Tại phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi sáng 07/04/2015, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã đặt câu hỏi liệu một số tội mới phát sinh rất nguy hiểm cho xã hội như tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức lối sống... có thể cấu thành tội phạm hình sự không.
Trả lời câu hỏi này, đại diện ban soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, được báo chí trong nước trích thuật nói rằng dự thảo bộ luật hình sự tuy không có các điều khoản riêng quy định đối với các tội trên, nhưng với những hành vi tội phạm cụ thể thì đã được điều chỉnh trong các điều luật quy định với từng tội danh cụ thể.
"Về vấn đề suy thoái đạo đức cũng quy định rất đầy đủ với các tội danh khác nhau trong luật hiện hành. Còn liên quan đến lợi ích nhóm, vì lợi ích nhóm mà hối lộ, mà chạy chọt cái này cái khác thì nội hàm nằm trong nhóm tội về kinh tế và tham nhũng.
"Dự thảo luật lần này mạnh dạn đề nghị quy định truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân thì cũng giúp xử lý vấn đề lợi ích nhóm về tính chất tổ chức," ông Hà Hùng Cường được báo mạng VnEconomy trích thuật nói.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đều đã từng nêu ý kiến, quan điểm của mình về vấn đề lợi ích nhóm.
Ý kiến lãnh đạo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói cần phân biệt 2 nhóm lợi ích khác nhau
Nói về lợi ích nhóm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng tỏ ý không hài lòng về chuyện từ điển tiếng Việt "chưa có một định nghĩa đầy đủ" về cụm từ "lợi ích nhóm", khái niệm đang khiến dư luận trong nước rất quan tâm nhân lần tới thăm cử tri tại Hải phòng hôm 4/12/2012.
Theo tường thuật của Đài truyền hình nhà nước, VTV, tại cuộc tiếp xúc cử tri đó Thủ tướng Dũng đã nhắc tới việc cần phân biệt hai loại nhóm lợi ích.
"Nhóm lợi ích là những nhóm người có chức có quyền, câu kết với nhau, vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích chung và lợi ích cuả người khác".
"Tuy nhiên, nếu đó là nhóm lợi ích mà đem lại lợi ích chung, không vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước và cá nhân thì phải phân biệt và ủng hộ," ông Dũng nói, theo tường thuật của VTV.
Báo Thanh Niên cũng trích dẫn định nghĩa riêng của Thủ tướng Việt Nam về lợi ích nhóm.
"Tôi có thể giải thích cơ bản thế này, lợi ích nhóm là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân."
Ông Dũng nói tiếp: "Tôi khẳng định một lần nữa, chúng tôi kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội. Việc hợp tác, liên kết để giúp nhau làm giàu chính đáng là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của anh mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng."
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi cán bộ đảng viên chống bè phái, lợi ích nhóm, tránh bị lợi ích cám dỗ.
Cũng liên quan tới lợi ích nhóm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo Tiền Phong online trích dẫn nói tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc công tác tổ chức xây dựng Đảng ngày 29/1/2015 rằng thực tế có nhiều sức ép, nhiều cú điện thoại, thư từ này kia, lợi ích cục bộ, cá nhân…
"Các đồng chí phải dám can ngăn những việc làm không đúng, chống bè phái, lợi ích nhóm và không bị lợi ích nào cám dỗ. Không để quan hệ cá nhân, thân quen chi phối mà không khách quan..." ông Trọng nói.
Về phần mình, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang cũng đã từng nêu quan điểm về xử lý vấn nạn lợi ích nhóm và tham nhũng nhà nước. Trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12 năm 2013, ông kêu gọi cử tri mạnh dạn hợp tác với lãnh đạo trong việc này.
Ông nói: “Các đồng chí có quyền chất vấn chúng tôi, chất vấn mạnh hơn nữa. Mong là các đồng chí về phường, quận cũng làm tương tự như vậy. Cứ nói thẳng, nói thật, công khai, minh bạch.
Chủ tịch Trương Tấn Sang thúc giục cử tri hợp tác với lãnh đạo trong việc xử lý vấn nạn lợi ích nhóm.
"Chúng tôi phải đấu tranh nhưng trách nhiệm nặng nề hơn các đồng chí, khi cần phạt phải phạt mạnh hơn các đồng chí. Chúng tôi sẵn sàng nhận những hình phạt đó, không có gì phải né tránh”, ông Chủ tịch nước được báo trong nước trích dẫn.
Trước những bức xúc xung quanh vấn đề lợi ích nhóm đồng thời "để trao đổi cùng với các nhà khoa học, nhà quản lý, các đồng sự và đông đảo bạn đọc" Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã cho ra mắt cuốn sách "Lợi ích nhóm - Thực trạng và Giải pháp" với các nội dung cơ bản như sau:
- Bản chất, tác động của lợi ích nhóm đến xã hội, đất nước và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
- Các dạng thức biểu hiện của lợi ích nhóm và tác hại của chúng.
- Xu hướng phát triển các dạng lợi ích nhóm ở Việt Nam.
- Nguyên nhân tồn tại các loại lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay.
- Lợi ích nhóm và vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
- Giải pháp hạn chế tác hại của lợi ích nhóm trong tổng thể các giải pháp chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Quy định mới về quyền tự do dân chủ
Ngoài vấn đề về lợi ích nhóm, cũng tại phiên họp của Ủy Ban Thường vụ QH về Dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết một trong nhiều tội phạm mới có liên quan đến các quyền tự do dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp.
"Chúng tôi đã mạnh dạn quy định tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, biểu tình của người dân. Sau này khi có luật Trưng cầu ý dân, Biểu tình, Báo chí sửa đổi..., ai cản trở những quyền này của người dân sẽ bị xử lý", ông Hà Hùng Cường được Vietnamnet trích thuật nói.
"Như vậy là lạm dụng quyền tự do ngôn luận, biểu tình cũng bị trừng trị, mà cản trở người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận, biểu tình đúng pháp luật, cũng bị trừng trị".
Có nghĩa Dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung một tội mới "xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân" nhưng giữ nguyên tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", vốn là điều 258 trong Hiến pháp hiện hành, nay sẽ là điều 342 trong dự thảo.
No comments:
Post a Comment