Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam khi còn là phó chủ tịch nước
Hôm 7/4 tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến việc ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác.
Trong đó có Thỏa thuận về các vấn đề về thuế đối với Dự án thăm dò chung tài nguyên dầu khí tại vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc giữa Bộ Tài chính hai nước.
Hai bên cũng ký Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020.
Tường thuật của trang web chính phủ Việt Nam nói hai nhà lãnh đạo đã “đi sâu trao đổi thẳng thắn và đạt được nhận thức chung quan trọng, sâu rộng” về quan hệ song phương.
Hai bên nhất trí tăng cường các chuyến thăm lẫn nhau và phát huy các cơ chế hiện có để “kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh, duy trì cục diện hòa bình, hữu nghị”.
Về kinh tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dẫn lời nói Việt Nam hoan nghênh và mong muốn Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Ông cũng đề nghị Trung Quốc quan tâm chỉ đạo lựa chọn nhà thầu có năng lực và khả năng tài chính để các dự án đầu tư tại Việt Nam được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.
Hai bên tuyên bố chính thức thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ.
Đối với vấn đề trên biển, hai phía nói sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trong năm 2015.
Kỷ niệm quan hệ ngoại giao?
Chuyến thăm này của ông Trọng được cho là ‘tiếp tục củng cố, duy trì cục diện hữu nghị, ổn định, tạo thêm đà phát triển lành mạnh cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước’, theo bài xã luận đăng trên báo Nhân dân.
Tháp tùng trong phái đoàn của ông Trọng là các ủy viên Bộ Chính trị: Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thị Kim Ngân và Trần Đại Quang.
Trong số đó, các ông, bà Huynh, Ngân và Quang là những người vẫn còn đủ tuổi để tiếp tục trụ lại trong Bộ Chính trị. Họ được xem sẽ là thành phần chủ chốt trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sau kỳ Đại hội 12 sắp tới.
Ngoài các ủy viên Bộ Chính trị, phái đoàn của ông Trọng còn có sự tham gia của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân, Chánh văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Vào cuối chuyến thăm, ông Trọng sẽ đến tỉnh Vân Nam, tỉnh giáp giới với Việt Nam.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai của ông Trọng trên cương vị Tổng bí thư và là chuyến thăm đầu tiên sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển có tranh chấp với Việt Nam gần một năm trước đây khiến quan hệ giữa hai nước bị rạn nứt nghiêm trọng.
Hai phe trong Đảng?
Chuyến thăm trước của ông Trọng là hồi năm 2011 – không lâu sau khi ông Trọng lên nắm chức tổng bí thư của Đảng tại Đại hội lần thứ 11 diễn ra hồi đầu năm. Khi đó, ông Tập Cận Bình vẫn chưa là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Trong bản tin về chuyến thăm này, hãng tin AP của Mỹ bình luận rằng lâu nay vẫn có dư luận cho rằng ‘Đảng Cộng sản Việt Nam bị chia rẽ giữa một phe muốn có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh và do đó cần xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ và một phe tin rằng có thể âm thầm đạt được sự nhượng bộ từ phía người đồng minh về ý thức hệ’.
“Ông Trọng được mong đợi sẽ đến thăm Mỹ trong khi Việt Nam đang muốn tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ với các nước khác trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh bạo trong yêu sách lãnh thổ,” hãng AP bình luận và cho biết hiện ngày giờ chuyến đi Mỹ của ông Trọng vẫn chưa được thông báo.
“Việc họ gặp nhau dù kết quả có thế nào đi chăng nữa vẫn là một dấu hiệu tốt và đáng hoan nghênh,” AP dẫn lời ông Trần Công Trục, cựu chủ tịch Ủy ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói.
‘Đừng hòng chen vào giữa’
Trước khi đi Bắc Kinh, ông Trọng đã tiếp lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi
Trong bài xã luận hôm 7/4 trước thềm chuyến thăm của ông Trọng với ngụ ý nhằm vào Washington, Tân Hoa Xã viết: “Bắc Kinh và Hà Nội đủ chín chắn để xử lý mối quan hệ của họ bên ngoài khuôn khổ song phương. Họ sẽ không theo đuổi các lợi ích khác mà gây tổn hại đến mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và họ cũng không cho phép ai che vào giữa mối quan hệ này.”
“Việc diễn giải chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Trọng là một động thái kiềm chế Trung Quốc nghe như thuyết âm mưu và đối đầu của thời Chiến tranh Lạnh vốn đã bị ném vào thùng rác lịch sử từ lâu.”
“Một số kẻ bên ngoài, vì những lý do ích kỷ, đang lợi dụng mọi cái cớ có thể để gieo rắc bất đồng giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong khi một số ít người trong hệ thống chính trị Việt Nam bị các thế lực bên ngoài lừa dối và trở thành những kẻ đồng lõa,” bài xã luận viết nhưng không nói cụ thể là ai.
Bài xã luận viết tiếp: “Con đường khả dĩ nhất phía trước của Bắc Kinh và Hà Nội là xây dựng lòng tin lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và hãy để cho thực tế và những con số giúp cho những ai bị đánh lừa tìm lại lý trí của mình vào biến những kẻ ác độc thành trò cười.
Thật ngây thơ khi nghĩ rằng những người bạn thân thiết như Trung Quốc và Việt Nam sẽ không bao giờ tranh cãi. Ngay cả anh em ruột thịt còn cãi nhau nữa là. Nhưng sẽ càng ngây thơ hơn nữa khi cho rằng mối quan hệ sâu rễ bền gốc giữa hai nước sẽ sụp đổ vì bất đồng trên Biển Đông. Hai nước đã trải qua những lúc còn khó khăn hơn thế.”
No comments:
Post a Comment