Riêng Mẹ Việt Nam Anh Hùng được đưa về nơi mới to lớn và hùng vĩ, lúc đầu bà cũng thấy vui khi thấy con cháu còn nghĩ tới mẹ. Nhưng khi đã ở chót vót trên đỉnh cao, sực nghĩ lại thấy mình đang ngồi trên một tài sản trị giá đến 411 tỷ đồng, bà cảm thấy xấu hổ và đau lòng. Xấu hổ vì Bà biết đất nước còn nghèo, bệnh viện, trường học còn thiếu thốn mọi bề. Đau lòng khi Bà nhớ lại thời bà còn là bà mẹ quê, chắt chiu từng lon gạo, nuôi dưỡng để các con khôn lớn, giúp đất nước. Bà đã ước ao dành dụm được 100 đồng trong túi cũng không có.
Ngày khánh thành tượng đài, cờ xí, các bài diễn văn ca ngợi, bà không để ý đến. Bà nhìn những người đến tham dự, những người tự nhận là con của bà, béo tốt, đang thi đua tìm ra các lời ca ngợi hoa mỹ nhất nói về người Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Bà nhớ lại những đứa con mà bà từng nuôi nấng, nó đâu giống như thế này. Nó đều gầy ốm với những bộ quần áo bạc màu, sờn rách. Và nhất là ánh mắt của tụi nó, bà không bao giờ quên, những ánh mắt nói lên sự chân thật, sự biết ơn đối với mẹ. Còn bây giờ trước bà chỉ có những kẻ khoác lác, ăn mặc tươm tất như cố phô trương vẻ quí phái của một cấp lãnh đạo, những cái bụng phệ, những ánh mắt lờ đờ qua những đêm ăn nhậu trác táng, hoặc những ánh mắt gian xảo như đang dò tìm những nơi chúng có được tiền bạc hay quyền lực. Tuy đã già, Bà vẫn cảm nhận được những lời nói giả dối kia và hiểu chúng đặt bà đứng đây để che bóng cho bọn chúng, bà muốn khóc !
Ngày qua ngày, bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng vẫn phải tiếp tục đứng sừng sững giữa trời, chân chôn chặt vào tảng đá, mắt nhìn về chân trời xa xăm, như một diễn viên tuồng để các khách đến chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm một tượng đài vĩ đại.
Một buổi chiều nọ, khi bà mệt mỏi nhìn những người khách cuối cùng của đoàn thăm quan ra về. Trong ánh sáng mờ nhạt của buổi chiều tối, bà chợt nhìn thấy một người đàn ông đã luống tuổi, ăn mặc xuềnh xoàng, từng bước khó nhọc, ông chống gậy đến gần tượng đài. Đặt túi vải cũ trên vai xuống, ông không ngước lên nhìn bà và trầm trồ, khen ngợi như các người khác, ông khẽ đặt tay lên tảng đá đang chôn cứng bà, nhìn thực lâu vào tảng đá, dường như trí nhớ của ông đang đưa về một thời xa xưa nào đó, ông đã có một bà mẹ để được thương yêu... Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã lâu lắm rồi mới cảm thấy sự chân thật và trong không gian tịch mịch, bà cảm thấy lòng như ấm lại, bà buột miệng hỏi, giọng thì thào như gió thoảng:
- Con chắc từ xa đến phải không?
Người đần ông giật mình, ông ngước mắt nhìn lên, bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng như vừa nở nụ cười thân thiện.
-Vâng, con từ thành phố Phóng Thanh ở phía bắc, xa lắm.
- Thành phố tên lạ quá Mẹ không biết rồi.
- Thành phố sau giải phóng mới có tên mới, vì sáng nào loa phóng thanh trong thành phố được mở thật to để đọc tin, hô khẩu hiệu... Ngày như mọi ngày, dân thành phố cũng quen. Có người nghe tai này cho qua tai kia, có người, nhất là cấp lãnh đạo, nghe qua tai sau đó cho ra bằng mồm, lập lại y những gì loa nói, thế mới có tên là thành phố Phóng Thanh. Mẹ không tin cứ đến hồ Gươm trong thành phố con là biết!
- À, Mẹ biết rồi. Chỗ mấy ông Tổng bí Thư, Chủ Tịch này nọ ở đấy mà. Thế họ lúc này làm ăn thế nào, kinh tế có khá không? So với các nước láng giềng thì sao?
