Tuesday, April 7, 2015

Hồi ức Việt Nam

Hà Trinh
Theo RFA-2015-04-07
NYC152100.jpg
Sông Sài Gòn tháng 4/1975- Hiroji Kubota/Magnum Photos

Những hồi ức về Việt Nam, với tôi, là những hồi ức buồn.

Hơn hai mươi năm rời xa quê hương, mỗi khi giấc mơ Việt Nam trở về trong tôi, nó chỉ nhuốm toàn nỗi buồn, niềm lo sợ, đến mức nó có thể đánh thức tôi vào lúc nửa đêm. Rồi, tôi chỉ biết nằm thao thức, miên man suy nghĩ về những điều đã xa vẫn ám ảnh tôi như mới hôm nào.

Cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt khi tôi vừa chín tuổi. Sài Gòn khi ấy, tháng Tư 1975, náo loạn bởi tiếng bom rơi, tiếng đạn nổ chát chúa, trong sự hoảng loạn của một thành phố hoa lệ. Tôi không quên nổi hình ảnh mẹ tôi, một người đàn bà trẻ mới ngoài ba mươi, đang ôm đứa em gái đỏ hỏn vài tháng tuổi của tôi, ngồi khóc nức nở. Tôi không quên được hình ảnh bà nội tôi, già yếu tóc bạc trắng xóa, nắm lấy tay bố tôi, vừa van xin, vừa mắng mỏ bắt ông phải di tản khỏi Sài Gòn, bởi ông là sĩ quan của quân đội miền Nam. Tôi không quên nổi hình ảnh bố tôi, mắt tràn mi năn nỉ bà nội tôi cho ông ở lại vì ông không bỏ được gia đình và cha mẹ già ở quê nhà, khi lệnh di tản cuối cùng chỉ cho một mình ông được phép ra đi. Ông ngoại tôi, như chiếc bóng, ngồi lặng lẽ, bất động trong một góc tối trên ghế sofa. Đôi mắt ông nhìn xa xăm vào một góc nào đó khi bên tai văng vẳng tiếng nói từ trên chiếc radio kêu gọi buông súng đầu hàng.

Trong đêm hai mươi chín tháng Tư lịch sử đó, cả nhà tôi núp trốn trong một cái hầm cá nhân tại nhà. Cái đêm dài lịch sử ấy, tôi vẫn không quên được tiếng bom rơi, đạn nổ, tiếng khóc nức nở của mẹ, tiếng cầu nguyện của bà, tiếng còi báo động xé màn đêm, tiếng gầm rú của những chiếc máy bay phản lực trên bầu trời, rồi tiếng quạt gió xình xịch của những chiếc trực thăng vần vũ trên bầu trời, tiếng bánh xích của những chiếc xe tăng nghiến trên đường nhựa, nghe rào rạo...Tôi không thể nào nhận biết những tiếng đó từ phe ta hay phe Cộng. Tôi chỉ ngồi im lặng nghe lời đoán: quân ta, quân địch của hai ông anh của mình. Và rồi, có lúc tôi lại nghe tiếng thét hãi hùng của những người, có lẽ bị thương đâu đó...

Trong cơn hoảng loạn, tôi bừng hiểu: chiến tranh đã chạm đến Sài Gòn của tôi.

Mới chín tuổi đầu, tôi đã phải tiễn bố tôi lên đường vào trại cải tạo. Bố ôm từng đứa con nhỏ, an ủi, vỗ về, bảo "mấy con chóng ngoan, bố học tập chừng một tháng sẽ trở về phụ giúp mẹ, bà và bác nuôi dạy tụi con". Bố vỗ vai người anh lớn của tôi, bảo ráng phụ giúp ông  bà, mẹ và bác dạy dỗ các em, làm gương tốt cho các em noi theo. Anh tôi, nước mắt ngần ngật, đong trên khóe mắt, gật đầu. Tôi biết rằng, ở lứa tuổi mười ba ấy, anh tôi chẳng hiểu nổi làm gương tốt là như thế nào để dạy cái đám em đang tuổi lớn, ăn như tằm ăn rỗi.

Mẹ tôi ngồi khóc lặng lẽ, ôm đứa em mới hai tháng tuổi, nhìn bất động vào khuôn mặt măng sữa kia. Bố tiến đến gần, chỉ biết ôm lấy vai mẹ, rồi đưa tay đỡ đứa bé, xiết chặt vào lòng. Đứa em tôi vẫn thiêm thiếp ngủ sau khi no sữa mẹ.  Trao em lại cho mẹ, bố quay đi, lầm lũi ra ngoài đầu xóm. Cả nhà tôi, lủi thủi đi theo bố trông như một đám tang buồn.

Một người lính bộ đội Bắc Việt cầm súng, nhìn bố tôi thúc giục, leo lên chiếc xe cam nhông bít bùng. Trên đó đã có những con người ngồi co ro, cúi mặt. Bố chỉ xách chiếc ba lô quân đội, trong đó chỉ gói ghém vài bộ đồ, những vật dụng cần thiết cho "một tháng học tập". Bố lặng lẽ lên xe, không quay đầu lại. Chiếc xe lăn bánh khi tấm bạt phủ xuống. Cuộc đày ải bắt đầu!  Bố đi suốt mười năm biền biệt...

