Tuesday, April 7, 2015

Những người trẻ bán dưa cứu nông dân

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-04-06  

Các bạn trẻ bán dưa hấu giúp bà con bị ngập lụt ở Quảng Nam
Các bạn trẻ bán dưa hấu giúp bà con bị ngập lụt ở Quảng Nam - Courtesy tamguong.vn

Cũng giống như phần lớn nông dân miền Trung, trong hai tuần vừa qua, nông dân các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Đại Lộc, Quảng Nam gặp nhiều vấn đề khó khăn, khốn đốn bởi thời tiết thất thường, mưa lũ giữa mùa Xuân làm hư hoa màu như cà chua, dưa leo, cà tím, đu đủ, ớt, rau xanh các loại, thuốc lá và dưa hấu.

Trong đó, nhóm rau quả chủ lực quyết định kinh tế cả một năm là dưa hấu bị hư hại nặng nhất, tỉ lệ 100% hư hỏng khi nước lũ kéo qua. Và nếu không kịp thời bán những trái bị ngập nước, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, mọi vốn liếng tiêu tan. Giữa lúc bĩ cực, các nhóm thiện nguyện trẻ xuất hiện như những thiên sứ mang làm tin vui cho người nông dân tội nghiệp.

Cũng xin nói thêm, các nhóm thiện nguyện trẻ này hoàn toàn không trực thuộc đoàn thể chính trị hay tôn giáo nào, họ là những người đồng cảm, tìm tiếng nói chung thông qua trạng mạng xã hội facebook và cùng chung tay làm những việc có ích cho con người, cho cộng đồng. Mục tiêu của họ rất dơn giản nhưng không dễ thực hiện, đó là làm sao cho xã hội bớt nghèo đói, bớt cái xấu và lòng tốt được nhen nhóm, được sinh sôi!

Nguy cơ mất trắng

Bà Hương, chủ ruộng dưa gần hai hecta dọc sông Vu Gia, Đại Lộc, buồn bã chia sẻ: “Cô vay nhà nước hết 60 triệu để làm lứa dưa này, giờ không có gì để trả nhà nước hết, giờ không biết thế nào để trả nợ ngân hàng hết.”

Bà Hương cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, người nông dân vẫn chưa hoàn hồn sau trận mưa kéo dài hơn ba ngày đêm và con nước cuồn cuộn mà trước lúc mưa, gia đình bà còn định thu xếp thời gian chạy vào Tam Kỳ, Quảng Nam để xem buổi lễ khánh thành tượng Mẹ Thứ, xem nhà khách Quảng Nam và xem bảo tàng văn hóa tỉnh này để thỏa cái chí nhà nông, thỏa cái nỗi ao ước được sờ vào những tảng đá có giá thành hàng trăm tỉ đồng mà cho đến vài chục kiếp làm nông như bà vẫn không bao giờ có được.

Thế nhưng trận mưa kéo dài, mưa cho đến khi nước tràn về. Tốc độ nước chảy rất xiết và dâng cao rất nhanh, bùn non màu đỏ gạch cũng nhiều khiến bà nghĩ đến những trận xả đập. Vì khi nào xả đập cũng có hiện tượng dâng lũ kiểu như thế. Nhưng vốn là nông dân chân lấm tay bùn, không biết gì về thủy điện nên bà chỉ đoán già đoán non vậy thôi. Vấn đề bà quan tâm nhất vẫn là là sao cứu cho được ruộng dưa đang vào mùa thu hoạch.

Nhưng mưa càng lớn thì nỗi tuyệt vọng của gia đình bà Hương càng nhiều. Cuối cùng, cũng giống như nhiều gia đình nông dân khác dọc bờ sông Vu Gia, bà Hương chỉ còn biết gạt nước mắt nhìn ruộng dưa mà gia đình đã đầu tư hơn sáu chục triệu đồng với hy vọng sau mùa thu hoạch sẽ kiếm được ngót nghét một trăm rưỡi triệu đồng đang ngập úng và thối dần thối mòn.

