Saturday, May 2, 2015

40 năm quốc hận: 'Nội Ngoại Ðoàn Kết Vùng Lên Cứu Nước'

04-30- 2015 9:45:51 PM
Ngọc Lan/Người Việt

WESMINSTER, California (NV) - 30 Tháng Tư, 2015, sau cơn nắng gay gắt vào buổi trưa, trời bỗng trở nên dịu mát hơn để đông đảo đồng hương cùng đến tham dự Lễ Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận với chủ đề “Nội Ngoại Ðoàn Kết Vùng Lên Cứu Nước” tại tượng đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster.

 
Lễ đài tại lễ tưởng niệm 40 năm quốc hận tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ðúng 6 giờ chiều, chương trình văn nghệ trên sân khấu bắt đầu. Nhiều vị đại diện Hội Ðồng Liên Tôn, chính quyền các cấp, các hội đoàn có mặt đúng giờ để tham dự cùng đồng hương từ những phút mở màn đầu tiên.

Sự đúng giờ là một điểm son đáng quý cho nhiều sinh hoạt cộng đồng diễn ra trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Tấn Duy, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Chương trình lễ tưởng niệm 40 năm quốc hận được tổ chức thật là long trọng cho cộng đồng Việt Nam tại đây, cũng như trong mục đích để đồng bào tại quê nhà biết là người Việt hải ngoại vẫn đang tranh đấu và yểm trợ cho họ.”

“Ðiểm đặc biệt của chương trình lễ tưởng niệm này là do Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California và và Cộng Ðồng Việt Nam Nam California cùng hợp tác làm chung. Sự kiện 30 Tháng Tư không phải là của một cá nhân nào, mà là của chung người Việt quốc gia và người Việt tị nạn mình. Chúng tôi muốn mọi người thấy hai cộng đồng đoàn kết để thế hệ sau có thể luôn làm việc chung với nhau. Mọi người có lẽ cũng đều nhìn thấy ở cả hai cộng đồng năm nay đều có những người rất trẻ đứng ra làm việc chung cho cộng đồng,” ông Duy nói thêm.

Trước khi lễ chào cờ chính thức bắt đầu, hình ảnh “Ðất Nước Thiêng Liêng” do bà Âu Tiên Nguyễn Thị Ðức cung thỉnh từ Ðền Vua Hùng Vương tại Phú Thọ, Việt Nam, được ông Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California, và ông Trương Ngãi Vinh, chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam Nam California, rước lên bàn thờ, nơi có hình bản đồ Việt Nam tượng trưng cho đất nước Việt Nam trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà tổ tiên đã có công gầy dựng từ gần 5,000 năm qua.

Có mặt tham dự lễ, ông Võ Xuân Hy, hiện đang sống ở Santa Ana, chia sẻ cảm nghĩ: “Cứ đến thời điểm này là thấy bùi ngùi. Có một cái gì đó uất nghẹn dâng trào lên trong tâm tư của chính mình, dù là trong một khoảnh khắc hay một thoáng chợt qua nhưng nó cứ kéo dài vài ngày như vậy.”


Bàn thờ các anh linh vị quốc vong thân. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Nhớ ngày 30 Tháng Tư là nhớ về một nỗi đau thương tủi nhục của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn có một cái nhìn lạc quan về tương lai đất nước, là không phải chúng ta cứ ngậm ngùi, nuối tiếc hoặc căm thù mãi, mà chúng ta hy vọng chắc chắn một ngày gần đây quê hương Việt Nam sẽ được phục hồi, dân tộc Việt Nam sẽ đứng lên và ngọn cờ vàng ba sọc đỏ sẽ được dựng lại trên quê hương Việt Nam,” ông Hy nói đầy tự tin.

Trong sắc phục của một quân nhân, bà Phương Nguyễn, “có chồng là lính nên mặc đồ lính” tâm sự, “Trước 1975, tôi lúc đó còn quá trẻ nhưng vì chồng là lính nên tôi đã tiếp xúc với chiến trường nhiều, cảm nhận được nhiều nỗi hiểm nguy nơi chiến trường. Tôi nhớ thời điểm khó khăn đã bắt đầu từ Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972 kéo dài cho đến ngày mất nước. Các chiến sĩ đã chiến đấu trong mọi sự thiếu thốn và đe dọa bốn bề. Thời điểm dầu sôi lửa bỏng của những ngày Tháng Tư đó chồng tôi vẫn đang tác chiến ngoài chiến trận.”

