Monday, May 18, 2015

Chết sau khi được vinh danh là 'di sản'

THANH HÓA (NV) - Tại Thanh Hóa có hai đại thụ, một đã tồn tại khoảng 400 năm, một có tuổi khoảng 200 năm. Cả hai đại thụ cùng chết khô sau khi được vinh danh là “cây di sản Việt Nam”.
Đại thụ khoảng 400 tuổi ở làng Cẩm Bào nay đã chết khô vì được công nhận là “cây di sản Việt Nam”. (Hình: Người Lao Động)

Đại thụ tồn tại khoảng 400 năm là một cây gạo ở làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2013, đại thụ này được Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam công nhận là “cây di sản Việt Nam”. Sau khi được tổ chức vinh danh, lá cây gạo 400 tuổi bắt đầu vàng, vỏ bong từng mảng, dân chúng cũng như chính quyền địa phương tìm đủ cách để cứu nhưng nay, đại thụ này đã chết khô.

Hồi tháng 4 năm ngoái, sau khi được Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam công nhận là “cây di sản Việt Nam”, một cây gạo khác cũng là đại thụ khoảng 200 tuổi ở làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa bắt đầu khô héo và nay đã chết hẳn. Đại thụ này cao khoảng 45 mét, thân có đường kính hơn 2 mét  và có độ tuổi trên 200 năm.

Tờ Người Lao Động tường thuật, dân chúng địa phương phỏng đoán, sự ngu dốt và thói háo danh là lý do khiến hai đại thụ cùng chết khô.

Việc Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam công nhận hai đại thụ này là “cây di sản Việt Nam” làm cho chính quyền địa phương cảm thấy “vinh dự”. Bởi “vinh dự” này nên họ vung công quỹ xây hàng rào bảo vệ và... bón nhiều tạ phân hóa học vào gốc.

Một số lão nông sống tại làng Cẩm Bào kể rằng, khi có tin đại thụ khoảng 400 tuổi được chọn làm “cây di sản Việt Nam”, chính quyền xã đã cho đào đất quanh cây để làm... hàng rào bảo vệ. Có thể việc đào xới này đã phạm vào rễ cây. Chưa kể, trước khi tổ chức đón giấy chứng nhận “cây di sản Việt Nam”, chính quyền xã Vạn Hòa đã cho bón bốn tạ phân lân vào gốc. Đại thụ chết dần do mất rễ và “bội thực”.

Chuyện đại thụ 400 tuổi ở làng Cẩm Bào chết khô sau khi được công nhận là “cây di sản Việt Nam” không được xem xét thấu đáo về trách nhiệm và là một bài học cần thuộc nên một năm sau, khi đại thụ 200 tuổi ở làng Hổ Đàm được công nhận là “cây di sản Việt Nam”, chính quyền xã Thiệu Lý cũng làm theo kiểu tương tự: Đào quanh gốc để xây bồn và “chăm bón không đúng cách”. (G.Đ.)
05-17-2015 11:07:23 AM

No comments:

Post a Comment