Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-05-10
TBT Nguyễn Phú Trọng (thứ ba từ trái), Chủ tịch VN Trương Tấn Sang (thứ 3 từ phải), Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng (thứ 2 từ trái), và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải) tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày 30/4 tổ chức tại TPHCM hôm 30/4/2015- AFP photo
Điều 2 - Hiến pháp VN ghi rõ “Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”, song trên thực tế cho thấy người dân không hề biết và cũng không có quyền gì trong việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước, kể cả việc tham gia giám sát quyền lực nhà nước. Vậy dân chúng có vai trò gì trong việc sử dụng quyền lực của đảng CSVN?
Việt Nam là một quốc gia có nền chính trị với một đảng duy nhất tự cho mình quyền nắm vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội cho dù Hiến pháp VN khẳng định "Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” và trong các báo cáo hay nghị quyết của Đảng, khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.” luôn luôn được đề cao.
Nói về vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự tồn vong của Đảng CSVN, ông Trương Tấn Sang nói rằng: "Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ".
Tuy vậy trên thực tế, thông qua cách sử dụng quyền lực của Đảng CSVN hiện nay cho thấy, người dân không hề biết và cũng không có quyền gì trong việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước cũng như việc tham gia giám sát quyền lực nhà nước.
Đánh giá về vai trò của người dân trong việc thực thi quyền làm chủ của mình theo như quy định của Hiến pháp, từ Hà Nội GS. Nguyễn Đình Cống nhận định:
“Những điều ghi trong Hiến pháp thì người ta (chính quyền) ghi cho vui mà thôi, chứ người ta làm là theo ý của người ta chứ. Người ta ghi một đằng, nhưng họ làm lại là một nẻo chứ họ có làm theo Hiến pháp thế đâu. Làm gì mà có chuyện (người dân) làm chủ, dân đâu có biết gì. Dân mà làm chủ thì phải thông qua các tổ chức của mình chứ? Nhưng mà các tổ chức ấy lại đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng thì thôi chứ còn làm chủ gì nữa? Chứ làm gì có chuyện dân làm chủ (cười).”
"Người ta ghi một đằng, nhưng họ làm lại là một nẻo chứ họ có làm theo Hiến pháp thế đâu. Làm gì mà có chuyện (người dân) làm chủ, dân đâu có biết gì. "- GS. Nguyễn Đình Cống
Trong bài "Quyền" đuổi đầy tớ” của dân" trên Tuần VN online, TS. Võ Trí Hảo có viết rằng " Quyền "đuổi Chính phủ" này cũng được hiểu là quyền của người dân - "ông chủ" "đuổi đầy tớ". Nhưng từ "thời dân chủ cộng hòa" cho đến nay, đã hơn sáu mươi lăm năm qua, người dân vẫn chưa biết "đuổi đầy tớ" bằng cách nào, khi "đầy tớ" "không làm được việc cho dân".
Mới đây nhất, trong vụ chặt cây xanh ở Hà nội, khi người dân thực hiện vai trò giám sát quyền lực của chính quyền Hà nội, trên cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.” một cách ôn hòa, thì bị công an đàn áp, bắt giữ và xử lý vì bị coi là do thế lực thù địch xúi dục. Bình luận về vấn đề này GS. Nguyễn Đình Cống khẳng định:
“Cái khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”là họ đề ra cho vui thôi, họ đề ra để chứng tỏ có sự dân chủ chứ người ta có thực hiện quái đâu. Muốn thực hiện cái điều ấy thì nó phải có một hệ thống tổ chức và nhiều vấn đề khác đi theo. Chứ trong thực tế làm gì đã có.”
Trong việc lựa chọn người đại biểu cho mình, người dân tù mù, chẳng biết và cũng không có quyền gì trong việc lựa chọn. Họa sĩ Mai Dũng thấy rằng việc bầu cử ở VN hiện nay chỉ là một màn kịch do Đảng đạo diễn, hoàn toàn không minh bạch, thiếu dân chủ và công bằng. Ông nói:
“Trong chuyện minh bạch thì hoàn tòan không khả thi, bởi vì các cơ quan bầu cử hoàn toàn do các cơ quan Đảng điều hành kiểm soát. Cho nên là liệu điều đó có minh bạch được không? Tôi nghĩ rằng đấy là việc hoàn toàn không có minh bạch. Anh vừa đá bóng anh vừa thổi còi thì sao có minh bạch được?”
"Không coi dân ra gì cả"
Trả lời câu hỏi hiện nay Đảng CSVN coi nhân dân có vai trò gì trong việc quản lý đất nước?
