Vi Đức Hồi (Danlambao) - Ngày 26/1/2011, tức 23/12/2010 âm lịch, ngày ông công, ông táo lên trời. Tòa án nhân dân tỉnh Lạng sơn mở phiên tòa sơ thẩm đối với tôi về tội: “tuyên truyền chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 88 bộ luật hình sự của nhà nước Việt Nam. Đúng 6h sáng, một tốp công an 5 người đến mở buồng giam, dẫn giải tôi ra làm các thủ tục cần thiết để ra tòa, 6h30 tôi được áp giải ra khỏi trại, hai tay bị khóa chặt bởi chiếc khóa số 8. Ngồi trong xe kín mít chỉ có lỗ hổng nhỏ ở phía sau xe vừa để thông hơi, vừa để nhìn ra bên ngoài. Trong thùng xe có hai hàng ghế được thiết kế dọc theo xe, ưu tiên một mình tôi một ghế, ngồi ghế đối diện tôi là hai chiến sỹ công an tay cầm dùi cui vẻ mặt nghiêm nghị đang thi hành nhiệm vụ canh trừng. Phía trên đầu xe có viên sỹ quan thiếu tá trực tiếp chỉ huy tốp áp giải, canh trừng tôi ngồi cùng lái xe. Trong suốt chặng đường dài từ trại giam đến tòa án tỉnh chừng 4 cây số, trong thùng xe im lặng như tờ, tôi không chào hỏi họ và họ cũng không chào hỏi gì tôi. Mặc kệ việc ai người ấy làm, tôi chuẩn bị cho mình tinh thần để đối mặt với phiên tòa.
Xe dừng bánh, hai chiến sỹ mở cửa xe hướng dẫn tôi xuống xe, lập tức ba chiếc camera chĩa vào tôi, tôi kịp phản ứng nhanh tươi cười thật thoải mái để họ ghi hình. Nhìn thấy tốp an ninh trực tiếp lấy cung tôi, đang túm tụm đứng đối diện tưởng tôi cười với họ liền đáp trả với nụ cười tươi tắn tỏ vẻ mãn nguyện bởi nghĩ tôi không thù hằn gì với họ mà có phần cảm ơn vì sự đối xử tử tế. Họ dẫn tôi vào phòng xử án, vừa ngồi xuống ghế theo sự chỉ dẫn, viên thiếu tá chỉ huy đội bảo vệ vụ án đã quán triệt:
- Bị cáo không được tiếp xúc với bất cứ ai khi chưa được phép của chúng tôi.
Tôi không nói gì, đảo mắt quan sát trong phòng xử án lẻ tẻ có vài an ninh đứng ngồi mà hầu hết các gương mặt tôi đã quen thuộc, tất cả đang quay hướng về phía tôi quan sát, dò xét. Mọi người ở phía ngoài lần lượt kéo nhau vào phòng, Luật sư Trần Lâm cũng bước vào. Nhìn thấy tôi, Bác đi thẳng vào chỗ tôi ngồi, lập tức an ninh áp sát tôi để theo dõi, Bác vỗ vai tôi ôn tồn:
- Thấy anh khỏe thế này là tôi mừng rồi. Họ không có thông tin nào cho gia đình anh, ngay cả vợ anh họ cũng không mời. Tôi thông báo cho vợ anh biết và bảo cứ lên để xem sao, đã đến đây rồi, đang yêu cầu họ cho vào, không biết họ giải quyết thế nào.
- Phiên tòa xử công khai cơ mà, sao lại không cho gia đình cháu biết!
- Xưa nay các vụ án chính trị vẫn thế, họ nói là xử công khai nhưng thực tế có ai vào được đâu.
- Yêu cầu không được trao đổi! đề nghị bác lên ghế trên kia ngồi! viên thiếu tá công an bảo vệ chặn lại.
Nói rồi anh ta dắt tay Bác Trần Lâm lên hàng ghế đầu ngồi. Viên sỹ quan trưởng phòng chống phản gián, bạo loạn lật đổ công an tỉnh, người được giao trực tiếp chỉ huy theo dõi, thụ lý vụ án tôi đến gần tôi thăm hỏi:
- Anh Hồi có rét không? Ăn uống thế nào? Ngủ có đủ ấm không?
- Bình thường, tôi đáp.
- Đấy là anh được ưu tiên ở một mình một phòng đấy, nếu giam chung cùng với bọn đầu gấu, bọn nghiện hút, si đa thì anh còn khổ nữa. Thôi bình tĩnh suy nghĩ cho thấu đáo đi, rồi có thái độ thành khẩn, chúng tôi sẽ quan tâm đến anh, mọi việc tùy thuộc thái độ của anh cả đấy.
