Tuesday, April 7, 2015

Quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam chỉ có trên giấy

HÀ NỘI (NV) - Tuy là phạm pháp vì trái thẩm quyền nhưng hàng ngàn yêu cầu về “điều kiện kinh doanh” do các bộ, ngành đặt định một cách tùy tiện vẫn có hiệu lực, gây khó khăn cho doanh giới.


Xúc xích của công ty Đức Việt. Có tới 7 bộ giám sát sản xuất thực phẩm nhưng chất lượng và độ an toàn của thực phẩm tại Việt Nam vẫn là ác mộng của nhiều người. (Hình: VTC News)

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Việt Nam. Tại hội thảo về “Điều kiện kinh doanh, kinh nghiệm quốc tế và thách thức với Việt Nam,” mới diễn ra hôm 6 tháng 4, 2015, ông Cung trưng dẫn hàng chục văn bản để chứng minh cho nhận định của mình.

Ví dụ, ngành Giao Thông-Vận Tải tự ý ban hành văn bản yêu cầu, muốn kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách, các doanh nghiệp tại Hà Nội và Sài Gòn phải có từ 20 xe trở lên. Doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố khác phải có từ 10 xe trở lên. Doanh nghiệp ở một số tỉnh xa xôi, hẻo lánh phải có từ 5 xe trở lên.

Viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Việt Nam còn cảnh báo, nhiều “điều kiện kinh doanh” đã từng bị hủy bỏ vì vô lý, trái thẩm quyền, nay được các bộ, ngành tại Việt Nam sử dụng lại. Ví dụ như muốn hoạt động trong lĩnh vực in ấn, phải tiếp tục xin cái gọi là “giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động in ấn.”

Bởi Luật Doanh Nghiệp ban hành năm 2005 từng qui định, việc đặt định “điều kiện kinh doanh” phải tuân thủ các qui định pháp luật của cả Việt Nam lẫn những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ông Cung yêu cầu làm rõ các vấn đề:

(1) Ai chịu trách nhiệm về thực trạng các bộ, ngành thản nhiên tự đặt định những “điều kiện kinh doanh” ngoài thẩm quyền nên trở thành trái pháp luật như vậy? (2) Chính quyền Việt Nam sẽ xử lý những cá nhân, cơ quan ban hành các quy định ngoài thẩm quyền đó như như thế nào? (3) Tại sao các văn bản trái pháp luật đó vẫn có hiệu lực thi hành và không thể bãi bỏ? (4) Tại sao dân chúng và doanh giới vẫn tuân thủ các quy định trái pháp luật đó mà không khiếu nại? Có phải họ đã khiếu nại mà không nơi nào giải quyết?

Ông Cung nhấn mạnh cần phải làm rõ những thắc mắc đó vì ai cũng biết “điều kiện kinh doanh” là một thứ hàng rào ngăn cản việc gia nhập thị trường khiến cả thời gian lẫn chi phí gia tăng, tạo ra tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thủ tiêu sự sáng tạo bởi vì sáng tạo thì “không phù hợp” thậm chí là “vi phạm” pháp luật.

Việt Nam vẫn thường tuyên bố việc loại bỏ “điều kiện kinh doanh” là bằng chứng của “đổi mới” và của nỗ lực “hoàn thiện, nâng cao hiệu lực của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” nhưng trên thực tế, các ngành hữu trách vẫn thi nhau hành doanh giới bằng cách đặt ra hàng loạt điều kiện đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát của các bộ, ngành đó song không có bất kỳ viên chức nào bị cách chức.

Hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi khảo sát về việc giám sát các ngành nghề cấm kinh doanh hoặc muốn kinh doanh phải hội đủ một số điều kiện, ông Lê Duy Bình, một thành viên của Tổ Công Tác Liên Ngành Về Môi Trường Kinh Doanh, cho biết, hiện vẫn còn tới 398 ngành, nghề kinh doanh bị đòi buộc phải hội đủ một số điều kiện và việc xem xét, chấp thuận các “điều kiện” đó chẳng khác gì cấp “giấy phép kinh doanh.”

Mười năm trước, để khuyến khích sản xuất, kinh doanh, chế độ Hà Nội từng hủy bỏ khoảng 200/500 loại giấy tờ xác định đủ “điều kiện” để doanh nghiệp có thể sản xuất-kinh doanh. Việt Nam gọi những loại giấy tờ đó là “giấy phép con.”

Tuy nhiên đến năm ngoái, số “giấy phép con” đã vọt lên khoảng 400. Hiện có 44 ngành, nghề đòi chứng chỉ hành nghề, 11 ngành, nghề yêu cầu xác nhận vốn pháp định, 345 ngành, nghề yêu cầu phải có sự chấp thuận của giới hữu trách...

Sự gia tăng “giấy phép con” không chỉ cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn gây nhiều hệ quả đáng tiếc vì những điều kiện khắt khe song lại không cần thiết. Chẳng hạn, tại Việt Nam, hiện chỉ có 3,517 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tính ra tỉ lệ doanh nghiệp hoạt động trong một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam chỉ có 1%.

Trong khi nhiều bộ, ngành biện bạch rằng, “giấy phép con” là một hình thức ràng buộc cần thiết để bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ môi trường,... thì Tổ Công Tác Liên Ngành cho rằng, chúng không cần thiết vì có nhiều ngành, nghề cần khuyến khích phát triển và thị trường sẽ tự sàng lọc các doanh nghiệp.

Ông Bùi Anh Tuấn, cục phó Cục Quản Lý Đăng Ký Kinh Doanh của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, nói thêm, nhiều ngành, nghề như sản xuất thực phẩm có quy định rất khắt khe về điều kiện kinh doanh nhưng giám sát hoạt động sau đó lại rất lỏng lẻo thành ra không giảm được ngộ độc thực phẩm.

Chuyện nhiều bộ, ngành tại Việt Nam thích đặt định điều kiện để hành hạ doanh giới không chỉ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam mà còn biến Việt Nam trở thành dị dạng trong mắt nhiều giới ở ngoại quốc.

Hồi cuối tháng 7, tại hội thảo về cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam, ông Olin McGill, một chuyên gia về phát triển môi trường kinh doanh của USAID (Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ), từng nhận định, Việt Nam là vô địch trong các yêu cầu về giấy tờ.

Cũng vào tháng 7 năm ngoái, khi tham gia thảo luận về tác động của Luật Doanh Nghiệp mới được sửa đổi, ông Mai Huy Tân, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Thực Phẩm Đức Việt, tiết lộ, một cây xúc xích do công ty Đức Việt sản xuất bị tới bảy bộ giám sát là: Bộ Y Tế, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, Bộ Tài Chính Giám Sát qua Tổng Cục Thuế và Tổng Cục Hải Quan, Bộ Khoa Học-Công Nghệ và Bộ Công An.

Dẫu có tới bảy bộ giám sát nhưng thực phẩm tại Việt Nam càng ngày càng thiếu vệ sinh và không an toàn, bởi thật ra, giám sát chỉ nhằm moi móc để kiếm chác. (G.Đ)
04-06-2015 3:12:06 PM

No comments:

Post a Comment