Tuesday, April 7, 2015

WHO giúp Việt Nam an toàn thực phẩm từ nông trại đến người tiêu dùng

Việt Hà, phóng viên RFA
2015-04-06
Một quày bán bánh cuốn lộ thiên
Một quầy bán bánh cuốn ở các vỉa hè lộ thiên- WHO Viet Nam/M Dakin

Ngày Sức khỏe thế giới năm nay, 7 tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn vấn đề an toàn thực phẩm là chủ đề chính để khuyến cáo các nhà sản xuất, tiêu dùng về tầm quan trọng của mối liên quan giữa an toàn thực phẩm và sức khỏe con người. Vấn đề an toàn thực phẩm hiện cũng là một thách thức tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Trang sức khỏe đời sống tuần này do Việt Hà phụ trách mời quý vị cùng tìm hiểu đôi nét về vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt nam và những hợp tác giữa WHO với chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này.

An toàn thực phẩm những vấn đề sức khỏe

Anh Sơn là một nhân viên văn phòng. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác trong văn phòng, anh thường chọn ăn cơm trưa ngoài quán thay vì mang cơm từ nhà đi. Anh và các đồng nghiệp đều có mối quan tâm chung về vấn đề an toàn thực phẩm khi ăn cơm bên ngoài mỗi ngày. Theo anh, định nghĩa thực phẩm an toàn là thực phẩm không gây bệnh.

Sơn: cái gì cũng phải có độ an toàn nhất định cho người ta thì gọi là an toàn thực phẩm…. Thứ nhất là ăn không bị tiêu chảy. Cái này thực ra là nó không gây hại cho sức khỏe của mình thì gọi là an toàn rồi.

Vấn đề an toàn thực phẩm ngày nay không đơn thuần chỉ là vấn đề của từng cá nhân con người, bởi những thực phẩm được coi là không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, có thể gây bệnh cho con người đã trở thành gánh nặng cho nhiều quốc gia vì những bệnh tật gây nên cho con người không chỉ dừng ở đau bụng, tiêu chảy như anh Sơn nói. Bác sĩ Jeffrey Kobza, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết:

BS. Jeffrey Kobza: đây là vấn đề đang ngày càng trở nên quan trọng đối với mọi người trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Việc tiếp cận với lượng đủ các thực phẩm bổ dưỡng và an toàn là yếu tố then chốt trong cuộc sống và sức khỏe tốt. Thực phẩm không an toàn có thể chứa các vi khuẩn không an toàn, hóa chất và ký sinh trùng, nó có thể gây ra hơn 200 bệnh các loại từ tiêu chảy đến ung thư. Trên toàn cầu, tiêu chảy từ nước hay thực phẩm khiến khoảng 2 triệu người chết mỗi năm trong đó có nhiều trẻ nhỏ. Thực phẩm không an toàn tạo ra một vòng của sự thiếu dinh dưỡng, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, người già và người bệnh.

"Cái gì cũng phải có độ an toàn nhất định cho người ta thì gọi là an toàn thực phẩm…. Thứ nhất là ăn không bị tiêu chảy. Cái này thực ra là nó không gây hại cho sức khỏe của mình thì gọi là an toàn rồi"-Anh Sơn

Trong thông cáo báo chí mới được công bố nhân ngày Sức khỏe Thế giới 7 tháng 4 năm nay, WHO nhận định thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 bệnh, từ tiêu chảy đến các bệnh mãn tính như ung thư. Thực phẩm không an toàn tạo ra một vòng luẩn quẩn của bệnh tật và suy dinh dưỡng, đặc biệt là ảnh hưởng đến trẻ em và người già. Những ví dụ về thực phẩm không an toàn bao gồm các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và không được nấu chín kỹ, trái cây và rau quả bị nhiễm phân, và các loài có vỏ từ biển chứa các độc tố sinh học.

