợ. Đấy là một trong những vùng ưu tiên, mà Việt Nam đề nghị chúng tôi hỗ trợ.

Khi chúng tôi quyết định hỗ trợ một tỉnh, thì đã là người khuyết tật chúng tôi đều giúp.

Con cái mình thật may mắn…

RFI : Những điều chị kể cho thấy, những người cựu chiến binh Mỹ sau chiến tranh đã trở lại Việt Nam, đem lại trước hết là những hàn gắn về tinh thần cho quan hệ giữa hai phía, do các hậu quả lịch sử để lại, và sau đó có những hoạt động cụ thể để khắc phục hậu quả chiến tranh. Và bây giờ đến lượt chị, những người sinh sau 1975, đã nối tiếp công việc của họ. Chắc rằng cách đây 20 năm, khó ai ngờ đến điều này, phải không chị ?

Chị Thảo Griffiths : … Hoàn toàn tình cờ, lúc đó đang sinh sống và làm việc tại Hà Giang, quê tôi, tình cờ tôi đọc được một quảng cáo trên báo, cần tìm người hỗ trợ Quỹ Cựu chiến binh Mỹ trong quá trình đàm phán với Bộ Quốc phòng Việt Nam để có được khung hợp tác để khắc phục bom mìn vật nổ.

Lúc đó, tôi chỉ biết qua một số tai nạn về mìn ở vùng biên giới quê tôi. Hầu như tôi không hiểu biết gì về hậu quả của chiến tranh trước 1975, mà chỉ được học qua lịch sử ở nhà trường. Tôi hoàn toàn tò mò, tôi nghĩ rằng lịch sử của Việt Nam là lịch sử của rất nhiều cuộc chiến trong suốt mấy nghìn năm, để hiểu Việt Nam, cần phải hiểu về chiến tranh. Từ trước đến nay, những gì mà tôi được biết về chiến tranh, đều là qua sách báo, các chương trình của chính phủ Việt Nam, qua hệ thống trường học. Tôi rất tò mò : có một cách nhìn khác không của những người tham chiến ở phía bên kia ?...

Khi tôi bắt đầu vào làm ở đây rồi, tôi mới nhận thấy tính nhân đạo của công việc này rất cao. Thứ hai là, sau khi vào làm ở đây, tôi trở thành mẹ. Hiện tại, tôi là mẹ của hai bé, và tôi cũng trưởng thành cùng các con của mình. Trong phần đầu của phỏng vấn tôi có nói nhiều về những nạn nhân của chiến tranh là những em bé, những người sinh sau năm 1975, thậm chí là những em bé không hiểu gì về bom hay mìn.

Đó là sợi dây kết nối giữa tôi với cuộc chiến. Bởi vì, với tư cách là một người mẹ, tôi cảm thấy mình may mắn, con cái mình lành lặn, sinh ra lành lặn, và có điều kiện được đi học, nhưng mà có những em bé, sinh ra lành lặn, nhưng không có điều kiện phát triển, hoặc không có trường học tốt, hay sinh sống trong khu vực bị ô nhiễm bom mìn, luôn sống trong nỗi lo sợ.

Nếu như tôi có giúp được họ, dù chỉ là một chút, thì đó cũng là một cách để trả nợ cho cuộc đời, cũng là cách cảm ơn cuộc đời. Đặc biệt là qua sự trưởng thành cùng với hai người con của tôi. Hai bé bây giờ một học lớp 8, một học lớp 6, đều hiểu rõ công việc của bố mẹ… Sau này, tôi đưa con đi một số chuyến công tác, đến những vùng cơ quan tôi hỗ trợ xây dựng trường học, hay lắp đặt chân tay giả, phẫu thuật cho các bé bị khuyết tật bẩm sinh. Các con tôi trực tiếp nhìn thấy các bé đó và hiểu được công việc cơ quan mẹ mình làm là gì… Các con tôi đều rất là thông cảm, và biết rằng công việc đó của mẹ sẽ giúp cho các bạn khác cùng lứa tuổi của mình. Tôi nghĩ đó cũng là sự may mắn rất lớn cuộc đời giành cho tôi.