Ông Vũ Quốc Ngữ, một nhà hoạt động xã hội và là thành viên của một tổ chức Nhân quyền tại Hà nội nói với chúng tôi:
“Họ coi dân không ra cái gì cả, ví dụ như bà Tôn Nữ Thị Ninh, là một nhà ngoại giao đồng thời là một lãnh đạo cao cấp của Đảng đã ví coi nhân dân là con, còn đảng thì là cha mẹ và nhân dân không được cãi cha mẹ. Đồng thời họ coi dân như là lũ bò, lũ cừu cho họ vắt sữa, cắt lông để phục vụ cho họ, mặt khác họ còn lấy nhân dân làm bình phong cho họ. Như họ nói Đảng là đại diện ưu tú của giai cấp công nhân và nông dân, nhưng trên thực tế hiện nay thì hai giai cấp này là những giai cấp cùng khổ nhất của xã hội.”
Bằng một thái độ thận trọng, GS. Nguyễn Đình Cống khẳng định:
“Hiện nay người ta (Đảng CSVN) coi dân chúng là bức bình phong trong việc sử dụng quyền lực, điều đó là chính xác và là thực tế. Cũng bởi vì dân VN đang bị lừa dối và mê hoặc nhiều quá, người ta không hiểu rõ được.”
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, trước hết là do nhà nước đã vô hiệu hóa quyền được lên tiếng của người dân, ông Đinh Quang Tuyến một cư dân ở Quận 8 – Sài gòn cho biết suy nghĩ của ông, ông nói:
“Cần phải nhớ rằng cái quyền lực của người dân phải đi kèm với công cụ, tức là tôi phải có những quyền làm những việc gì?Đó là quyền lợi, trước khi tôi tôi tác động thì anh phải cho tôi được nói cái đã, tức là tôi đang sử dụng quyền lợi của tôi. Bây giờ anh bảo anh giao cho tôi quyền lực mà anh không để cho tôi nói thì làm sao tôi có được quyền lực. Nó vô lý là ở chỗ đó. Về nguyên tắc cái đảng CS này đã tước đi quyền được nói nên quyền lực của người dân trở nên vô giá trị, nó có giá trị gì đâu?”
Trong chuyện minh bạch thì hoàn tòan không khả thi, bởi vì các cơ quan bầu cử hoàn toàn do các cơ quan Đảng điều hành kiểm soát...Anh vừa đá bóng anh vừa thổi còi thì sao có minh bạch được?
- Họa sĩ Mai Dũng
Việc nhà nước không coi trọng quyền lực của người dân không chỉ do lỗi của nhà cầm quyền, nói về nguyên nhân chủ quan của người dân để dẫn đến tình trạng này, GS. Nguyễn Đình Cống cho biết:
“Quan trọng là thành phần ưu tú trong dân, đó là đội ngũ trí thức, nhưng đội ngũ trí thức VN hiện nay có ra cái ma gì đâu. Nổi lên một vài ba anh, ngo nghoe anh nào thì nó tóm anh ấy, còn các anh khác thì lo giữ thân. Cũng bởi vì người ta tuyên truyền khiến dân bây giờ tin đến cuồng tín, tôi bây giờ hỏi dân thì thấy còn rất nhiều người tin chứ, những người dân bình thường vẫn tin. Tóm lại, một mặt là dân tin, thứ hai là sợ, anh nào không tin thì sợ (cười).”
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng Đảng CSVN độc chiếm vũ đài chính trị để sự dụng quyền lực một cách độc tôn nhằm phục vụ lợi ích của họ, ông Vũ Quốc Ngữ ghi nhận:
“Theo tôi về giải pháp thì cần có dân chủ đa nguyên, có sự bầu cử công bằng với sự tham gia của rất nhiều đảng phái, để nhân dân có thể lựa chọn những đảng phái có thể mang lại và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, cho dân tộc. Chứ như bây giờ chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo, lúc nào cũng bảo là anh tốt nhất, trong khi nhân dân không có một sự lựa chọn nào khác. Phải có đa đảng, đa nguyên và bầu cử công bằng dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế.”
Nâng thuyền là dân và lật thuyền cũng là dân, sức mạnh của quần chúng nhân dân là vô bờ bến. Lịch sử đã chứng minh, không có ai hay thế lực nào có thể xem thường và tước đoạt quyền lực chính trị của dân chúng, nhất là khi điều đó đã được ghi rõ trong Hiến pháp – văn bản pháp luật cao nhất của quốc gia.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-pp-role-in-party-power-av-05102015091611.html/05102015-anhvu.mp3
No comments:
Post a Comment