Thống kê của Cục An toàn Thực phẩm ở Việt Nam cho thấy, trong năm 2014 có đến 194 vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo khiến 5,000 người bị ngộ độc, 80% trong số đó phải nhập viện và 43 trường hợp bị tử vong.

Theo bác sĩ Jeffrey Kobza, phần lớn những bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm ở Việt Nam là tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Vấn đề này thường xảy ra nhiều nhất vào các dịp lễ tết khi có nhiều thực phẩm được chế biến và tiêu dùng.

Thách thức với Việt Nam

Vấn đề an toàn thực phẩm được WHO đánh giá là một thách thức đối với Việt nam do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh của đất nước. Bác sĩ Jeffrey Kobza nhận định.


Một trong những quầy hàng thức ăn trong chợ tại Hà Nội.

BS. Jeffrey Kobza: khi nói về những thách thức ở Việt Nam, quốc gia này cũng có nhiều những thách thức như nhiều nơi khác trên thế giới. Thực tế là Việt Nam đang là một nước có thu nhập trung bình thấp và đang tăng trưởng nhanh có nghĩa là vấn đề an toàn thực phẩm vượt ra ngoài biên giới.

Vấn đề về nhập khẩu và xuất khẩu thực phẩm qua biên giới giữa Việt nam và các nước đang được mở rộng cũng làm tăng nguy cơ về sự lây lan của bệnh tật qua nguồn thực phẩm và là một khó khăn không chỉ riêng đối với Việt Nam.

Trong những năm qua, Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ về bệnh tật lây nhiễm từ gia cầm như cúm gia cầm, bởi Việt nam cũng nhập gà sống từ Trung Quốc qua đường biên giới tiếp giáp giữa hai nước. Trung Quốc là một trong những nước tại châu Á thời gian gần đây liên tục phát hiện các ca bùng phát cúm gia cầm. Bên cạnh đó là những nỗi lo về dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản thực phẩm có trong các sản phẩm và thực phẩm quá hạn sử dụng được nhập từ Trung Quốc được báo chí trong nước loan tin cũng khiến người tiêu dùng lo ngại. Anh Sơn cho biết những lo ngại của mình về vấn đề thực phẩm nhập từ Trung Quốc:

Anh Sơn: em biết có thực phẩm nhập từ Trung Quốc như nội tạng, chân gà chắc là em không ăn rồi. Còn nội tạng có quán nhập, có quán không thì em phải biết chắc chắn là quán nào không nhập thì em ăn. Em không sợ đồ Trung Quốc không sạch nhưng nếu có những thông tin là đồ Trung Quốc không an toàn thì em không mua.

WHO nhận định thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 bệnh, từ tiêu chảy đến các bệnh mãn tính như ung thư

Theo WHO, an toàn thực phẩm nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến khả năng mất cơ hội xuất khẩu. Việc phải đóng cửa các doanh nghiệp và mất đi uy tín trên thế giới đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế . Bên cạnh đó, những chi phí không nhìn thấy được đối với nền kinh tế Việt nam do không được tham gia vào các hoạt động, hiện tượng năng lượng sản xuất bị suy giảm và thu nhập của nhóm dân cư nghèo bị giảm sút có thể trở nên rất lớn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc thực thi luật pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù quốc hội Việt Nam đã thông qua luật an toàn thực phẩm vào năm 2010 và luật này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ tháng 7 năm 2011, nhưng trên thực tế, việc thực thi luật vẫn còn nhiều khó khăn, theo nhận định của người đại diện WHO tại Việt Nam, bác sĩ Jeffrey Kobza:

BS. Jeffrey Kobza: quá trình chuyển từ luật đến việc thực thi luật luôn là một khó khăn trong các vấn đề về sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi đã nhìn thấy những cải thiện về kiến thức trong những người phục vụ thực ăn và những khâu khác trong lĩnh vực này. Tất nhiên là chưa đủ và chúng ta cần phải làm hơn nữa…

An toàn thực phẩm là trách nhiệm của người sản xuất và tiêu dùng

Trong thông điệp của WHO nhân ngày sức khỏe thế giới năm nay, vấn đề an toàn thực phẩm được đặt ra là trách nhiệm của tất cả người tiêu dùng và nhà sản xuất trong chuỗi liên tục của thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn. Thông cáo báo chí của WHO viết rằng các nhà sản xuất, các nhà chế biến và người kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam cần phải chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của thực phẩm mà họ sản xuất và kinh doanh, trong khi người tiêu dùng cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng và tuân thủ các thực hành tốt về an toàn thực phẩm.

