Cát Linh, phóng viên RFA
2015-05-06
Thảo cầm viên là địa điểm tham quan thú vị gắn liền với tuổi thơ của những trẻ em Sài Gòn-nhomphuot.cm
Dư luận trong nước gần đây, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội có nhiều tranh luận về sự kiện di dời Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào năm tới. Tuy chưa có văn bản hoặc công bố chính thức về dự án này, nhưng có những nguồn tin nói rằng công viên Sai Gon Safari ở Củ Chi sẽ là ngôi nhà mới của Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
‘Chủ trương là có’
Một người công tác trực thuộc Thành Uỷ TP HCM không muốn nêu tên xác nhận rằng:
“Dự án Củ Chi nói cách đây rất lâu rồi. Đầu tiên khi mới đưa ra bị phản ứng vì TCV là cái gì đó gắn bó rất lâu đời với người dân thành phố. Sau đó, quỹ đất ở Củ Chi với tham vọng làm một Safari thật là to thì quỹ đất không đủ và giải toả không xong, nên bị bỏ lửng.”
Năm 2010, trên báo The Saigon Times Daily có đưa tin rằng khoảng 5 công ty thiết kế và xây dựng đã tham gia đấu thầu một dự án có tên là Saigon Safari Park ở thành phố HCM, quận Củ Chi. Chức năng của công viên Safari này theo kế hoạch là sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái và khu vui chơi giải trí lớn nhất nước. Không những thế, nơi đây được dự tính sẽ là khu vườn bách thú dạng mở với nhiều loại động vật và thực vật – một bảo tàng thiên nhiên.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, cũng như tìm hiểu về thiết kế mô hình của Sai Gon Safari Park, công ty thắng thầu dự án này là Bernard Harrison & Friends của Singapore hoàn toàn không biết về ý định di dời Thảo Cầm Viên về đây.
Ông Bernard Harrison, giám đốc công ty cho biết:
Dự án Củ Chi nói cách đây rất lâu rồi. Đầu tiên khi mới đưa ra bị phản ứng vì TCV là cái gì đó gắn bó rất lâu đời với người dân thành phố. Sau đó, quỹ đất ở Củ Chi với tham vọng làm một Safari thật là to thì quỹ đất không đủ và giải toả không xong, nên bị bỏ lửng
Một người thuộc Thành Uỷ TP HCM
“Chúng tôi đã thực hiện và hoàn thành dự án này cách đây 5 năm. Trong lúc triển khai master plan, tôi hoàn toàn không biết gì về kế hoạch di dời Thảo Cầm Viên mà bạn nhắc đến”
Bên cạnh đó, theo nội dung của một tờ báo mạng trong nước vào đầu năm nay cho biết, tại các cuộc họp gần đây, thường trực UBND TP HCM đều đã thống nhất với chủ trương biến Thảo Cầm Viên Sài Gòn thành một khu vườn bách thảo. Tất cả động vật đang sinh sống tại Thảo Cầm Viên sẽ được dời về khu quy hoạch mới là Saigon Safari Park ở Củ Chi, và tất cả các công trình mang tính lịch sử bên trong Thảo Cầm Viên sẽ được giữ nguyên hiện trạng trong kế hoạch di dời.
Tuy nhiên, khi được hỏi về những chủ trương của UBND TP HCM việc Thảo Cầm Viên sẽ được di dời vào năm 2016, người đang công tác tại Thành Uỷ TP HCM cho biết:
Cây sọ khỉ khoảng 150 tuổi lớn nhất thảo cầm viên với mã số 1552, và cũng là cây lớn nhất thành phố. Cây cao hơn 40 mét, đường kính thân (cách gốc 1,3 mét) là gần 4 mét.
“Chủ trương là có, nhưng những cuộc họp khoảng 1 năm trở lại đây thì không có cuộc họp nào nói về dự án Thảo Cầm Viên.”
Người dân nghĩ và nói gì
Điểm sơ lược về lịch sử của Thảo Cầm Viên Sài Gòn thì nếu tính từ năm công trình này được hoàn thành là tháng 3 năm 1865, thì năm nay, năm 2015 sẽ là năm kỷ niệm Thảo Cầm Viên tròn 150 tuổi.
Với chuyên môn về thực vật, môi trường của nhà khoa học JB. Loius Piere, hơn 100 năm trước ông đã bảo tồn và mang về thêm rất nhiều cây từ các châu lục khác để tạo thành một di sản vô cùng quý giá cho mảnh đất Sài Gòn. Không chỉ là một di tích văn hoá lịch sử gắn bó với nhiều thế hệ Việt Nam, Thảo Cầm Viên với tên gọi ban đầu là Vườn Bách Thảo, còn là nơi gắn bó với nhiều kỷ niệm của người Sài Gòn nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Thảo Cầm Viên không chỉ là khu du lịch, vui chơi giải trí, mà còn là nơi dành cho công việc bảo tồn và nghiên cứu tài nguyên môi trường.