"Cô vay nhà nước hết 60 triệu để làm lứa dưa này, giờ không có gì để trả nhà nước hết, giờ không biết thế nào để trả nợ ngân hàng hết"-Bà Hương, chủ ruộng dưa

Thế rồi các nhóm thiện nguyện trẻ xuất hiện, họ đến gõ cửa từng gia đình nông dân Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, hỏi thăm và rủ cùng nhau ra đồng. Bùn non ngập gối nhưng các bạn trẻ không ngần ngại xắn quần xuống hái dưa, cùng người nhà rửa dưa thật sạch, chất thành từng khối và sau đó gọi xe tải đến. Việc làm của các bạn trẻ khiến những nông dân đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Họ giải thích với mọi người là họ đến để giúp bà con cứu số dưa, gỡ vốn.


Nông dân Quảng Nam trên cánh đồng dưa bị ngập úng

Cho đền thời điểm hiện tại, số dưa bị ngập của bà con nông dân vùng lũ xem như tạm giải quyết xong, tiền vốn cũng tạm lấy lại nhờ vào các bạn trẻ thiện nguyện. Chi phí vận chuyển dưa, công đứng bán dưa và thức ăn trong lúc bán đều do các bạn trẻ này tự góp tay, tự bỏ ra để lo liệu. Số tiền bán dưa có ngày lên trên 100 triệu đồng đều được trao lại cho bà con nông dân. Nhờ vậy mà gia đình bà Hương đã lấy lại được số tiền vốn 60 triệu đồng và nhiều gia đình khác cũng vui mừng không kém bà Hương.

Thiện nguyện viên, họ là ai?

Bà Đỗ Hồng Hường, một mạnh thường quân gắn bó của các nhóm thiện nguyện, chia sẻ: “Có rất nhiều nhóm tham gia, chủ yếu là mấy đứa đi làm, mấy đứa này cũng góp tài chính nữa, còn lại nó đi quyên gó. Cũng có đứa học phổ thông, nó là đàng hoàng, chu đáo. Bán dưa bữa nay hết rồi vì hết phần dưa ngập úng, còn lại là để bà con nông dân tự giải quyết. Tụi nó làm thiện nguyện phi tôn giáo phi chính trị. Có nhóm nó còn nhận bảo trợ, cuối tháng nó đem tiền, gạo đến cho gia đình họ. Có gia đình thì nó đem gà tới cho họ nuôi rồi đi bán trứng giùm. Nhiều nhóm ghê, tự nhiên nó làm mình thấy yêu đời trở lại.”

Theo bà Hường, các bạn thiện nguyện viên đa phần là những sinh viên, cựu sinh viên và học sinh phổ thông, nhìn chung là nhiều thành phần. Họ là những thành viên của một tổ chức phi chính trị, phi tôn giáo, mục tiêu họ luôn hướng đến những việc bổ ích và ý nghĩa. Trong đó, giúp đỡ người khó khăn, chia sẻ những tổn thất về vật chất cũng như tinh thần của các bạn đồng trang lứa nhưng có hoàn cảnh nghèo khó, chật vật và làm tất cả những gì trái tim và khối óc mách bảo họ nên làm, họ làm việc hăng say và rất vô tư.

"Tụi nó làm thiện nguyện phi tôn giáo phi chính trị. Có nhóm nó còn nhận bảo trợ, cuối tháng nó đem tiền, gạo đến cho gia đình họ. Có gia đình thì nó đem gà tới cho họ nuôi rồi đi bán trứng giùm. Nhiều nhóm ghê, tự nhiên nó làm mình thấy yêu đời trở lại"-Bà Đỗ Hồng Hường

Nhìn họ làm việc khiến bà nhớ đến những tháng ngày tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và ước mơ của bà, ví dụ như họ dầm mưa dãi nắng, không quản ngày đêm, không ngần ngại mời khách mua dưa và không thấy mệt mỏi hay phiền toái mỗi khi có ai đó đến lân la hỏi chuyện, nói chuyện rất lâu, cần chia sẻ thông tin. Với bà, giữa xã hội nhiễu nhương này, khi mà con người đối xử với nhau thô thiển, vô cảm, vẫn có những bạn trẻ quên mình vì niềm hy vọng và chén cơm của người khác đang khó khăn, thật là không còn gì đáng quí và đáng mừng hơn.

