Sunday, May 10, 2015

Cử nhân thất nghiệp gia tăng, vì sao?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015-05-08
000_Hkg10120669.jpg
Sinh viên làm lễ Tốt nghiệp đại học tại Văn Miếu, Hà Nội hôm 18/11/2014-AFP photo

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT của VN vừa công bố số liệu cử nhân thất nghiệp tăng gấp đôi trong vòng 4 năm qua. Hiện trạng cử nhân thất nghiệp được cho là đang ở mức báo động. Nguyên nhân của hiện trạng này là gì?

Tại phiên giải trình Chính phủ hôm 24/4 /15, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận báo cáo số liệu thống kê trong giai đoạn 4 năm từ 2011đến 2014 mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh Đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ) hệ chính quy giảm trung bình năm ở mức 2,5%, hệ vừa học vừa làm giảm bình quân 18%/năm nhưng số lao động trình độ ĐH-CĐ thất nghiệp từ năm 2010 đến cuối năm 2014 lại tăng cao đến mức 103%.

Qua trao đổi với nhiều cử nhân ở VN với tấm bằng tốt nghiệp ĐH-CĐ, họ tự tin bước vào đời để làm việc và cống hiến. Tuy nhiên theo họ, nguyên nhân khiến tỉ lệ thất nghiệp trong 4 năm qua tăng gấp đôi là vì nguồn cung ứng lao động có trình độ cử nhân nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Nhiều người trong số họ phải làm việc không liên quan đến chuyên môn thậm chí chấp nhận các công việc lao động phổ thông.

Ngoài ra còn một nguyên nhân mà đa số những cử nhân đài RFA tiếp xúc được chia sẻ thất nghiệp là vì không có đủ tiền để xin việc hoặc một mối quan hệ quen biết chứ không phải tấm bằng ĐH hay CĐ là điều kiện ưu tiên. Một giáo viên không muốn nêu tên cho biết mỗi khi trường có chỉ tiêu thì người bình thường không thể xin việc được dù trường tổ chức thi tuyển giáo viên biên chế. Giáo viên này nói:


“Tùy từng trường từ 100 đến 200 triệu hay nhiều hơn. Ở trường nào thì Chủ tịch Hội đồng coi thi trường đấy thường là Hiệu trưởng là người ra giá. Mối quan hệ thì sẽ được đặt lên hàng đầu. Thi cử cũng chỉ lòe nhau thôi nên tiền quyết định hết. Không kể bằng giỏi, thạc sĩ hay tiến sĩ thi cũng không vào được”.

Sau khi giải quyết được khoản tiền chạy việc hay có mối quan hệ quen biết và có được việc làm rồi, những nhân viên mới cũng không dễ gì bảo đảm công việc đó.

"Tùy từng trường từ 100 đến 200 triệu hay nhiều hơn. Ở trường nào thì Chủ tịch Hội đồng coi thi trường đấy thường là Hiệu trưởng là người ra giá. Mối quan hệ thì sẽ được đặt lên hàng đầu. "- Một giáo viên

Một tân cử nhân ở Sài Gòn vừa tốt nghiệp Đại học Ngân hàng và gia đình đã hỗ trợ 450 triệu đồng để xin vào làm việc trong 1 ngân hàng nhưng sau 3 tháng đành phải tự xin thôi việc. Lý do vì ngân hàng đặt chỉ tiêu hàng tháng phải cho khách hàng vay trên 300 triệu và một nhân viên mới làm việc không thể nào đáp ứng được chỉ tiêu này. Cô tân cử nhân phân trần:

