Các bác sỹ cho rằng phần lớn các ca đánh nhau là do va chạm giao thông hoặc say rượu bia
Trong dịp Tết Nguyên đán, đã có hơn 6.200 người phải nhập viện do đánh nhau, và ít nhất 15 người tử vong, theo Tuổi Trẻ dẫn báo cáo của Bộ Y tế. Phóng viên ảnh Đoàn Bảo Châu gọi đây là con số "khủng khiếp và cho thấy đây là vấn đề nghiêm trọng của xã hội Việt Nam”.
“Tôi tin rằng hàng ngày trong xã hội Việt Nam chúng ta vẫn luôn có những xô xát kiểu như vậy. Có xô xát nhưng người ta không thống kê đấy thôi, và tôi nghĩ con số cũng sẽ rất lớn,” anh nói trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt hôm 25/02.
Theo phóng viên và cũng là nhà văn, nguyên nhân chính là do nền “giáo dục giáo điều” không mang được những bài học thiết thực của cuộc sống vào trong giảng dạy, không đào tạo cho học sinh các kỹ năng sống.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu văn hóa học từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử chỉ là cái ngọn, không phải gốc rễ của vấn đề.
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm, “việc con người trở nên hung bạo hơn là tình trạng chúng ta đã chứng kiến từ nhiều năm nay rồi.”
Trong đó, ba nguyên nhân, bối cảnh chính gây ra tình trạng này là việc phát triển kinh tế thị trường không gắn liền với phát triển văn hóa, pháp luật chưa nghiêm minh và người dân mất lòng tin vào hệ thống pháp quyền dẫn đến việc tự giải quyết những mâu thuẫn riêng; và cách quản lý, thực thi các chính sách văn hóa thiếu hiệu quả.
Ông Thêm phân tích, trong bối cảnh kinh tế thị trường, chủ nghĩa duy vật chất lôi kéo con người, trong khi đó yếu tố tinh thần, yếu tố đạo đức, vai trò của tinh thần đạo đức cũng được nói đến nhiều, nhưng mới chỉ ở mức chính sách, văn kiện mà chưa có biện pháp để chấn chỉnh để đưa vào thực tế.
“Kinh tế, dù là kinh tế thị trường hay kinh tế kiểu gì đi nữa, thì kinh tế và văn hóa phải đi đôi với nhau, sự giàu có phải đi cùng với trí tuệ và bản lĩnh,” Giáo sư Thêm nói.
Tác giả tiểu thuyết Khói cũng cho rằng, văn hóa thấp là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực, do thanh niên ngày càng ít được tiếp xúc với sách vở, nghệ thuật.
Nhưng với giáo sư Thêm, người ta vẫn chưa hiểu thật đầy đủ khái niệm văn hóa. Sách vở chỉ là những biểu hiện của văn hóa, còn giá trị sâu sa hơn đằng sau đó là giá trị tinh thần, mà trên hết, là giá trị con người, giá trị đạo đức, giá trị sống.
“Giá trị con người [ở Việt Nam] đã bị xuống cấp một cách rất nghiêm trọng, cái đó thì mọi người cũng đã đều thấy và các nghị quyết của Trung ương cũng đã khẳng định, thì đấy mới là cái quan trọng, cái văn hóa mà chúng ta cần quan tâm.”
Báo cáo của Bộ Y tế do báo Tuổi Trẻ trích dẫn một trong những nguyên nhân gây xô xát trong dịp từ ngày 27 tháng Chạp tới ngày Mùng 4 Tết là rượu say, tuy nhiên, phóng viên ảnh lại coi rượu chỉ là một chất xúc tác, một kiểu ‘đồng phạm’, và chỉ có phần nào vai trò trong toàn bộ vấn đề.
‘Tự xử’
Người dân tự giải quyết mâu thuẫn vì không còn tin vào hệ thống pháp luật?
Trả lời câu hỏi của BBC hôm 25/02 về việc liệu thói quen ‘tự xử’ của người Việt có phải xuất phát từ cuộc chiến tranh nhân dân, và nay đến thời bình, người dân cũng được khuyến khích, tuyên dương bắt cướp, viện sỹ Trần Ngọc Thêm nói:
“Một trong những nguyên nhân mà sở dĩ Việt Nam thắng được là nhờ sự linh hoạt, sự tham gia của toàn dân. “Nếu như sức sáng tạo tự phát để chống giặc ngoại xâm đó lại tiếp tục duy trì trong thời bình thì rất nguy hiểm, nó sẽ dẫn đến tình trạng vô tổ chức không quản lý được.”
Thêm vào đó, “ranh giới giữa thế nào là tốt, thế nào là xấu, thế nào là được, thế nào là không được thì không có ranh giới cụ thể gì để phân biệt.
“Trên thực tế thì nhiều trường hợp trình báo không mang lại kết quả, thậm chí người trình báo còn phải chịu phiền hà thêm nên mới dẫn đến chuyện tự xử.
“Trong vụ trộm chó chẳng hạn, nếu công an làm việc tốt để bảo vệ tài sản của người dân, trong trường hợp này là con chó, và xử lý những kẻ trộm chó một cách thỏa đáng, thì đã không có cảnh cả một làng kéo ra để đánh, để giết kẻ trộm chó dã man như vậy.”
Anh Đoàn Bảo Châu thì phân tích, việc trải qua nhiều lần chiến tranh có thể giúp người Việt Nam có ưu điểm là “trở thành những chiến binh rất tốt”, nhưng có thể đây cũng chính là điều khiến việc sử dụng bạo lực Việt Nam đã trở thành “thói quen”.
Và trong khi phóng viên ảnh cho rằng sẽ còn mất rất nhiều thời gian, công sức và cần có khối lãnh đạo dám nhìn thẳng vào sự thật thì Việt Nam mới có thể cải thiện được văn hóa, Giáo sư Thêm lại lạc quan hơn, ông tin Việt Nam sẽ cải thiện được những giá trị tinh thần trong tương lai.
Một trong những cách giải quyết là xây dựng hệ giá trị định hướng văn hóa, mà các nước Đông Nam Á đã xây dựng được từ nhiều năm nay.
“Công cuộc hội nhập hiện nay, toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhìn chung là được, hay bị chi phối bởi văn hóa phương Tây khá nhiều. Cho nên các quốc gia ở những khu vực càng có nhiều khác biệt so với văn hóa đô thị, văn hóa công nghiệp của phương Tây càng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi hệ giá trị.”
Và điều quan trọng nhất, là phải có được hệ thống pháp luật nghiêm minh, công bằng, khiến người dân tin tưởng, tôn trọng pháp luật, “không dám lờn với pháp luật nữa”. “Thực sự người Việt Nam hoàn toàn không phải đến mức không thay đổi được,” theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm.
No comments:
Post a Comment