Khi những hình ảnh về một thương xá Tax, café Givral nhiều hoài niệm đã bị xoá bỏ hoàn toàn chưa kịp vơi đi trong ký ức của người Việt Nam thì họ lại phải tiếp tục lo lắng về một Thảo Cầm Viên có tin sắp bị di chuyển.
Trên facebook của mình, nhạc sĩ Tuấn Khanh bày tỏ, “Thêm một di tích văn hóa - lịch sử của Sài Gòn sẽ đi vào dĩ vãng. Đây là nơi được xây dựng từ năm 1864 bởi người Pháp, và được ghi nhận là nơi bảo tồn động vật lâu đời hàng thứ 8 trên thế giới.
Theo suy nghĩ sơ bộ, việc di dời cực kỳ khó khăn, phức tạp, không đơn giản là 1 cái cây trồng trên đất mà nó còn là cả 1 lịch sử gắn liền với tất cả những thảm thực vật đã được trồng ở đó nên chắc là phải tính toán rất kỹ lưỡng
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh
Chính quyền Tp.HCM cho biết sẽ dời Sở thú ra xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, có tổng diện tích 485 ha. Đất ở đây cũng đã được tổ chức đền bù cho dân chúng để chuẩn bị thực hiện cho dự án.”
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Tuấn Khanh, rất nhiều những người quan tâm đến vấn đề này đều bày tỏ sự phản đối trên các trang mạng cộng đồng. Theo họ, “Thảo Cầm Viên phải mãi mãi là thảo cầm viên, chỉ được phép mở rộng diện tích cho cây xanh thảm cỏ” hoặc họ tiếc nuối cho những mảng trời xanh của Hòn Ngọc Viễn Đông
“Bao nhiêu cây xanh dẹp hết đi cho ô nhiễm môi trường. Tội nghiệp thế hệ con cháu”
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, cựu Chủ tịch Hội bảo vệ Tài nguyên môi trường Việt Nam cho biết về tính khả thi của dự án di dời này:
“Theo suy nghĩ sơ bộ, việc di dời cực kỳ khó khăn, phức tạp, không đơn giản là 1 cái cây trồng trên đất mà nó còn là cả 1 lịch sử gắn liền với tất cả những thảm thực vật đã được trồng ở đó nên chắc là phải tính toán rất kỹ lưỡng.”
Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng ông không được biết gì về chủ trương này. Tuy nhiên, theo ông:
“Tôi nghĩ ý tưởng xây dựng một nơi cho đàng hoàng hơn, khang trang hơn thì không có gì phản đối cả, trước sau gì cũng nên làm nhưng phải có kế hoạch như thế nào đó. Tốt nhất là những gì đã có lịch sử hàng trăm năm rồi thì nên giữ lại.”
Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có vài quan điểm ủng hộ dự án di dời Thảo Cầm Viên. Họ đồng tình vì họ hy vọng về một khu vườn bách thảo phù hợp với nhịp độ phát triển cùng các quốc gia khác sẽ được hình thành.
“Dời TCV là đúng, vậy mới đủ không gian để tạo môi trường tương đối hoang dã, và trẻ con cũng thấy gần gũi thiên nhiên hơn. Chứ không phải xem con thú bị nhốt như hiện nay là dã man và lạc hậu. Vấn đề là đưa về Củ Chi là để có không gian làm mô trường hoang dã nhân tạo cho động vật hay cũng làm chuồng sắt.”
Một cô bé 6 tuổi khi được hỏi về cảm nhận với Thảo Cầm Viên, bé cho biết em rất thích đi Thảo Cầm Viên vì:
“Có nhiều thú như con dê, con ngựa, con thỏ, con chim. Có nhiều cây xanh toả ra bóng mát nếu mình đi buổi chiều.”
Và cô bé cũng hồn nhiên cho biết những khác biệt mà em nhìn thấy:
“Em thấy ở Thảo Cầm Viên Singapore mấy con thú được tự do chứ không bị nhốt trong chuồng.”
Mặc dù chưa có công bố chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền, hoặc việc di dời có thật sự làm cho khu Vườn Bách thảo trở nên sống động hơn hay không, nhưng việc di dời Thao Cầm Viên đang đối diện với rất nhiều tranh luận như vừa trình bày.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reloct-saigon-zoo-05062015064524.html/05062015-reloct-saigon-zoo.mp3
No comments:
Post a Comment