BẮC KINH, Trung Quốc (NV) - "Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Trung Quốc và Hoa Kỳ". Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói như thế khi tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ ở Bắc Kinh hôm Chủ Nhật.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm Thứ Bảy 17/5/2015 tại Bắc Kinh. (Hình: Kim Kyung-Hoon - Pool/Getty Images)
Chủ Tịch Tập Cận Bình có những lời lẽ "giả lả" vuốt ve Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry khi tiếp ông này ở đại sảnh đường Nhân Dân ngày Chủ Nhật, 17 Tháng Năm. Trước đó, khi họp với Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Kery được nghe lập trường cứng rắn của Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông.
Theo tường thuật của Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình nói với ông Kerry rằng mối quan hệ giữa hai nước trên tổng thể vẫn "ổn định". Ông kêu gọi hai nước nên "kềm chế và giải quyết các tranh chấp một cách thích hợp để mối quan hệ song phương không bị ảnh hưởng".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc trong hai ngày 16 và 17 Tháng Năm. Theo dự tính ban đầu thì chuyến thăm Trung Quốc của ông Kerry nhằm thảo luận về những vấn đề có liên quan đến quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước khi ông Kerry lên đường đến Trung Quốc, giới phân tích chính trị từng dự đoán, chuyến thăm vừa kể sẽ là dịp để hai bên “phơi bày mâu thuẫn”, do khác biệt trong quan điểm về Biển Đông.
Tuy chưa có thông tin chi tiết về nội dung buổi gặp gỡ giữa ông Kerry và ông Vương Nghị nhưng trong cuộc họp báo chung diễn ra sau buổi gặp gỡ đó, ông Kerry cho biết, Hoa Kỳ thực sự lo ngại về các hoạt đồng bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đồng thời cho biết ông đã yêu cầu Trung Quốc sớm có những biện pháp phù hợp để giảm bớt căng thẳng với các bên có liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhằm gia tăng cơ hội cho việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao một cách thông minh, thay vì sử dụng các tiền đồn và phi đạo.
Đáp lại, ông Vương Nghị cho rằng, các hoạt đồng bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông là bình thường vì được thực hiện trong phạm vi thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Cũng theo ông Vương Nghị thì những hoạt động đó nhằm “bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ” nên sẽ không có gì lay chuyển được.
Tại cuộc họp báo chung, ông Kerry bảo rằng một trong những thế mạnh của mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc là hai bên có thể trao đổi thẳng thắn và vì vậy, ông đã thúc giục Trung Quốc hành động để giảm bớt mức độ căng thẳng trong khu vực.
Ông Vương Nghị thì nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Trung Quốc “có nhiều lợi ích chung hơn là khác biệt”, thành ra “nên hành động trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung và xếp lại các dị biệt”.
Sau buổi gặp gỡ ông Vương Nghị, ông Kerry đã gặp ông Tập Cận Bình. Kết thúc hội đàm, ông Tập Cận Bình tuyên bố, ông muốn có sự bình đẳng trong quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ và hy vọng mối quan hệ này sẽ là mẫu mực trong quan hệ giữa các cường quốc.
Với những diễn biến như vừa kể, người ta tin rằng, quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ càng ngày càng căng thẳng. Gần đây, Hoa Kỳ loan báo hàng loạt dự định, nhận định liên quan tới việc kiềm chế hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hôm 13 Tháng Năm, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tiết lộ dự định điều động phi cơ và chiến hạm đến Biển Đông để tuần tra quanh các bãi đá mà Trung Quốc vừa bồi đắp thành đảo nhân tạo và đang xây dựng để biến các đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự.
Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ vừa có một buổi điều trần về việc “bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại biển Hoa Đông và Biển Đông”. Tại buổi điều trần đó, ông David Shear, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và nay là phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đặc trách Châu Á và Thái Bình Dương, cảnh báo, sau khi công bố yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông, dường như Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát toàn bộ Biển Đông thông qua việc bồi đắp, xây dựng, thay đổi nguyên trạng của vùng biển này. Các động thái của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia trong khu vực củng cố khả năng quân sự ở các tiền đồn của họ tại Biển Đông, khiến nguy cơ do tính toán sai lầm, khủng hoảng và chạy đua vũ trang gia tăng.
Ông Daniel Russel, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh, Hoa Kỳ có những lợi ích cần phải bảo vệ và vì vậy cần phải có những giải pháp nhằm bảo đảm rằng, các tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông phải được gỉai quyết bằng những biện pháp ôn hòa.
Ông Russel nhận định, mức độ căng thẳng tại Biển Đông đang gia tăng. Những hành động gây bất ổn như bồi đắp các bãi đá có thể gây nguy hiểm cho nỗ lực phát triển ổn định và cần phải được giải quyết. Hoa Kỳ cần bảo vệ quyền giải quyết tranh chấp theo luật pháp. Việc thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á và phối hợp với các đồng minh như Nhật, Úc là cần thiết để tối ưu hóa sự trợ giúp và hoạt động ngoại giao.
Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng “hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đặc biệt là ủng hộ vai trò của ASEAN, tuân thủ DOC (Tuyên Bố Ứng Xử Của Các Bên Ở Biển Đông) và những nỗ lực nhằm sớm đạt được COC (Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông).
Ngoài Việt Nam, Philippines cũng đã lên tiếng ủng hộ những dự định và nhận định của Hoa Kỳ. Ông Albert Del Rosario, ngoại trưởng Philippines, cho biết, quốc gia này mong được Hoa Kỳ trợ giúp nhiều hơn để ngăn chặn việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông, nhằm kiểm soát Biển Đông. Ông Rosario cho rằng, cần phải nhanh chóng làm điều gì đó, nếu không, việc Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông sẽ dẫn đến tình trạng quân sự hóa, đe dọa tự do hàng hải.
Ông Rosario khẳng định, Hoa Kỳ nên hành động nhiều hơn để tăng cường sự hiện diện tại Châu Á, kể cả đẩy mạnh quan hệ kinh tế. Theo ngoại trưởng Philippines, việc chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á của Hoa Kỳ “chưa tập trung và chưa đủ mạnh mẽ”.
Trước ngày ông Kerry lên đường đến Trung Quốc, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết họ tin rằng, sau khi gặp ông Kerry, Trung Quốc sẽ “không còn mơ hồ về quyết tâm của Hoa Kỳ”. (G.Đ.)
05-17- 2015 10:56:57 AM
No comments:
Post a Comment