Máy bay chiến đấu F/A 18 Super Hornet trên boong tàu sân bay USS George Washington trong cuộc diễn tập hải quân chung tại vùng biển ngoài khơi miền nam Nhật Bản (Ảnh tư liệu).
20.04.2015
Chính phủ Mỹ và chính phủ Nhật Bản đang cứu xét khả năng thực hiện các cuộc tuần tiễu chung ở Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc ngày càng tăng cường các hoạt động lấn át các nước nhỏ trong vùng biển này.
Báo The Japan Times số ra ngày hôm nay, 20 tháng Tư, trích các nguồn tin thông thạo về các vấn đề Biển Đông. cho biết như thế. Bài báo nói mục tiêu của sáng kiến đó thứ nhất, là nhằm đảm bảo sự ổn định của các tuyến hàng hải thiết yếu cho thương mại quốc tế, và thứ hai, buộc Trung Quốc phải tự chế trong các hành động có tính khiêu khích tại khu vực này.
Trong tình hình Nhật Bản và Trung Quốc đã tranh chấp với nhau về chủ quyền quần đảo Senkaku, việc nới rộng phạm vi hoạt động của các Lực lượng Tự Vệ Nhật Bản, có phần chắc sẽ gây phản ứng mạnh của Trung Quốc, nước đã tuyên bố chủ quyền tại quẩn đảo Senkaku mà không có người ở mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư, và Đài Loan gọi là Điếu ngư Đài.
.Kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản liên quan tới các cuộc tuần tiễu chung ở Biển Đông bao gồm hợp tác về việc nâng cao nhận thức về chủ quyền các vùng biển, khả năng giám sát bằng vệ tinh các hoạt động trên biển để bảo vệ an ninh cho các hòn đảo hẻo lánh, và các tuyến hàng hải, trong khi hai nước cập nhật những quy tắc hướng dẫn hợp tác quốc phòng vào cuối tháng này.
Nhật Bản vẫn sử dụng các tuyến đường biển ở Biển Đông để nhập khẩu dầu thô thiết yếu cho nền kinh tế nước này Một giới chức quốc phòng Nhật nói vì lý do đó, Nhật Bản có nghĩa vụ đóng góp thực hiện kế hoạch này để bảo đảm ổn định khu vực.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đang có tiến bộ trong việc tạo ra một khung sườn pháp lý cần thiết để thực hiện công tác tuần tiễu và giám sát Biển Đông. Trong chiều hướng đó, chính quyền của Thủ Tướng Shinzo Abe đã tu chính luật quy định hoạt động của Lực lượng Tự Vê Nhật Bản, để cho phép lực lượng này bảo vệ các tàu chiến Mỹ, trong trường hợp khẩn cấp.
Kịch bản xấu nhất: điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc thách thức một cuộc tuần tra chung hay một sứ mạng theo dõi của đồng minh Mỹ-Nhật? Liệu cuộc va chạm có leo thang để trở thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long:
“Tôi nghĩ trước khi có sự xung đột quân sự rộng lớn hơn, thì Mỹ và các đồng minh của Mỹ có thể dùng các biện pháp khác, một trong những biện pháp hiệu quả nhất, theo tôi, là vấn đề giảm thiểu buôn bán với Trung Quốc, rồi nếu Trung Quốc cứ tiếp tục tăng cường thì có thể đi đến cấm vận kinh tế đối với Trung Quốc, thành ra có rất nhiều bước trước khi Mỹ, hay là đồng minh của Mỹ, đụng chạm với Trung Quốc.”
Tại một buổi họp ở Tokyo hôm 8 tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định Tokyo và Washington sẽ chống đối bất cứ âm mưu nào dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
No comments:
Post a Comment