Wednesday, May 6, 2015

Chọn lãnh đạo ‘không tham vọng quyền lực’

Theo BBC-6 giờ trước
Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong giai đoạn bàn bạc về lãnh đạo cho nhiệm kỳ sau
Các đảng viên được Đảng Cộng sản Việt Nam chọn lên làm lãnh đạo trong khóa sau phải đảm bảo ‘không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực’ và công tác chọn nhân sự phải chống ‘lợi ích nhóm’, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với các ủy viên trung ương Đảng tại phiên khai mạc hội nghị toàn thể lần thứ 11 vừa khai mạc hôm thứ Ba ngày 5/5.

Chủ đề hàng đầu

Phương hướng nhân sự lãnh đạo Đảng khóa 12 cũng là chủ đề quan trọng hàng đầu tại hội nghị trung ương lần này.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội nghị trung ương lần này sẽ ‘thảo luận và quyết định phương hướng’ để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư và Tổng bí thư – tức những vị trị lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam – trong khóa tới.
Ông Trọng đã gợi mở cho các ủy viên trung ương thảo luận các tiêu chuẩn cho các vị trí lãnh đạo này theo hướng ‘kiên định chủ nghĩa Mác-Lê nin, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực’.
Ông cũng kêu gọi việc lựa chọn lãnh đạo của Đảng trong khóa tới phải ‘đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết’ và ‘kiên quyết chống mọi biểu hiện của lợi ích nhóm’.
Báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị trung ương lần này ‘đã nêu khá đầy đủ về yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành trung ương, tiêu chuẩn ủy viên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư’, ông Trọng nói.
Ngoài ra Bộ Chính trị cũng đã đề xuất cho Hội nghị trung ương về số lượng, cơ cấu, quy trình giới thiệu, lựa chọn các ủy viên trung ương và một số chủ trương cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự, cũng theo ông Trọng.

‘Khó trông chờ’

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị từ trong nước, cho rằng người dân Việt Nam ‘khó có thể trông chờ gì trong việc lựa chọn nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam’.
“Tất cả những việc họ làm đều trong vòng nội bộ của Đảng,” ông A giải thích. “Người dân không thể được biết và không ảnh hưởng được gì cả.”
Về phần mình, ông A nói ông ‘không đặt hy vọng vào bất kỳ ai’ trong Đảng Cộng sản hiện nay, ‘kể cả những người đương nhiệm, những người ở lại lẫn những người sắp tới có thể vào Bộ Chính trị’.

‘Người dân phải có tiếng nói’

Nhiều người trong Bộ Chính trị hiện tại sẽ về hưu vào năm tới

“Người dân phải có tiếng nói của mình và tiếng nói đấy phải buộc Đảng Cộng sản phải thay đổi chính sách của họ và tốt hơn nữa là đẩy Đảng Cộng sản đến chỗ cạnh tranh chính trị để lên nắm quyền lực,” ông nói.
“Chỉ với bầu cử công bằng tự do lúc đó người dân bằng lá phiếu của mình mới thật sự có sự lựa chọn,” ông nói thêm.
“Điều tốt nhất cho Đảng Cộng sản Việt Nam thì không phải là tốt nhất cho dân tộc Việt Nam,” ông A nói và cho biết lợi ích của người dân Việt Nam và lợi ích của những lãnh đạo của Đảng ‘không trùng nhau’.
Chủ đề nhân sự, vốn đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị trung ương 10 họp hồi đầu năm, dự kiến sẽ là vấn đề nóng bỏng được các ủy viên trung ương tiếp tục bàn bạc tại các hội nghị trung ương tiếp theo hội nghị 11 này.
Tại hội nghị trung ương 10, các ủy viên trung ương cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị mà kết quả được giữ kín nhưng theo một số nguồn tin của BBC thì đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người được Trung ương Đảng tín nhiệm cao nhất.
Điều này có nghĩa là ông Dũng, người sẽ được 67 tuổi khi Đảng họp hội nghị 12, sẽ nằm trong số các ứng viên hàng đầu cho vị trí tổng bí thư mặc dù theo quy định của Đảng về tuổi tác thì ông đã đến tuổi về hưu.
Ngoài chủ đề nhân sự lãnh đạo, trong hội nghị trung ương ngắn này – dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 7/5 – các ủy viên trung ương cũng sẽ bàn về số lượng và phân bổ đại biểu dự Đại hội 12, mô hình tổ chức chính quyền địa phương và cho ý kiến về sân bay Long Thành vốn đang gây tranh cãi.

No comments:

Post a Comment