- Cảm ơn về tấm lòng “nhân đạo” của các ông, tôi sẽ vẫn sống và làm những gì theo cách nghĩ của tôi mà tôi cho là đúng.
Cuộc đối thoại cắt đứt khi tôi nhìn thấy gia đình tôi gồm: vợ tôi, em trai tôi và chị gái vợ tôi đi vào. Tôi đứng dậy định ra gặp, ngay lập tức bị hai công an bảo vệ chặn lại.
- Bị cáo ngồi yên tại chỗ! một công an lên giọng ra lệnh.
Một tốp công an theo sau người nhà tôi và chỉ dẫn chỗ ngồi để cách ly với tôi. Không được tiếp cận, tôi gọi với sang:
Xử xong, chiều vào chỗ anh có việc! Vợ tôi gật đầu thay bằng lời đáp. Viên sỹ quan an ninh thuộc tổng cục an ninh bộ công an lấn tới ngồi cạnh vợ tôi tỏ vẻ chia sẻ để phân tán uất hận của người nhà tôi đối với chế độ. Vợ tôi quay mặt đi không tiếp lời, mặt anh ta đực ra rồi lảng ra chỗ khác. Tiếng chuông điểm giờ xử án bắt đầu, mọi người ngồi xuống ghế, phòng xử án trở nên im lặng. Tôi quan sát trong phòng có khoảng trên ba chục người, tất cả đều là an ninh gồm: an ninh của tổng cục; an ninh thuộc bộ công an; an ninh tỉnh; đại diện an ninh các huyện, thành phố trong toàn tỉnh, đại diện công an thị trấn Hữu Lũng, nơi tôi cư ngụ. Duy chỉ có tôi (bị cáo), gia đình tôi (ba người) và Bác Trần Lâm, luật sư bào chữa cho tôi là người ngoài lực lượng an ninh. Thư ký tòa án yêu cầu mọi người đứng dậy để đón chào hội đồng xét xử. Chủ tọa phiên tòa mời mọi người ngồi xuống rồi tiến hành các thủ tục theo nghi thức và tiến hành tra hỏi.
- Những tài liệu được nêu trong cáo trạng đã gửi cho bị cáo xem có phải chính bị cáo viết, và đưa lên mạng internet không?
- Phải do tôi viết và chính tay tôi phát tán trên mạng internet, tôi dõng dạc đáp.
- Có ai chỉnh sửa, bổ xung không?
- Không, tất cả đều nguyên bản do tôi soạn thảo ra.
- Bị cáo có ăn năn hối cải về việc làm của mình không?
- Không, tôi nghĩ rằng việc làm của tôi không hề vi phạm về pháp luật cũng như về đạo đức nên tôi không có gì phải hối hận.
- Viết tài liệu đòi đa nguyên đa đảng, nói xấu chế độ mà bị cáo cho là không vi phạm pháp luật sao?
- Đa nguyên chính trị là động lực phát triển xã hội nên tôi nghĩ không hề có tội. Tôi không hề nói xấu chế độ, tôi chỉ nói lên hiện thực của xã hội ngày nay.
Cuộc xét hỏi diễn ra khá lâu giữa chủ tọa với tôi (bị cáo), gần kết thúc phần xét hỏi, chủ tọa quay sang hai thành viên hội thẩm hỏi:
- Hai hội thẩm có hỏi gì nữa không? Một người lắc đầu, một người lấy giọng đặt câu hỏi với tôi.
- Xã hội đang yên, đang lành, đang đà phát triển vì sao bị cáo lại đi gây bất ổn? bị cáo có bệnh lý gì không?
- Tôi đề nghị quan tòa xem lại trích ngang của tôi! Tôi đáp
- Thôi được rồi! chủ tọa cắt ngang, kết thúc phần xét hỏi.
Đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh trịnh trọng đọc bản cáo trạng, nội dung y hệt bản kết luận điều tra của cơ quan an ninh tỉnh và cuối cùng đề nghị mức án từ 8 đến 9 năm tù giam; tịch thu 56 triệu tiền vnđ bao gồm: tiền giải thưởng nhân quyền; tiền của Phan Văn Lợi cấp cho chi phí việc đi lại thăm hỏi, động viên khích lệ và cung cấp tiền cho các gia đình thuộc thành phần phản động và tiền nhận hỗ trợ từ nước ngoài gửi đến. Đến phần luật sư bào chữa, Bác Trần Lâm không tranh cãi với tòa mà chỉ nói lên động lực, động cơ của tôi chưa phải đến pháp luật điều chỉnh, và khẳng định tôi là người hiền lành, tử tế, rất tử tế nên đề nghị tòa cho miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Phần cuối tranh tụng, chủ tọa cho phép tôi phát biểu trước khi nghị án. Tôi nói vài lời ngắn gọn.
