Các kiến trúc Trung Quốc trên bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động lấp biển lấy đất tại những đảo nhỏ mà Bắc Kinh chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Theo VOA-20.04.2015
Tổng Thống Philippines Benigno Aquino loan báo chính Hà Nội là phía đã đưa ra đề xuất hình thành một đối tác chiến lược mới với Philippines, mà hai nước đang thương thuyết để chống lại ‘các hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo quy mô của Trung Quốc trong Biển Đông’.
Nhà lãnh đạo Philippines đưa ra bình luận vừa kể trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo South China Morning Post, khi nói đến hợp tác chiến lược với Việt Nam, một nước mà theo tờ báo này, "trong suốt chiều dài lịch sử đã có quan hệ thù nghịch với Trung Quốc".
Tổng Thống Aquino nói rằng những chi tiết của một hiệp định hợp tác chiến lược vẫn đang trong vòng hình thành, và cho tới thời điểm này, ngày ký kết vẫn chưa được ấn định.
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Raissa Robles của tờ South China Morning Post, Tổng Thống Aquino nói khi có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với một đối tác chiến lược, thì luôn luôn “có chỗ đứng cho một cuộc đối thoại dựa trên lẽ phải hơn là phản ứng bằng cách xác định lợi ích quốc gia riêng rẽ của mỗi nước".
Philippines vốn đã có quan hệ liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về điều mà họ cho là những hành động bành trướng tại Biển Đông. Hồi đầu tháng này, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris Jr., đã bày tỏ hoài nghi về các ý đồ của Trung Quốc khi cho xây điều mà ông mô tả là “Vạn lý Trường Thành bằng Cát” trên Biển Đông.
Tổng Thống Philippines Benigno Aquino loan báo Hà Nội là phía đã đưa ra đề xuất hình thành một đối tác chiến lược mới với Philippines để chống lại các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tờ báo Hoa Nam Buổi Sáng hôm nay tường thuật rằng cuộc tranh chấp Biển Đông đã trở thành một đề tài gây căng thẳng chính trị giữa các nước trong vùng, với những tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa 6 nước, kể cả Việt Nam, chủ yếu tập trung quanh các quyền khai thác hải sản và dầu hoả.
Trung Quốc một mực khẳng định rằng hầu hết vùng Biển Đông trong phạm vi đường 9 đoạn - do chính Bắc Kinh vẽ ra - là thuộc chủ quyền ‘không thể tranh cãi của Trung Quốc. Sự kiện này đã đẩy Philippines tới quyết định yêu cầu Toà án Trọng tài Quốc tế phân xử cuộc tranh chấp, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Theo dự kiến, Toà án quốc tế tại La Hayes sẽ ra phán quyết trong vòng 6 tháng nữa hoặc vào đầu năm tới. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện này, và có phần chắc sẽ không chấp nhận phán quyết của Toà án quốc tế.
Đề cập tới tin này hôm nay, trang mạng của GMA nói rằng Philippines và Việt Nam đang hoàn tất những chi tiết cuối cùng của một hiệp định đối tác chiến lược. Nguồn tin này dẫn lời Bộ trưởng Truyền Thông Philippines Herminio Coloma cho hay hai nước đang làm việc để xác định những chi tiết của quan hệ đối tác chiến lược đã được đề nghị.
Tin GMA nhắc lại rằng hồi đầu năm nay, Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario ở Manila, và trong cuộc gặp này hai bên đã đồng ý củng cố quan hệ song phương.
Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario tại Manila (Ảnh tư liệu).
Một khi ký hiệp định đối tác chiến lược, Philippines và Việt Nam sẽ củng cố hơn nữa các quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.
Trang tin tức của GMA còn cho biết Trợ lý Ngoại Trưởng Philippines Luis Cruz tiết lộ tại một cuộc họp báo khác rằng Hà Nội đã đề nghị mở một cuộc họp song phương với Philippines trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tuần tới.
Ông Cruz nói thêm rằng nếu cuộc gặp song phương nay diễn ra, thì các động thái mới nhất của Trung Quốc trong Biển Đông chắc chắn sẽ đứng đầu trong nghị trình làm việc của hai nước.
Trong tuyên bố chung được đưa sau cuộc hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino hôm 21/5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế và ‘đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực’.
Tổng Thống Philippines nói thế giới đang theo dõi xem Trung Quốc làm gì. Ông nói thêm rằng cổ vũ cho ổn định khu vực, đặc biệt ở Biển Đông, phù hợp với các lợi ích của Trung Quốc, vì Biển Đông mà Philippines gọi là biển Tây Philippines, nằm trên tuyến hàng hải nơi 40% thương mại thế giới phải đi ngang, và sự ổn định tại đây sẽ giúp Trung Quốc cải thiện nền kinh tế của nước họ.
Nguồn: Globalnation, South China Morning Post, GMA.
No comments:
Post a Comment