Làm sao tôi quên được!

Miền nam sau tháng Tư 1975 oằn mình thay đổi. Sài Gòn cũng rướm máu đổi thịt thay da. Tôi còn quá nhỏ để có thể làm một cuộc so sánh, dẫu chỉ mang tính ước lệ của cái thủ đô từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn đông" với thành phố Hồ Chí Minh, nơi tôi đang sinh sống. Chỉ biết một điều tôi không còn được nghe những bản nhạc mình yêu thích, không được đọc các truyện tranh dành cho trẻ con, không được mặc áo đầm đi học, không được mẹ cho tiền ăn sáng trước khi đến trường...Và còn nhiều "cái mất", cũng như "cái không" xuất hiện sau khi miền Nam đổi chủ.

Những ngày sau đó, nếp sống náo nhiệt, năng động, ồn ào của một thành phố mệnh danh là thủ đô của miền nam, bất chợt đổi thay, bất chợt khép kín. Mọi người  ra đường lầm lũi, len lén nhìn nhau. Nỗi bất an, nỗi lo sợ đọng trong mắt từng người Sài Gòn. Những nét hào nhoáng của một thủ đô hoa lệ chợt biến đi để thay vào một thành phố ảm đạm, bất an. Những chiếc xe đạp ùa ra đường thay cho những chiếc xe hơi, xe gắn máy. Áo bà ba trở thành loại y phục thường ngày của người Sài Gòn, thay cho chiếc áo dài thướt tha, cổ điển, hay những chiếc quần tây ống loe, chiếc áo đầm hiện đại. Người Sài Gòn khép kín, ngơ ngác, vêu vao. Đường phố Sài Gòn vắng vẻ, đìu hiu, cam chịu.

Hồi ức của tôi về Việt Nam sau ngày thống nhất là những mất mát, những đau thương. Tôi đã chứng kiến những chiến dịch chống tư sản mại bản được phát động trong thành phố. Từng đoàn học sinh, sinh viên được khuyến khích tố cáo những đám người mà chính quyền kết tội là bọn tư bản lũng đoạn kinh tế nước nhà. Để chứng minh lòng yêu nước, lớp thanh thiếu niên mới phải tố cáo họ với chính quyền, cho dẫu những người đó là ông bà, cha mẹ, anh em hay là bạn bè, người thân.

Tôi đã thấy những người bạn tôi, vì rơi trong diện Tư Sản Mại Bản, mà bị đuổi khỏi căn nhà nơi họ sinh sống, bị phân biệt đối xử không chỉ ngoài xã hội mà cả trong học đường. Những cái chết tức tưởi vì bị cướp đất, cướp nhà. Những căn nhà bị đập nát, những đoàn người bị xua đuổi khỏi thành phố về các vùng nông thôn hẻo lánh. Để rồi vài tháng sau, họ, những những con người đó lại âm thầm trở về thành phố, gia nhập vào đám người ăn mày như những thây ma vất vưởng, sống lê la dưới gầm cầu, dưới mái hiên nhà, chỉ mơ một ngày trở lại căn nhà chôn nhau cắt rún mà nay đã thay tên đổi chủ.

Trong lớp học, tôi và các bạn tôi nói về những chuyến vượt biển nhiều hơn là những phương trình toán học. Chúng tôi  xì xào với nhau về những chuyến ra đi của bạn bè nhiều hơn là thảo luận Chủ Nghĩa Marxist, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tôi vui với nhau khi nghe chuyến vượt biên của một đứa bạn thành công, hoặc cầu nguyện cùng nhau khi nghe một đứa bạn mất tích trong chuyến hải hành của nó.  Lâu lâu, trong lớp tôi lại vắng bóng một đứa học trò mà không rõ ly’ do. Nhưng chỉ sau một tuần, chúng tôi có thể kết luận chắc như đinh đóng cột rằng: "Nó dã đi vượt biên rồi". Rồi một tháng sau, cô giáo hay thầy giáo chúng tôi lại "buồn rầu", "long trọng" báo tin cho đám học trò biết rằng: "Em X sẽ không đến lớp nữa."  Đám học trò lại hùa nhau đồn thổi tin tức vượt biển thành công hay mất tích của đứa bạn. "Hôm nay còn đây, mai đã ra đi" trở thành một hiện tượng bình thường trong quãng đời học sinh của thế hệ chúng tôi.