- Kinh tế quốc gia cứ ỳ à, ỳ ạch, tham nhũng đầy rẫy cả ra. Hết vay mượn vốn chỗ này rồi đến chỗ khác. Đất đai, biển đảo bị lấn chiếm. So sánh với các nước láng giềng thì xấu hổ lắm. Còn các ông cấp lãnh đạo, người nào người ấy giàu kinh, ngai vàng, ngà voi, hàng khủng... chả thiếu thứ gì!
Người nào lên tiếng đòi thay đổi là đảng, nhà nước đánh đập, giam cầm. Khối người là tù nhân lương tâm, được các tổ chức trên thế giới can thiệp để trả tự do cho họ nhưng chả đến đâu!
Bà mẹ buồn rầu, nói lảng sang chuyện khác:
-Thế con thì sao? Dường như con bị thương tật gì thì phải?
- Chẳng giấu gì mẹ. Con là con út trong gia đình có ba anh em trai. Con tính hay nói thẳng, nên ở nhà hay gọi con là thằng Ruột Ngựa. Hai anh con đi bộ đội đã hy sinh. Mẹ con thương con lắm, vì con là út, lại là đứa trẻ nhút nhát. Khi con đi bộ đội, lên đường vào Nam, mẹ con cứ dặn đi dặn lai: "Ruột Ngựa à, mẹ đã có hai anh con hy sinh, như vậy đủ rồi. Con khi ra trận thấy không xong thì phải bỏ chạy thực nhanh. Con có gì mẹ đau lòng lắm, không sống được đâu. Cố gắng sống còn trở về thăm mẹ con nhé".
Nghe lời mẹ, con cố gắng tập chạy, ra trận chỉ bắn vài phát súng là con bỏ chạy. Trong cuộc Tổng tấn Công Tết Mậu Thân, con bỏ cả súng ống chạy. Con chạy quá nhanh, vượt qua cả ông chỉ huy, người bỏ chạy trước. Chỉ mình con chạy thoát về được căn cứ, nhưng phải cưa đi một chân vì bị thương, còn đồng đội trong tiểu đoàn con, chậm chân quá nên hy sinh cả. Sau đó lãnh đạo đảng, nhà nước gắn cho con bao nhiêu là huy chương, đeo còng cả lưng. Con là thương binh, và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đấy mẹ! Khi con trở về quê cũ, mẹ con đã mất hơn một tháng. Con chỉ còn biết ra thăm mộ mẹ, đặt bàn tay lên ngôi mộ đất vừa đắp, mắt nhìn vào đấy, để gửi cho mẹ con lời nói không thể thoát ra được trên vành môi "Mẹ ơi, con đã về đây..."
Hiện nay con chỉ trông nhờ vào tiền trợ cấp nên cuộc sống cũng chật vật lắm! Ai sống bằng trợ cấp và lương đều có khó khăn cả, chỉ có cấp cao họ có thêm bổng lộc thì giàu có hơn nhiều lắm!
Bà mẹ thở dài:
- Họ nói xóa bỏ GIAI CẤP, nhưng sao giàu nghèo cứ mỗi ngày mỗi cách biệt?
- Cả bao nhiêu triệu người hy sinh trong cuộc chiến, họ bảo mới chỉ xóa được chữ GIAI thôi. Trước có giai cấp tư bản bóc lột, bây giờ chỉ có cấp lãnh đạo, cấp thủ trưởng. Giai cấp tư bản nếu làm ăn kém thì bay chức, về vườn đuổi gà. Còn đổi sang cấp lành đao, cấp thủ trưởng làm ăn lèm nhèm còn được lên chức, giàu có thêm!
Bà mẹ chép miệng, hỏi thăm chuyện khác:
- Con có việc gì gấp, sao phải đi lúc tối trời vậy?
- À, con vào Nam, thành phố Còi Hụ ấy, thăm một anh bạn.
Thành phố là nơi du lịch, các ông lãnh đạo sáng nào cũng kéo còi hụ để dân dậy sớm, nghe loa phóng thanh. Bọn Tây ba lô nghe còi hụ, giật nẩy cả mình, sau đó thì cười sằng sặc, vui quá, giống như trong phim ảnh thời thế chiến thứ hai!
