Wednesday, March 11, 2015

Phát triển nông thôn mới: thành tựu và thực tế

Gia Minh, biên tập viên RFA
2015-03-11  

Người nông dân luôn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất
Người nông dân luôn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất- AFP

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đang đi được một nửa chặng đường.

Cho đến nay kế hoạch này đạt được những thành tựu gì và còn có những khó khăn ra sao trước mắt?

Nhà nước tổng kết

Cuối tháng giêng vừa qua, huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh là hai đơn vị cấp huyện và thị đầu tiên được công nhận danh hiệu ‘nông thôn mới’.

Ngoài hai đơn vị cấp huyện và thị xã như vừa nêu, tính đến cuối năm 2014 Việt Nam cũng đã công nhận 785 xã trên khắp cả nước đã đạt được 19 chỉ tiêu nông thôn mới đề ra.

Truyền thông trong nước trích phát biểu của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào dịp đến Đồng Nai trao danh hiệu nông thôn mới cho hai đơn vị huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh rằng ‘Nếu toàn đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện được nội dung này trên địa bàn nông thôn thì chính là cụ thể hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trên địa bàn nông thôn, là thực hiện thành công công nghiệp hòa, hiện đại hóa trên địa bàn nông thôn và cũng là một nội dung cụ thể của tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp trên trên địa bàn nông thôn và những kết quả ở Đồng Nai đã cho thấy.”

Sau đó vào ngày 9 tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt nam, trong chuyến công tác khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đến tại xã Ngọc Tố và huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng. Tin nói tại hai nơi này người đứng đầu đảng cộng sản Việt nam trao đổi với các cấp chính quyền và người dân về điều được cho là hiệu quả mô hình sản xuất, xây dựng nông thôn mới ở hai nơi đó.
"Nghe nói có 19 tiêu chí về nông thôn mới; nhưng tôi không quan tâm về điều đó và cũng không thấy ở địa phương người ta tuyên truyền gì về điều đó. Chỉ nghe trên đài tiêu chí về đánh giá nông thôn mới; về những chỗ xây dựng, cần làm đường thì nông dân hiến đất. Chứ chỗ tôi không nghe nói gì về nông thôn mới hết"-Ông Hoàng Kim, nông dân ĐBSCL
Nông dân nhìn nhận

Ông Hoàng Kim, một nông dân trồng lúa tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thì cho biết lâu nay chỉ nghe nói đến chương trình xây dựng nông thơn mới chứ thực tế tại địa phương thì nông dân như bản thân ông vẫn phải chạy theo sản xuất và làm thế nào để duy trì hoạt động, tạo lập cuộc sống cho gia đình.

Ông Hoàng Kim phát biểu:

Nghe nói có 19 tiêu chí về nông thôn mới; nhưng tôi không quan tâm về điều đó và cũng không thấy ở địa phương người ta tuyên truyền gì về điều đó. Chỉ nghe trên đài tiêu chí về đánh giá nông thôn mới; về những chỗ xây dựng, cần làm đường thì nông dân hiến đất. Chứ chỗ tôi không nghe nói gì về nông thôn mới hết.

Nói chung bộ mặt nông thôn có phát triển; nhưng còn để đánh giá nông thôn phát triển do điều gì thì phải có sự so sánh. Nhưng tôi không có so sánh, nên nếu đánh giá nông thôn phát triển như thế nào thì không có ‘mốc’ để đánh giá.

Một nông dân tại huyện Thanh Oai, thủ đô Hà Nội nói về chương trình xây dựng nông thôn mới tại quê ông như sau:

Nói chung nhà nước làm đúng, đầu tư để xây dựng nông thôn mới, nhưng ở dưới họ làm họ cắt xén đến dân được đáng bao nhiêu. Còn đường đi chỗ đáng làm thì chẳng làm; riêng chỗ 4 già đình ông chủ tịch xã thì làm đường hơn 1 tỷ đồng. Đường dân còn nhiều chỗ lầy lội có làm đâu. Làm đồng hồ nước thì bới lên tất cả, và bây giờ thu mỗi một đồng hồ 1 triệu 600 ngàn đồng; không biết nước sạch hay bẩn, nhà nước cho bao nhiêu cũng không biết. Nơi khác chẳng biết thế nào, chứ còn ở địa phương Xuân Dương, Trường Xuân này vất vả lắm. mệt lắm?
"Nói chung nhà nước làm đúng, đầu tư để xây dựng nông thôn mới, nhưng ở dưới họ làm họ cắt xén đến dân được đáng bao nhiêu. Còn đường đi chỗ đáng làm thì chẳng làm; riêng chỗ 4 già đình ông chủ tịch xã thì làm đường hơn 1 tỷ đồng. Đường dân còn nhiều chỗ lầy lội có làm đâu"-Một nông dân huyện Thanh Oai
Phê bình như ông Hồng ở đây vừa rồi ‘phê và tự phê’ thì họ khai trừ đảng. Ông này bốn mươi mấy tuổi đảng, được kết nạp trong một chiến trường ác liệt như thế mà vì quyền lợi vẫn phải đi kêu. Ông thẳng, thật không chịu kiểu của họ, ông phê bình nên họ họp trù dập bằng cách khai trừ đảng. Nhiều tiêu cực, mệt lắm nên làm gì có ai dám nói đâu!

