Tuesday, March 17, 2015

Thích hoành tráng

Theo NLĐO-16/03/2015 23:49
Tiếp sau tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng lớn nhất nước tiêu tốn 411 tỉ đồng, tỉnh Quảng Nam tiếp tục gây choáng dư luận bằng công trình nhà khách nguy nga với vốn xây dựng 165 tỉ đồng, sắp được khánh thành vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh này (24.3.1975-24.3.2015).

Vài dòng mô tả để thấy nhà khách tỉnh hoành tráng cỡ nào: tọa lạc trên khu đất rộng 33.800 m2; khu nhà chính cao 7 tầng, bao gồm khu hội nghị 500 chỗ ngồi và 98 phòng ở với 200 giường; bao bọc là 6 khu biệt thự riêng lẻ và 1 khu xây theo kiểu đặc biệt dành cho các nguyên thủ quốc gia; hồ bơi rộng 495 m2 và sân tennis cũng được xây dựng ngay trong khu nhà khách... Lãnh đạo tỉnh nói trước đây TP Tam Kỳ không có nơi để tổ chức các hội nghị tầm cỡ trung ương, buộc phải tổ chức ở Hội An hoặc Đà Nẵng, vì thế không xứng tầm với một trung tâm hành chính của tỉnh. Bên cạnh phục vụ nhu cầu tiếp khách, nhà khách còn là động lực thúc đẩy kinh tế (!).

 Một phần nhà khách tỉnh Quảng NamẢnh: TRẦN THƯỜNG
Một phần nhà khách tỉnh Quảng Nam Ảnh: TRẦN THƯỜNG


Hiệu quả chưa biết được, còn tốn kém thì quá nhiều. Cộng với 411 tỉ đồng cho tượng đài trước đó thì đã phải dốc túi gần 600 tỉ đồng. Mà các khoản chi chắc chắn không dừng lại mức này vì còn phải duy tu, bảo dưỡng, vận hành triền miên. Đồ sộ như thế, ắt hẳn công năng nhà khách tỉnh rất lớn. Nhưng nhu cầu thực tế có đến mức ấy không? Mỗi tháng, Quảng Nam tổ chức “hội nghị tầm cỡ trung ương” 1 lần là cùng, vậy 29 ngày còn lại trong 1 tháng (tức 348 ngày còn lại trong năm), nhà khách hàng trăm tỉ này làm gì? Để làm nơi lưu trú cho khách công vụ? Cán bộ của ta vốn rất “cần kiệm, liêm chính” cơ mà, sao lại ở nơi sang trọng như vậy (?!).

Và, nhiều người so sánh rằng nếu lấy 411 tỉ đồng xây tượng đài chia cho khoảng 4.000 mẹ anh hùng đang còn sống thì mỗi mẹ được 102.750.000 đồng, thừa sức phụng dưỡng đến suốt đời. Đó mới là cách tri ân thiết thực nhất.

Bàn ra tán vào là không thể tránh bởi phải chi tỉnh đã giàu! Trong lúc tỉ lệ hộ nghèo cả nước là 6% thì Quảng Nam vẫn còn ở mức cao với khoảng 12%. Theo tính toán, năm 2015 này, tỉnh có thể sẽ nhận từ ngân sách trung ương hơn 2.200 tỉ đồng để cân đối tài chính. Vậy thì các công trình hùng vĩ ấy nếu chẳng phải là để giải quyết khâu “oai” thì có ý nghĩa gì khi đại bộ phận cư dân địa phương còn lam lũ, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời!

Từ đây mới thấy rằng bệnh hình thức, tâm lý thích hoành tráng, muốn hơn thiên hạ ở xứ ta đã trở nên phổ biến. Quá nhiều kỷ lục “nhất Việt Nam”, “nhất Đông Nam Á” đã được lập, rồi các tỉnh - thành đua nhau xây dựng trung tâm hành chính ngàn tỉ, sắp tới không loại trừ sẽ có thêm nhiều công trình nhà khách lộng lẫy hơn của Quảng Nam nữa.

Các thế hệ mai sau không cần những công trình để đời của thời nay nếu những công trình hào nhoáng ấy đè nặng đôi vai đang rất cơ cực của những người đóng thuế. Tất cả phải “bắt đầu từ cơm no, áo ấm/ rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn”, như Nguyễn Duy đã viết trong Đánh thức tiềm lực từ gần 35 năm trước.

Quang Huy

No comments:

Post a Comment