Tin đồn thổi về những nạn nhân của Khờ me Đỏ bay đến tai chúng tôi ngày một nhiều, dẫu rằng chính quyền ra sức che giấu. Không một tờ báo chính thức nào của nhà nước thông báo tin người dân Việt Nam đang bị bọn Khơ-me đỏ giết hại tàn bạo bên kia bên giới. Xác chết thả trôi trên hồ Tông-Lê-Sáp, trôi theo dòng Cửu Long về đến Việt Nam.  Cho đến khi chiến tranh thật sự nổ ra ở dọc Tây Ninh, người dân mới giật mình hoảng sợ. Mùi tử khí của cuộc chiến hai mươi năm tương tàn chưa tan hết, lại đến cuộc chiến tranh giữa "những người đồng chí anh em quốc tế".

Tôi không thể nào quên về một người bạn kể chuyện lúc anh làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Anh đã rưng rưng nước mắt khi kể về sự tàn ác của quân đội Khơ Me đỏ tàn sát dân Khơ Me cũng như dân Việt mà anh chứng kiến.  Chúng tôi cùng sùi sụt theo lời kể của anh. Để rồi vài tháng sau, chúng tôi lại nhận tin anh hi sinh trên chiến trường Cam Bốt. Chúng tôi đã reo vui khi nghe Campuchia giải phóng, rồi lại  nhức nhối khi nghe tin bạn mình đã bỏ mình trên đất bạn.

Những ai vào tuổi tôi, có lẽ sẽ chẳng quên về Sài Gòn với những ngày sôi động vào chiến dịch đổi tiền. Đồng tiền ngày hôm qua có thể mua được một chiếc xe Honda, ngày hôm sau không mua nổi một bó rau lang, rau muống. Thứ chiến dịch ăn cướp đó đã đẩy biết bao người lao đầu qua thành cửa sổ, chết tức tưởi vì của cải mình gom góp hàng chục năm, trong một đêm đã tan tành mây khói. Nhưng chính nhờ nó, qua bàn tay ảo thuật của những kẻ đẻ ra nền kinh tế đổi tiền đó, lại trôi vào trong túi của những người nắm giữ chức danh, quyền thế. Chỉ trong một đêm, hắn đang là một anh bộ đội chân mang dép râu, đầu đội mũ cối, hút thuốc rê nâu, bỗng chốc hóa thành một thứ quan viên giàu sụ. Trong cái tranh tối, tranh sáng của một thể chế kinh tế "vật đổi sao dời" đến chóng mặt kia, đạo đức xã hội chuẩn mực mà người Sài Gòn được thừa hưởng từ cha ông ngàn năm xây dựng, phút chốc biến thành thứ đạo đức lừa thầy, phản bạn, chém chúa, lộn chồng của một xã hội hỗn loạn, nhiễu nhương, khi ăn cướp trở thành một chính sách.

Vẻ đẹp Sài Gòn chỉ còn trong cổ tích.

Hồi ức Việt Nam của tôi là một mảng tranh buồn màu xám.  Bởi khi tôi ra đi còn biết bao điều dang dở, méo mó ở sau lưng. Ngày ra đi, phía trước tôi là đường tương lai mờ mịt, sau lưng tôi là quá khứ tối tăm của một thế hệ bị quăng bên lề xã hội. Chúng tôi đã sống như thứ hình nhân câm nín, một thứ công dân hạng hai.Luôn luôn được nhắc nhở rằng hơi thở mà chúng tôi đang có được là nhờ ơn cách mạng khoan hồng. Thế hệ chúng tôi chỉ là lớp vỏ đệm của những biến cố lịch sử ở Việt Nam sau cuộc chiến "một mất một còn" giữa những người chung dòng máu Lạc.

Dẫu thế nào, tôi vẫn mơ có một ngày quê hương sẽ rũ bỏ hết những vết thương quá khứ. Những vết thương cần khép miệng để lành hẳn theo thời gian. Ta cần phải làm hòa với quá khứ để đi tiếp ở hiện tại và ở tương lai. Không chỉ thế hệ tôi, thế hệ trước tôi, thế hệ sau tôi, sẽ tiếp nối không còn ranh giới. Cái ranh giới: địch và ta sẽ không còn tồn tại.  Cho dẫu lịch sử Việt đã ghi dấu đất nước bao lần chia cắt, nhưng người Việt Nam vẫn luôn hướng về nhau với tấm lòng sắt son: máu chảy, ruột mềm.

Gần bốn mươi năm kết thúc cuộc chiến tranh tương tàn lịch sử. Dấu vết chiến tranh đã không lại gì trên những vùng đất giao tranh xưa. Sự sống hồi sinh sau bao năm tháng người dân Việt phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Có mấy ai nghĩ nhiều về những người đã nằm xuống. Có thể nào, chúng ta hi vọng một ngày, sẽ thấy một nơi chốn được dựng lên trên nền đất Việt, để con cháu Việt đời sau, được đến nơi, được tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam cho dẫu họ ở bên này hay bên kia chiến tuyến.  Người ta không ai biết chắc có bao nhiêu người đã mất trong cuộc chiến này. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, tất cả những con người đó chỉ hy sinh cho điều duy nhất: lòng yêu quê hương và sự trường tồn của dân tộc.

California, ngày 9/2/2015

No comments:

Post a Comment