“Ðến hết ngày 30 Tháng Tư tôi vẫn còn bàng hoàng chưa biết tại sao mình thua trận, trong khi tinh thần chiến đấu của mọi người vẫn còn cho đến lúc ông Dương Văn Minh đầu hàng. Ðến giờ 40 năm rồi, sự ấm ức đó vẫn còn, tôi vẫn nhớ mãi câu nói miền Nam mình bị bức tử. Chết trong tức tối. Chính vì thế mà mỗi Tháng Tư trở về, nỗi đau ngày nào lại trỗi dậy, như chưa bao giờ lành. Có lẽ nó chỉ lành khi nào Cộng Sản không còn nữa,” bà Phương nói.

Ðứng riêng nơi một góc không đông người, chị Bích Thảo, cư dân Aliso Viejo, “cách Little Saigon 30 phút lái xe,” cùng chồng sắp xếp thời gian đến tham dự lễ tưởng niệm, như một thói quen hằng năm, vào ngày đáng nhớ này.

Chị Thảo ở Nha Trang vào thời điểm miền Nam hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản. “Lúc đó tôi được 15 tuổi. Nha Trang bị mất từ ngày 2 Tháng Tư rồi, trước đó là Ban Mê Thuột, Kon Tum,... nên mọi thứ đều hỗn loạn. Trước đó hai tuần trường học đã đóng cửa để cho dân tị nạn từ miền Trung vào ở trong trường. Tôi chỉ nhớ thời gian đó phụ với người lớn nấu cơm tiếp tế cho người tản cư. Nhà thì lúc đó chứa khoảng 200 người bà con từ khắp nơi đổ về tá túc. Chúng tôi kẹt lại đến cuối năm 1977 thì cả nhà bị đuổi ra đường, nhà nước chiếm nhà. Thế là cả nhà dắt díu nhau vô Sài Gòn rồi sau đó đi vượt biên năm 1987.”


Ðông đảo đồng hương tham dự lễ tưởng niệm 40 năm quốc hận. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Chị cười buồn khi nói: “Nhớ khi dự ngày tưởng nhiệm 30 Tháng Tư lần thứ 20, tôi nghĩ thôi lần này là lần cuối, rồi mọi chuyện sẽ thay đổi. Nhưng chờ đợi hoài đến bây giờ... Buồn lắm.”

“Nhưng mà rồi cũng sẽ chấm dứt những buổi tưởng niệm này, phải không? Mình sẽ phải thắng, đúng không?” Chị hỏi, không cần câu trả lời.

Nơi gần cuối lễ đài, anh Nhơn Lý, hiện ở Garden Grove, xin nghỉ làm về sớm để dự ngày đặc biệt này.

“40 năm trước, tôi còn nhớ khi đó được 7 tuổi, đang ở trong nhà ở Ðà Nẵng. Mà Ðà Nẵng thì bị rơi vào tay Cộng Sản từ ngày 29 Tháng Ba. Tôi nhìn ra cánh cửa sắt đã bị ba tôi đóng chặt, thấy bên ngoài rất hỗn loạn. Ðó là hình ảnh tôi không bao giờ quên được,” anh Nhơn nói về ký ức xa xưa của mình.

Anh im lặng một thoáng, nói tiếp: “Tôi cũng có kinh nghiệm như thấy ác mộng về những đêm công an đến gõ cửa xét nhà, lục tung từng phòng, giở lên từng cái mùng để coi có bao nhiêu người. Những hình ảnh đó không hiểu sao nó in mãi trong tâm trí tôi. Ðể mỗi lần nhắc tới là không cầm được nước mắt, cứ cảm thấy sao mình hèn, tại sao mình sanh ra trong thời điểm như vậy, lại ước gì mình lớn hơn có thể làm một cái gì đó,” anh bật khóc.

“Những ngày sau đó như thế nào nữa thì tôi không nhớ, có thể tôi lại trở về đời sống như một đứa trẻ bình thường 6, 7 tuổi. Chỉ có hoài hình ảnh hỗn loạn ngoài đường mà tôi nhìn ra từ chiếc cổng sắt cùng những đêm công an gõ cửa xét nhà cứ in sâu trong ký ức, như một tời giấy trắng đã bị đổ mực lên và không bao giờ làm cho sạch đi được, nên cứ mỗi lần đến ngày này là tôi lại có một nỗi buồn, một cảm giác rất khó chịu.”

Nước mắt anh chảy. Và nước mắt tôi cũng chảy. Những đứa trẻ hãy còn nhỏ lắm để mà chịu đựng những ký ức đau buồn vào thời khắc ấy mà không sao cho quên được.

No comments:

Post a Comment