Hoàng Ngọc Diêu
Theo RFA-2015-04-06
Người dân di tản tháng 4/1975- Photo courtesy of Hiroji Kubota
“ê, Diêu le, mày có sợ không?” Thằng Hậu vừa tè vô gốc cây ổi cạnh giếng, vừa hỏi tôi. Hôm đó là ngày đầu tháng Tư năm 1975.
Tôi bước tới cạnh nó, nói: “sợ sao không mày. Tao nghe người lớn nói mấy ổng vô đây rồi là mấy ổng cắt cổ hết.”
Thằng Hậu thầm thì: “tao nghe nói xóm mình việt cộng nằm vùng nhiều lắm. Không biết mấy ổng có làm gì nhà tao không? Ba tao nói không chạy đâu hết, cứ ở yên tại nhà.”
Tôi nói: “ờ, ba tao cũng nói là không đi đâu hết. Có chết thì chết chung tại nhà. Còn từ đường, mồ mả ông bà. Chạy đi đâu? Mày thấy hông, nhà tao mấy bữa nay chật ních, bà con dòng họ chạy từ Bình Định vô đầy nghẹt. Gia đình ông anh họ ở Cam Ranh cũng chạy ra. Tao thấy ai cũng sợ hết.”
Hậu nói: “sao hông sợ mày. Tao nghe nói mấy ông việt cộng ác lắm. Mà mình là con nít, chắc không sao. Chỉ sợ cho mấy người lớn.”
Tôi im lặng. Hậu nói tiếp: “có gì tối nay tao chạy qua ngồi với mày được không? nhà mày đông người đỡ sợ.”
Tôi đáp: “Mày chạy qua đi. Gõ cửa sau, tao mở cho.”
Một buổi chiều năm 1976, Hậu chạy qua nhà tôi, nó khóc nấc: “chị Hai chết rồi Diêu ơi. Chị Hai đi thanh niên xung phong bị cây đè trên Đồng Găng, mấy ổng mang xác chỉ về trả rồi bỏ đi.”
Tôi điếng người, chạy vội qua nhà bác Hai. Chị Hai nằm giữa ngôi nhà tôn bên hông nhà bác Hai, ngôi nhà tôi đã từng sinh ra và lớn lên. Mặt chị trắng bệch. Một vệch máu vẫn còn đọng ở khoé miệng chị. Tự nhiên tôi sợ, không dám tiến gần xác chị Hai. Không phải sợ chị Hai, tôi sợ cái gì đó rất mơ hồ. Chị Hai, một bà chị suốt ngày tất tưởi lo cho bầy em, chị la mắng cả ngày, thỉnh thoảng cầm chổi rượt tụi nhỏ vì cái tội lười biếng và phá phách. Chiều chiều lại thấy chị đi từ đầu xóm đến cuối xóm xách chiếc xô gom nước cơm về nuôi heo. Sáng sớm tinh mơ đã thấy chị thức dậy, lấy chổi quét soèn soẹt. Tôi đứng đó, nước mắt tràn mặt rồi cắm đầu chạy về nhà.
Khuya hôm đó, tôi nghe tiếng bác Hai gái khóc thảm thiết: “Hiếu ơi, sao con bỏ má mà đi vậy Hiếu”. Nghe nói bác Hai gái buôn chuyến về khuya mới hay tin, bác vứt bỏ hết đồ đạc, lao vô ôm xác chị Hai mà khóc. Hình như từ dạo đó, bác Hai gái không còn tỉnh táo, lúc nào bác cũng lẩm bẩm “lôi thôi mẹ phạt mẹ cho đừ”.
“Ủa Diêu, ba mày bị sao vậy?” Thằng Hậu hỏi.
Tôi nói: “ờ, ba tao đi kinh tế mới Phú Nhơn làm rẫy chặt cây bị cây đè đó mày”.
Nó cảm thán: “Mô Phật, lại cây đè. Giải phóng xong sao thiên hạ bị đè tùm lum.”
