Monday, May 18, 2015

Biển Đông: 'TQ chỉ làm tròn nghĩa vụ quốc tế'

Theo BBC-3 giờ trước

Ông Hồng Lỗi nói Trung Quốc chỉ làm tròn "bổn phận và trách nhiệm quốc tế nhằm bảo vệ tài nguyên biển"
Trung Quốc bác bỏ việc Việt Nam phản đối lệnh ngưng đánh bắt cá trên biển Đông từ ngày 16/5.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói "Lập trường về vấn đề Nam Hải của Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng.
"Nhiều năm qua, cơ quan chủ quản Trung Quốc luôn thực thi mùa nghỉ đánh bắt trên Nam Hải. Đây không những là biện pháp quản lý hành chính chính đáng nhằm bảo vệ tài nguyên biển, đồng thời cũng là biện pháp nhằm làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc", ông Hồng Lỗi nói với các phóng viên vào hôm thứ Hai 18/05.
Thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam thông báo cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12 giờ ngày 16/5 đến 12 giờ ngày 1/8 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm vịnh Bắc Bộ).
Ngày thứ Bảy 16/5, người phát ngôn của Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị này.”
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”
Ông Bình nhấn mạnh: “Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.”
Mới hôm 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói Việt Nam “có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền”.
Ông Bình lên án Trung Quốc: “Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN.”
Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo qui mô trong chuyến công du Bắc Kinh của Ngoại trưởng Kerry cuối tuần qua.
Ông nói: “Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế.”
Bất chấp lời lẽ mạnh mẽ, sự lựa chọn của chính phủ Việt Nam là có giới hạn, xét về nguồn tài chính khổng lồ và sức mạnh quân sợ qui mô của Bắc Kinh, theo hãng thông tấn AP.
Hãng tin này cũng bình luận rằng người ta cho là giới chức Việt Nam bị chia rẽ giữa một pháo muốn có lập trường cứng rắn trước Trung Quốc và có quan hệ mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ trong khi một phe khác muốn hòa hảo với Bắc Kinh.
Vào cuối tuần trước Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói ông quan ngại trước tốc độ và quy mô của các dự án cải tạo của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông.
Ông Kerry đưa ra phát biểu này tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trên toàn bộ Biển Đông, dẫn đến chồng chéo với Brunei, Đài Loan, Philippines, Việt Nam và Malaysia.
Ông Vương nói rằng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình.
Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây hoan nghênh phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ về “Bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Ông David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Phụ trách An ninh Châu Á và Thái Bình Dương, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 13/5 nói trong hai thập niên qua, ngoại trừ Brunei, tất cả các nước có tranh chấp đều xây tiền đồn ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền.
“Tất cả các nước tranh chấp đều có hoạt động xây dựng theo từng mức độ,” ông David Shear nói.
Theo ông, từ 2009 đến 2014, Việt Nam “là nước hoạt động mạnh nhất cả trong việc nâng cấp tiền đồn và bồi đắp, lấn ra biển khoảng 60 mẫu” tuy việc "bồi đắp gần đây của Trung Quốc “vượt xa” các nước khác."
Mỹ ước tính từ năm 2014, Trung Quốc đã lấn ra biển 2.000 mẫu.

No comments:

Post a Comment