“Đối với khách hàng doanh nghiệp thì số tiền lại nhỏ so với nhu cầu nên người ta không vay mặc dù đủ điều kiện để vay. Còn đối với các khách hàng cá nhân thì số tiền đó có thể người ta muốn vay nhưng lại không đủ điều kiện vì điều kiện đưa ra khá là khó khăn, có rất nhiều chi tiết, điều kiện cao so với khả năng của một khách hàng cá nhân muốn vay tiền. Dù một ngày như vậy em có thể gọi đến hàng trăm cuộc gọi, 2-3 trăm cuộc gọi là bình thường nhưng hầu như không thể nào cho vay được vì người có tiền thì không muốn vay còn người muốn vay thì lại không đủ điều kiện”.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao các cử nhân tốt nghiệp ĐH-CĐ khi ra trường thường không thích ứng được với yêu cầu tuyển dụng và gặp nhiều trở ngại khi đi làm việc, Chuyên gia về quản trị Duy Lê cho rằng Giáo trình ở các trường ĐH-CĐ không phù hợp với thực tiễn, thậm chí dù có những trường giảng dạy giáo trình của các trường đại học Anh, Mỹ như Oxford hay Stanford nhưng không thể áp dụng vào môi trường làm việc của VN. Ông Duy Lê nhấn mạnh yếu tố vô cùng quan trọng là các cử nhân không có kỹ năng thực hành xã hội. Ông Duy Lê phân tích:

“Có 2 phần: một là dạy kiến thức và hai là dạy về kỹ năng. Hiện nay các trường đa phần tập trung vào dạy kiến thức mà kỹ năng thì không chắc họ làm tốt. Hiện có một số trường năng động có mở một số lớp về ‘kỹ năng cần thiết’ (source skills) nhưng lại cục bộ do người của trường dạy mà những người này chẳng bao giờ ra môi trường thực tiễn bên ngoài. Kiến thức thì có thể mời thạc sĩ, tiến sĩ về trường dạy nhưng ‘kỹ năng mềm’ thì có thể mời các anh chị có kinh nghiệm lâu năm trong các công ty về để chia sẻ, cùng làm việc thì mới phù hợp hơn. Còn nhà trường tìm giáo viên nào đó từ trường Đại học Sư phạm học tâm lý về dạy về ‘kỹ năng cần thiết’ là không đúng. Những ‘kỹ năng cần thiết’ là nhữngkinh nghiệm mà những người có trải nghiệm trong công việc họ có khả năng đã làm và thành công thì họ đến chỉ cho sinh viên”.

Các chuyên gia về quản trị và chuyên gia giáo dục đánh giá từ bao lâu nay tình trạng không có sự nối kết giữa trường học và công ty vẫn không được cải thiện. Nhiều chuyên gia chia sẻ họ được các trường ĐH-CĐ mời đến các cuộc hội thảo để đóng góp ý kiến cải tổ quá trình giảng dạy có hiệu quả hơn nhưng đâu rồi lại vào đấy, hầu như không có sự biến chuyển nào. Nhà trường thì cứ dạy theo chương trình của trường mà không áp dụng vào nhu cầu cần thiết tuyển dụng của doanh nghiệp.

Trong khi đó, qua phiên giải trình mới nhất hồi cuối tháng 4, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu lên nguyên nhân đáng chú ý là do học phí thấp dẫn đến nhiều hệ lụy trong quá trình đầu tư, đào tạo khiến tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng gia tăng. Những người quan tâm đến lần giải trình này của người đứng đầu ngành giáo dục VN thì lại cho rằng Bộ GD-ĐT thật sự sai lầm khi cấp phép mở trường đại học tràn lan, chất lượng thả nổi. Dư luận đặt ra câu hỏi cho ông Phạm Vũ Luận có dám cam kết tỉ lệ cử nhân thất nghiệp sẽ giảm đáng kể một khi học phí gia tăng hay không?

Trong lúc toàn xã hội chờ đợi một giải pháp tầm vĩ mô cải cách nền giáo dục ở VN thì các cử nhân né tránh tình trạng thất nghiệp bằng giải pháp tiếp tục trở lại trường, học cao học, tìm kiếm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Hiện nay, VN được xếp vào danh sách quốc gia có nhiều tiến sĩ trong khu vực nhưng chưa có con số thống kê cụ thể nào cho biết bao nhiêu phần trăm trong gần 25 ngàn tiến sĩ chỉ là “tiến sĩ giấy” mà thôi.

No comments:

Post a Comment