Trưa hôm đó, bà chị tôi rú lên thảng thốt: "Ô ba về, mà không phải, ông ăn xin. Ủa, mà không phải ông ăn xin. Ba ơi, ba làm sao vậy ba?"
Một ông già ốm nhom, lưng khòm xuống, râu tua tủa, đầu đội chiếc nón lá tơi tả, tay chống một khúc cây làm gậy. Ông nói: "ba đây!" rồi thất thểu lê vô nhà. May hồi đó ông cụ Cao Đài châm cứu giỏi như thần trên đường Lữ Gia vẫn còn sống. Cụ chăm sóc ba ít lâu và ông dần dần phục hồi.
Thằng Hậu nói: “hồi nãy đi vớt bèo, tao thấy thím Tám gánh cái gì đó ở đường Tỉnh lộ Bốn, mưa tầm tã. Tao kêu mà bả không nghe.”
Tôi đáp: “Ờ, má tao đi bán bánh bèo rong đó mày. Tụi tao năn nỉ bả nghỉ mà bả không chịu. Không bán thì lấy tiền đâu mua gạo?”
Thuở ấy, má phải tảo tần đi mua heo tận La Hai về Nha Trang bán lại để kiếm sống, heo bị bệnh, ỉa chảy, má tiếc giữ lại nuôi và con heo biến thành con vật cưng trong nhà. Dù thiếu thốn, cả bầy vẫn năn nỉ má đừng bán nó nhưng không bán thì lấy tiền đâu mua gạo. Má lặng lẽ kêu người đến lấy con heo mang đi làm mấy đứa trong nhà khóc như ri. Buôn heo lỗ vốn, má chuyển qua đủ nghề, mua bán đủ thứ, kể cả nghề gánh bánh bèo đi bán dạo.
Trời mưa như trút nước, mấy chị em ở nhà ngồi cầu nguyện sao cho má bán hết gánh. Tội má, má thân hình gầy gò, trước giờ chỉ làm công chức rồi nghỉ ở nhà nuôi con, có bao giờ phải dãi nắng, dầm mưa như vậy đâu. Một năm sau "giải phóng", má ốm tong teo và đen nhẻm.
“Ê Diêu, tụi nó có dụ mày vô đoàn không dzậy?” Thằng Hậu hỏi.
Tôi đáp: “Vô đoàn gì mậy? Tao có nghe gì đâu?”
Nó cười khì khì: “thì vô đoàn là đeo cái huy hiệu gì đó có hình nắm đấm đó? Tao chả biết đoàn là con khỉ gì. Chỉ thấy mấy đứa đoàn viên lúc nào mặt mũi cũng nghiêm trọng như sắp sửa đập lộn không bằng, nhìn thấy bắt ghét.”
Tôi trả lời: “ghét thì đừng vô chi cho mệt mày.”
Nó nói: “tụi nó nói là vô đoàn thì lên cấp 3 được nâng đỡ. Tao chả biết nâng đỡ làm sao. Tao chỉ muốn vô đại học để đổi đời. Chị Hai thì chết rồi, Anh Năm thì ở biền biệt trên kinh tế mới, chị Cườm thì đi dạy 3 cọc 3 đồng, anh Tám thì lang bạt kỳ hồ, ông Hiền cũng vậy. Bà Hạnh thì xin làm một chân với đám quản lý thị trường, còn bà Dung thì làm thuê làm mướn. Má tao thì bây giờ nửa điên, nửa tỉnh. Nhìn thấy ớn quá mày. Giải phóng vô, nhà tao tan tác.”
Tôi không biết nói sao, chỉ an ủi nó: “ráng lên mày, cùng tắc biến. Má tao nói đến tận cùng thì sẽ có thay đổi.”
Năm đó hai thằng bạn tách ra hai trường khác nhau. Hai năm sau đó, Hậu “trúng tuyển nghĩa vụ quân sự”, giấy gọi nhập ngũ về trước, giấy báo đậu đại học Đà Lạt về sau. Hậu lên tỉnh đội trình bày thì được biết thay vì đi nghĩa vụ quân sự 3 năm, Hậu chỉ cần đi 2 năm rồi về học đại học. Ngày nhập ngũ, tôi đưa nó ra tận xe. Nó nói: “ráng viết thư cho nhau đều nghen mày. Tao biết chắc tao bị dính bên cam rồi.”