Các cựu chiến binh đã hoàn thành sứ mạng

RFI : Hy vọng Quỹ mình trong thời gian tới sẽ có thêm những đóng góp cho việc khắc phục hậu quả chiến tranh và cải thiện quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Chị Thảo Griffiths : Tôi nghĩ trong 20 năm vừa rồi, vai trò của các cựu chiến binh trong việc bình thường hóa quan hệ và tạo điều kiện cho mối quan hệ tốt đẹp hơn là rất rõ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi nghĩ, vai trò lịch sử của những người cựu chiến binh đã được thực hiện rồi. Bây giờ, vai trò tiếp theo là của chính người Việt Nam, đặc biệt trong việc kết nối giữa người Việt trong nước, và người Việt hải ngoại. Đấy cũng là một trong những quan tâm rất lớn của tôi trong thời gian tới. Gia đình tôi hoàn toàn sinh sống ở Úc, và tôi đi đi, về về giữa Úc và Việt Nam, và Hoa Kỳ nữa, do công việc của mình, nên tôi có điều kiện gặp gỡ rất nhiều Việt hải ngoại. Tôi rất mong muốn là trong những năm tới, chúng ta xích lại gần nhau nhiều hơn nữa.

Tôi nghĩ việc này người ta đã làm được rồi, và làm rất là tốt rồi. Bây giờ cái việc trong nhà của chúng ta, để cho Việt Nam chúng ta phát triển tốt hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, rõ ràng chúng ta phải sử dụng cái lòng dân, cái sức mạnh tổng hợp hơn nữa. Người Việt trong nước và người Việt hải ngoại cần phải xích lại gần nhau hơn nữa chứ ?! Dĩ nhiên đây sẽ là câu chuyện hai chiều, của cả trong nước, cả ngoài nước. Và nó không dễ ! Nhưng nếu chúng ta cùng cố gắng, thì sẽ dịch chuyển dần đến cái đích đó, trong một thời gian không xa.

Những người khác ý thức hệ có thể hợp tác ?

RFI : Xin chị cho biết rõ hơn về ý này.

Chị Thảo Griffiths : Tôi là một người sinh sau chiến tranh, và hoàn toàn không chứng kiến ngày 30 tháng 4 năm 1975 đó, nhưng rõ ràng đây là một cái mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Nó kết thúc một thời kỳ vô cùng đau thương của dân tộc chúng ta. Cái hậu quả chiến tranh để lại quá lớn. Thế và, trong 40 năm vừa rồi, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng cũng có việc chưa làm được. Đó là ngay sau thời gian chiến tranh, cũng có rất nhiều người phải ra đi, vì những lý do khác nhau. Cho nên, có rất nhiều người vui, vì đất nước hòa bình, nhưng cũng có nhiều người buồn, vì họ phải ra đi.

Lý do của chúng ta có thể khác nhau, hệ tư tưởng của chúng ta có thể khác nhau, nhưng nếu như chúng ta xác định rằng cuối cùng chúng ta vẫn phải hướng về nhau, vì dù người Việt ở hải ngoại hay ở trong nước, thì trong tim người đó vẫn là Việt Nam…

Tôi nghĩ thế hệ của chúng tôi là có thể làm được, vì chúng tôi sinh sau chiến tranh. Chúng tôi là những người có điều kiện được học hành. Tôi là một sản phẩm của giáo dục trong nước, lớn lên tại Hà Giang… nhưng sau này khi đất nước mở cửa ra, sự hợp tác với các nước tăng lên, tôi được học bổng đi học ở Úc và sau đó là Mỹ, được tiếp thu những giá trị chung (giá trị nhân loại - ndr) ở nước ngoài… Tôi không phải là người của chính phủ… là một công dân bình thường. Nếu công việc của những người bình thường như tôi tại Việt Nam có sự lan tỏa tốt, thì có thể trở thành những tác nhân, cầu nối với người Việt ở hải ngoại.

Tôi nghĩ việc này có thể làm được, bởi vì chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi một quá khứ quá nặng nề. Chúng tôi hiểu về quá khứ đó, nhưng không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá khứ đó, chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi những ý thức hệ, có thể khác nhau, hoặc có thể đối lập nhau.Thì đó là những cái mà sẽ khó, nhưng mà làm được, và cần phải làm.

RFI : Xin cảm ơn chị Thảo Griffiths.

No comments:

Post a Comment