Bởi điều này hứa hẹn một tương lai tốt cho quê hương, cho dân tộc. Điều này nói lên rằng giữa hàng triệu gai độc vẫn còn những hạt mầm lành tính và những hạt mầm này sẽ đâm chồi, nảy lộc, làm đẹp khu vườn yêu thương của con người Việt Nam, điều này giúp cho một doanh nhân như bà thấy hy vọng và thấy rằng mọi nỗ lực kiếm tiền của mình có ý nghĩa, có niềm vui và nỗi kiêu hãnh riêng.

Một bạn thủ lĩnh của một nhóm thiện nguyện, yêu cầu giấu tên, chia sẻ với chúng tôi rằng mùa dưa năm nay đã giúp cho bạn cũng như các thiện nguyện viên khác thấy mình lớn hơn và cừ khôi hơn nhiều. Niềm vui cũng được nảy nở. Một ngày trôi qua với hàng ngàn lần mời chào khách, người qua đường có thể dừng lại để mua, cũng có thể dừng lại vì tò mò, vì tấm băng rôn các bạn ghi có nội dung lạ: “Điểm bán nông sản giúp bà con nông dân Quảng Nam bị ngập lụt”.

Và có một kinh nghiệm khiến các bạn trong nhóm đều thấy xúc động là phần lớn khách hàng cũng là người nghèo, từ người bán vé số đến người buôn ve chai, bán bánh mì, buôn rau hành… Tất cả họ đều thuộc nhóm nghèo khổ nhưng lại rất sẵn lòng bỏ tiền ra mua giúp cho bà con bị ngập lụt. Điều này làm các bạn nghiệm ra được một triết lý nhỏ mà ai đó từng nói về đôi bàn tay.

Giữa xã hội nhiễu nhương này, khi mà con người đối xử với nhau thô thiển, vô cảm, vẫn có những bạn trẻ quên mình vì niềm hy vọng và chén cơm của người khác đang khó khăn, thật là không còn gì đáng quí và đáng mừng hơn

Bạn này nói rằng đôi bàn tay con người, nói cho nhiều nhưng chung qui nó chỉ giới hạn trong ba khả năng: úp, ngửa và phủi. Ví dụ như khi bạn giàu sang, sung túc hoặc không giàu sang sung túc nhưng bạn giàu tấm lòng, bạn sẵn sàng chìa tay ra, úp xuống một bàn tay khác đang ngửa ra chờ đợi để bạn chia sẻ một chút hơi ấm yêu thương.

Trong một lúc nào đó giữa cuộc đời, bạn thấy mình trống trãi, cô đơn, sự nghèo khó vây bủa khiến bạn chới với, bạn ngửa bàn tay giữa cuộc đời và mong có một bàn tay biết chia sẻ khác đến úp vào tay bạn một chút hơi ấm chia sẻ giữa con người với nhau để bạn tiếp tục tồn tại và hy vọng.

Nhưng cả úp và ngửa, cả hạnh phúc và khổ đau, cuối cùng vẫn không tránh khỏi phủi hai bàn tay vào nhau, phủi những hạt bụi cuối cùng trong lòng bàn tay để tiễn người thân về với đất mẹ. Và tiếng phủi tay như một lời tiễn biệt cuối cùng.

Chính vì giới hạn của bàn tay nên các bạn cố gắng chìa ra, úp chút hơi ấm của mình xuống bàn tay đồng loại. Với các bạn, đồng loại mỉm cười, đồng loại thấy tay các bạn còn ấm thì các bạn sẽ rất vui và sẽ thấy rằng tuổi trẻ của mình đẹp và ý nghĩa biết nhường nào!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/youth-help-farm-sel-wtrmelon-04062015074445.html/04062015-youth-help-farm-sel-wtrmelon.mp3

No comments:

Post a Comment