Đây là 5 hành động đơn giản...để ngăn chặn bệnh tật – rửa sạch tay và giữ sạch bề mặt nơi chế biến thức ăn, bảo quản riêng thức ăn chín và thực phẩm sống, nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng, giữ thực phẩm ở nhiệt độ phụ hợp, sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn khi chuẩn bị thức ăn

Trong khi đối với nhà các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm, chính phủ có thể sử dụng luật và chính sách để quản lý vấn đề an toàn thực phẩm, người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân và những thông tin mà họ có được để chọn thực phẩm cho mình. Anh Sơn cho biết kinh nghiệm của mình trong việc chọn đồ ăn sạch như sau:

Sơn: chẳng hạn cái vệ sinh an toàn đấy thì nó có rửa bát đĩa trông có sạch sẽ không, chỗ chế biến có đạt tiêu chuẩn yêu cầu của mình hay không…. thực phẩm nó chỉ là một phần thôi, còn cái vệ sinh an toàn thực phẩm nó là cả một chuỗi từ nơi phát sinh thực phẩm cho đến người sử dụng. Ở trên đấy có nhiều điểm nguy cơ. Chính vì thế nên cái hệ thống vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ có thực phẩm mà còn chế biến nữa. Cho nên thực phẩm dù có tươi tốt và sạch sẽ nhưng nếu chế biến không đảm bảo thì nó vẫn được coi là thứ thực phẩm bị coi là không an toàn. Người tiêu dùng có thể không biết điều đấy nhưng người tiêu dùng có sự lựa lựa chọn và sự lựa chọn đó được đánh đổi bằng chính kinh nghiệm người ta đã trải qua.

Tổ chức Y tế Thế Giới đưa ra 5 chìa khóa giúp thực phẩm an toàn hơn. Đây là 5 hành động đơn giản mà mỗi cá nhân cần thực hiện để ngăn chặn bệnh tật xảy ra khi xử lý thức ăn. Đó là giữ gìn vệ sinh – rửa sạch tay và giữ sạch bề mặt nơi chế biến thức ăn, bảo quản riêng thức ăn chín và thực phẩm sống, nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng, giữ thực phẩm ở nhiệt độ phụ hợp, sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn khi chuẩn bị thức ăn.

WHO cũng phối hợp với Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc để hỗ trợ các hoạt động phòng tránh, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng từ thực phẩm không an toàn thông qua Mạng lưới cơ quan An Toàn thực phẩm Quốc tế (gọi tắt là INFOSAN). Đây là một mạng lưới dành cho việc trao đổi thông tin nhanh trong các vụ việc về an toàn thực phẩm mà quốc tế quan tâm. Mạng lưới được vận hành từ năm 2004 và Việt Nam là một thành viên của mạng lưới này.

Ngoài ra WHO cũng cho biết trong tương lai, WHO hướng tới mục tiêu cùng làm việc với Cục An toàn Thực phẩm để giảm bớt hơn nữa những nguy cơ bệnh tật và tử vong do các vụ an toàn thực phẩm, thông qua việc tiếp tục củng cố giám sát và phát hiện sớm, cũng như ứng phó bất cứ bệnh tật nào, bao gồm các bệnh do thực phẩm gây ra.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LifeAndHealth/who-to-mke-vn-food-safe-04062015121340.html/04062015-who-to-mke-vn-food-safe.mp3

No comments:

Post a Comment