Tôi khẳng định tôi không hề chống Đảng, Nhà nước, tôi chỉ viết lên những suy nghĩ khát vọng của tôi muốn đất nước phát triển cần có dân chủ, đa nguyên chính trị. Tôi miêu tả những hiện thực khách quan đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội Việt Nam ngày nay, tôi không hề bịa đặt, lại càng không hề vu khống. Những bài viết của tôi đến giờ phút này tôi vẫn khẳng định là đúng, không hề có mầu sắc phản động. Tôi phản đối về việc tịch thu khoản tiền 56 triệu của tôi, đây là tiền giải thưởng quốc tế về nhân quyền, có đến hàng trăm người trên thế giới và ở Việt Nam có đến vài chục người đã được nhận giải thưởng này, chưa có một tiền lệ nào tịch thu giải thưởng. Tôi không đem số tiền đó để dùng vào việc hoạt động chống nhà nước Việt Nam, hoặc làm những việc phi pháp vì vậy không thể tịch thu số tiền đó của tôi được. Số tiền lệ phí đi lại hỗ trợ, động viên các gia đình tù nhân lương tâm, nó rất nhỏ, tôi đã tiêu hết và tôi nghĩ đó là việc làm hết sức bình thường của người Việt Nam, việc làm đó không liên quan gì đến pháp luật và luật pháp cũng không bao giờ điều chỉnh. Trong số tiền đó có một trăm tiền Australia và một trăm usd do một người bạn của tôi ở Úc và bên Mỹ gửi cho con trai tôi làm quà nhân dịp tết nguyên đán 2008. Cơ quan điều tra đã làm rõ và tôi đã thừa nhận, số tiền đó tôi đã mua sách vở và một chiếc xe đạp cho cháu mà cơ quan điều tra đã biết. Việc nhân danh nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định tịch thu từ tấm quà, miếng bánh của một đứa trẻ là việc làm không thể chấp nhận được, nó làm ô ế cho bộ mặt quốc thể.
- Thôi được rồi dừng lại ngay! Chủ tọa phiên tòa chỉ tay vào tôi ra lệnh.
- Tòa nghỉ giải lao, hội đồng xét xử tiến hành thủ tục nghị án, chủ tọa tuyên bố.
Tiếng chuông lại vang lên, giờ giải lao đã hết, việc nghị án đã xong. Chủ tọa nhân danh nhà nước tuyên án: xử phạt 8 năm tù giam; 5 năm quản chế sau khi hết hạn tù; tịch thu 56 triệu vnđ số tiền do hoạt động phi pháp mà có. Phiên tòa kết thúc chóng vánh, vợ tôi và chị gái tôi ứa nước mắt đứng dậy, bộ mặt của những cán bộ chiến sỹ an ninh tham dự phiên tòa ai nấy đều rạng rỡ, vẻ mãn nguyện.
Vào khoảng 14 giờ cùng ngày, tôi được ra gặp người nhà, với đôi mắt đẫm lệ cố nén đau thương uất hận vợ tôi động viên tôi:
- Bác Lâm dặn là anh cứ yên tâm, anh em ở bên ngoài sẽ cố gắng để anh được giảm án trong phiên phúc thẩm. Được thể một viên sỹ quan an ninh ra sức nhạo báng:
- Đến giờ này mà anh, chị vẫn trông chờ vào lực lượng bên ngoài để cứu giúp à! anh chị có thấy không các phiên tòa khác khi xét xử rầm rộ những bạn bè, chiến hữu đến đòi vào tham dự, vô số những nhà báo đến đưa tin, làm cho lực lượng giữ trật tự khổ sở để bảo vệ phiên tòa. Còn anh tôi chả thấy một mống nào đến động viên, an ủi anh, chẳng thấy một nhà báo nào trong và ngoài nước đến để ghi hình, đưa tin, đó là nỗi nhục nhã nhất của anh, anh có cảm nhận được không!
- Các ông thấy không! Mặc dù vậy tôi cũng chưa bao giờ cúi đầu liếm gót các ông. Tôi vẫn ngẩng cao đầu để sống. Ở cái địa phương này chỉ có mình tôi, cho dù đất nước này chỉ còn mình tôi, tôi vẫn chiến đấu và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Các ông đã thấy và rồi sẽ thấy tôi sẽ mãi mãi là là như vậy.
Trích: Đối Mặt, phần hai: Chuyện trong lao ngục
No comments:
Post a Comment