Tuesday, March 17, 2015

Đường cao tốc “hành” dân

17/03/2015 21:22

Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang phải sống chung với khói bụi, nhà cửa hư hỏng và chẳng biết khi nào mới an cư

Trong buổi làm việc mới đây về dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng ra “tối hậu thư” đến cuối tháng 3 này, nếu Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Lotte (Hàn Quốc, một trong những đơn vị trúng thầu của dự án) không đạt yêu cầu tiến độ thì sẽ thay nhà thầu khác.
Chậm vì giá trúng thầu thấp (?)
Nhà thầu Lotte chịu trách nhiệm thi công đoạn đường dài 15 km đi qua huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện việc thi công hầu như chưa chuyển biến gì. “Chúng tôi đã bàn giao xong mặt bằng nhưng việc thi công chỉ cầm chừng do nhà thầu trúng thầu giá thấp quá nên gọi thầu phụ không được” - ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông - Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.
Việc thi công quá chậm khiến người dân bị ảnh hưởng bởi dự án hết sức khổ sở. Ông Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh) cho biết ông đã giao đất cho dự án từ 2 năm trước nhưng chờ hoài không thấy triển khai gì. “Chúng tôi mong dự án sớm hoàn thành để người dân thoát khỏi cảnh bụi bặm, việc đi lại cũng dễ dàng hơn” - ông Thành nói.
Cao tốc mà chậm như rùa!
Không chỉ riêng ở Quảng Ngãi, dự án  này tuyến qua Quảng Nam và Đà Nẵng cũng đang ì ạch. Tại Đà Nẵng, tuyến đường dài khoảng 8 km khởi đầu từ thị trấn Túy Loan đến huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do liên danh Cienco 5 - Cienco 1 thi công. Có 424 hộ dân phải di dời để giao đất cho dự án. Tuy nhiên, sau khi khởi động 1 năm, hiện đơn vị thi công vẫn chưa san ủi được 1 km đường!
 Thi công đường cao tốc qua xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam dang dở vì vướng giải phóng mặt bằng Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Thi công đường cao tốc qua xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam dang dở vì vướng giải phóng mặt bằng Ảnh: TRẦN THƯỜNG
 Anh Bùi Luyến (trú tổ 5, thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho hay trước Tết Ất Mùi, đơn vị thi công mới bắt tay vào đổ đất, san ủi mặt bằng. Sau Tết, nhà thầu cho tăng cường xe chở đất đá khiến môi trường ở đây bị ô nhiễm nặng bởi bụi đất.
Nhiều người dân thôn Thạch Nham Đông cho biết họ sẵn sàng nhận tiền đền bù để di dời, nhường đất cho dự án nhưng sau khi đập phá nhà cửa thì họ không nhận được đất tái định cư. “Thành phố hỗ trợ tiền thuê nhà mỗi tháng 1,5 triệu đồng trong khi tiền thuê thực tế hơn 2 triệu đồng. Tôi đã nhiều lần yêu cầu phải bố trí đất để xây nhà ở nhưng chính quyền nói phải chờ” - cư dân Bùi Thị Yến bức xúc.
Đi không được, ở không xong
Đó là tình cảnh của người dân Quảng Nam “dính” dự án này. Dự án đi qua tỉnh này có 9 gói thầu, trong đó có một số gói thầu thực hiện chậm tiến độ như gói số 5 do liên danh Phương Thành - Thành Phát - Cienco 8 - Cienco 6.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, tính đến đầu tháng 3-2014, toàn tỉnh Quảng Nam đã giải phóng mặt bằng đạt 80%. Tuy nhiên, trên thực tế, mặt bằng bàn giao đơn vị thi công bị cắt khúc, hầu hết những đoạn đi qua khu dân cư vẫn đang vướng do nhiều hộ không đồng ý giải tỏa vì giá đền bù thấp. Trong khi đó, rất nhiều hộ đồng ý nhận tiền đền bù nhưng chưa được bố trí đất tái định cư để dọn đi. “Gia đình tôi giao đất cho họ rồi nhưng đến giờ vẫn chưa được bố trí tái định cư. Nay ở lại cũng không xong vì quá bụi bặm, ồn ào” - ông Trần Tư, ngụ thôn Bình Hội, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình - than thở.

Chủ đầu tư cũng chịu thua
Đại diện chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết việc thi công chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân. Riêng với các gói thầu do Lotte thi công ở Quảng Ngãi, theo ông Mai Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VEC, dù khởi động từ tháng 3-2014 nhưng tiến độ rất chậm do chậm trễ lựa chọn nhà thầu phụ; nhân lực, vật lực đáp ứng công việc thiếu và yếu. “Chúng tôi đã yêu cầu Lotte tăng cường lực lượng, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng đến thời điểm này chưa thấy có chuyển biến” - ông Tuấn ngán ngẩm nói.
Trong khi đó, ở Quảng Nam, VEC cũng đang đau đầu với công tác giải phóng mặt bằng. “Việc giải phóng mặt bằng chỉ có huyện Điện Bàn là tốt, còn lại các huyện đều rất chậm. Dù một số nơi đã chi trả đền bù rồi nhưng người dân vẫn chưa chịu đi nên nhà thầu gặp nhiều khó khăn” - một vị đại diện VEC cho biết.

TỬ TRỰC - BÍCH VÂN - TRẦN THƯỜNG

No comments:

Post a Comment