Tiêu chí và thực tế

Tiến sĩ Tô Duy Hợp, người từng tham gia và theo dõi sát chương trình xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam trong, thời gian qua, có đánh giá về hoạt động này với nhận định cũng như những chương trình lớn cấp quốc gia khác tại Việt Nam là chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn mắc khuyết điểm chạy theo thành tích:

Nếu tính từ 2010 thì đến nay là 5 năm rồi, và khung của chiến lược này là đến năm 2020. Đây là hội chứng rất đau khổ, không biết thế nào; tức Việt Nam vẫn thế là rơi vào hội chứng thành tích, chạy để được hưởng chế độ. Để được 19 tiêu chí phải chạy; thực chất là một cuộc xin-cho, còn lắm vấn đề lắm!

Một trong 19 tiêu chí đề ra để có thể đạt danh hiệu nông thôn mới tại ‘tăng thu nhập bền vững cho người nông dân’. Người nông dân Hoàng Kim tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói về tình trạng thu nhập của nông dân hiện nay tại vùng được cho là vựa lúa xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đó:

Chênh lệch giàu nghèo hiện nay ở nông thôn càng ngày càng tăng; nhất là ở Đồng bằng Sông Cửu Long, càng ngày càng rõ rệt. Lý do để làm cho chênh lệch giàu nghèo ở Đồng bằng Sông Cửu Long tăng là do giá nông sản. Đối với nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long chủ yếu là nông sản: các loại gạo, lúa rồi trái cây, và chăn nuôi. Hầu như giá cả nông sản quá thấp trong nhiều năm này làm cho nhiều người dân bần cùng xuống. Rồi những nhóm lợi ích tạo ra những người có thế lực thì họ lại được lợi ích lớn trong việc độc quyền phân phối những sản phẩm nông nghiệp. Những doanh nghiệp độc quyền họ giàu lắm, còn người dân càng ngày càng nghèo.

Còn tiến sĩ Tô Duy Hợp thì cho rằng bảo đảm tăng thu nhập bền vững cho nông dân là một trong những chỉ tiêu mà theo ông không khả thi trong tình hình hiện nay:
"Chênh lệch giàu nghèo hiện nay ở nông thôn càng ngày càng tăng...những nhóm lợi ích tạo ra những người có thế lực thì họ lại được lợi ích lớn trong việc độc quyền phân phối những sản phẩm nông nghiệp. Những doanh nghiệp độc quyền họ giàu lắm, còn người dân càng ngày càng nghèo"-Ông Hoàng Kim, nông dân ĐBSCL
Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì hầu như những tiêu chí đều không thực hiện được. Các vùng đồng bằng như đồng bằng bắc bộ, đồng bằng nam bộ và miền trung quê tôi người ta vẫn thực hiện được; tất nhiên có những cách người ta nghiệm thu để được. Có nhiều tiêu chí gặp trở ngại lớn; mà vấn đề của mọi vấn đề là tăng thu nhập một cách ổn định cho các hộ gia đình, cho nông dân. Đó là vấn đề rắc rối nhất. Tăng thu nhập là bài toán lớn.

Theo tiến sỹ Tô Duy Hợp thì còn nhiều tồn tại

Vấn đề cở sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng là nền tảng thì lại là câu chuyện xin- cho vì phải có tiền. Đó là số tiền lớn. Một khoản tiền lớn thì những xã nghèo, khó khăn làm gì làm được. Những nơi mà người ta đưa điển hình là nơi mà nhà nước đầu tư, người ta ‘chạy’ được.

Khung của chương trình xây dựng nông thôn mới theo dự kiến phải mất vài trăm tỷ đồng Việt Nam. Nếu xin- cho mà thành công thì người ta cũng hưởng được 30%, khoảng 70 tỷ, người ta mới có cơ sở xây dựng được. Còn không tự lo, chắp vá thì khó giải quyết lắm. Những xã điển hình là những xã mà nhà nước đầu tư hết.

Thống kê cho thấy đến cuối năm ngoái có 785 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; tức tương đương  8,8% tổng số các xã trên cả nước hoàn thành mục tiêu đề ra. Kế hoạch đề ra cho năm nay là 20% số xã đạt chuẩn; cụ thể mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có được 3 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

No comments:

Post a Comment