Anh bạn con, vốn là chiến sĩ VNCH, anh bị thương trong trận hải chiến Hoàng Sa với Trung Quốc. Con gặp anh ấy khi cùng tranh giải bóng bàn cho người khuyết tật. Con thì còn có tiêu chuẩn nhà nước cho. Anh ấy không được gì, nên phải đi theo tàu cá để kiêm sống. Vừa rồi, con hay tin tàu anh bị Trung quốc cướp bóc, anh bị đánh vỡ cả đầu. Đảng và nhà nước chỉ nói phét, chả bảo vệ được ngư dân mình. Con thương anh lắm, vào thăm để an ủi.
Bà mẹ ngậm ngùi
- Mẹ trước kia chỉ là bà mẹ quê, chữ nghĩa chả có là bao. Sống trong làng, nhiều chuyện xảy ra đảng dấu kín như bưng, đâu có hiểu được những người lính miền Nam khi xưa đã hy sinh nhiều cho lý tưởng tự do cho dân tộc. Nghe chuyện con vừa kể, mẹ thấy tội anh bạn con quá!
- Vâng, anh bạn con cũng thành thật nói chế độ hiện tại tham nhũng, cửa quyền tệ hại hơn nhiều lắm.
Hôm nay, trên đường về nhà, con lỡ một chuyến xe nên đi bộ tới làng gần bên để ngủ qua đêm. Khi đi qua chỗ mẹ đứng, nhớ đến mẹ, con ghé vào thăm. Thôi trời đã tối, con phải về, Mẹ đi nghỉ, con về mẹ.
Bóng người đàn ông lùi dần vào bóng đêm. Bà mẹ buồn rầu nhìn theo. Người thương binh đã mang đi một không khí ấm cúng, gần gũi, để bà ở lại lẻ loi một mình trong tượng đài hoành tráng nhưng lạnh lẽo như ngục tù. Rồi ngày mai bà lại vẫn tiếp tục đứng, mình bị buộc chặt vào tảng đá, không một cử động, không một cảm xúc để làm hình tượng cho khách thăm quan. Bà cảm thấy đau nhói trong tim. Như mọi tối bà sẽ mất ngủ, thao thức, trăn trở, sao bắt bà giam cầm chốn này để làm biểu tượng, để che giấu cái chế độ thối rữa đầy dối trá, bất công, tham nhũng. Các con bà hy sinh cho xã hội như thế này ư?
Càng suy nghĩ bà càng thấy cơn giận trong lòng tăng lên, bà phải thoát khỏi chỗ này, chổ ngục tù của sự chân thật, sự ngay thẳng. Bà cố gắng cử động đôi chân đang chôn vùi trong khối đá lớn. Bằng tất cả sức mạnh của bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng qua bao nhiêu thế hệ, sức mạnh của lòng căm phẫn với chế độ độc tài, dối trá, tham nhũng. Bằng sức mạnh của những linh hồn đang cuồng nộ của những người lính trên mọi chiến tuyến đã hy sinh để Việt Nam có một xã hội tử tế hơn, Bà mẹ cảm thấy khối đá dưới chân của mình đang rạn nứt. Bà vùng vẫy với tất cả sức lực còn lại và cảm thấy khối đá bó chặt bà vỡ tan... bà đã thoát ra được, thân thể nhẹ nhàng bay bổng lên cao. Phía dưới chỉ còn lại một hình thù lờ mờ của tảng đá vô tri, đen xẫm.
Bà mẹ tiếp tục bay xa, qua các mảnh vườn, thủa ruộng, qua các đồi, qua các sông, qua các rặng núi. Mặt trời đang ló dạng, chiếu những tia sáng ban mai trên bầu trời xanh thẳm như ngọc bích, Bà mẹ mỉm cười, bà đang biết bà đang bay về đâu, bà không về lại làng quê bà đã sinh sống. Vâng bà đang bay đến với những người đang đấu tranh với bạo quyền mà không một tấc sắt trong tay, những người tù lương tâm như LS Lê Quốc Quân, NS Việt Khang..., để ôm thân thể gầy ốm của họ vào trong vòng tay trìu mến nhất, vòng tay thơm mùi của ruộng lúa quê hương, của một người Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Tại tỉnh Quảng Nam, tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng được che lại. Theo thông báo ngắn của nhà nước cho biết, tạm ngưng việc đến thăm tượng đài vì đang cần tu sửa.
No comments:
Post a Comment