Hậu chậm rãi cuộn một điếu thuốc rê có vài cọng bồ đà rồi đưa cho tôi. Tôi nheo mắt hỏi nó: “ủa? mày cũng hút thuốc lá nữa hả mậy?”
Nó cười, đáp: “mẹ nó, qua bên cam mà không hút thuốc thì mới là đại tài đó mày. Nhiều đêm đến phiên gác, vừa lạnh, vừa buồn, vừa sợ, chỉ còn có một cách là trùm mền hút thuốc thôi.”
Hậu được về thăm nhà một tuần. Nó xuống kiếm tôi và hai thằng đi uống cà phê. Nó kể rất nhiều về chuyện bên Campuchia. Chuyện đồng ngũ của nó bị đứt tay, gẫy chân, bị chết. May mắn, nó là đứa được xem là có chữ, trắng trẻo đẹp trai cho nên được giữ lại ở trung tâm gì đó chỉ lo chuyện văn phòng, sổ sách, không phải đi hành quân. Tuy vậy, nó đen nhẻm và rắn chắc. Cách nói chuyện và thái độ của nó cũng rất khác ngày xưa.
“mày biết hông,” nó nói: “tao ngồi ở văn phòng, chuyên lo chuyện giấy tờ sổ sách và lo chuyện viết giấy tổ quốc ghi công. Riết rồi thấy nản kinh khủng”.
Tôi hỏi: “viết giấy tổ quốc ghi công là sao mày?”
Nó cười khì: “thì đó là giấy báo tử đó mày. Mấy năm này đánh đấm không còn nhiều. Toàn là chết vì dậm mìn hay do đám dân cam lén cắt cổ, lén đập đầu thôi. Nhưng đều là liệt sĩ hết. Thôi, tao ráng mấy tháng nữa là hết nợ”.
Hai đứa chia tay. Tôi nói với nó: “ráng lên mày. Ít bữa về mình kiếm đường dông.”
Nó cười: “biết đâu được. Nhớ đợi tao với.”
Ngày rời Việt Nam năm đó, tôi nghe tin Hậu chết. Tôi đứng lặng người khi nghe hung tin. Nghe nói người ta lượm được xác của nó trôi dạt vô bờ sông Mê Kông cách nơi nó đóng quân mấy cây số. Đầu nó bị vỡ nát do một cú đập khủng khiếp. Đồng đội nó cho biết, mớ đồ nó đang giặt lở dở vẫn còn nằm ở bờ sông.
Tôi không rõ những tập vở nó ghi chép và chuẩn bị cho đại học trôi dạt về đâu.
Hơn mười năm sau, về lại thăm nhà, tôi ghé thăm bác Hai. Bước vô nhà bác là chiếc bàn thờ chị Hai và thằng Hậu sát cạnh bàn thờ Phật. Tôi đốt nén nhang, đứng trước bàn thờ chào chị Hai và thằng Hậu mà cổ họng đắng nghét.
Khấn với chị Hai xong, tôi khấn thằng Hậu: “Hậu ơi, mày sống khôn, thác thiêng, hãy phù hộ độ trì cho gia đình được bình yên, an ổn. Trên đó nếu có gặp các vị thánh thần, cầu họ giúp cho nước Việt Nam đỡ điêu linh.”
Tôi tin chắc Hậu nghe lời khấn của tôi. Chỉ có điều, kiếp nạn nước Việt còn nặng quá.
Bây giờ không biết thằng Hậu bạn tôi còn ở đó không hay lại ba lô tìm về kiếp khác, nơi không có những bi kịch mà đất nước của nó oằn lưng gánh vác trong suốt 40 năm qua.
Hoàng Ngọc Diêu
No comments:
Post a Comment