Wednesday, February 25, 2015

Cuộc chiến không cân sức của người nông dân

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-02-25
Người nông dân luôn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất

Người nông dân luôn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất-AFP

Câu chuyện nông dân và đất đai tại Việt nam vẫn tiếp tục nóng. Nông dân ở một số nơi hiện cương quyết giữ lại đất không để chính quyền lấy làm dự án kinh tế.

Tuy vậy thực tế cho thấy cuộc đấu tranh rất không cân sức và kết cuộc phần thắng vẫn nghiêng về phía nhà cầm quyền và doanh nghiệp. Đội ngũ nông dân mất đất mỗi lúc một đông thêm.

Ra đồng bảo vệ ruộng

Ngay tại một địa phương ở thủ đô Hà Nội, đó là xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, từ trước Tết một số nông dân xuống đồng để gieo cấy vụ mùa mới trên những mảnh ruộng được cho biết bị chính quyền địa phương rắp tâm thu hồi một cách bất minh theo kế hoạch ‘dồn điền, đổi thửa’.

Một người dân địa phương cho biết:

Vừa rồi bà con quyết chiến tới cùng. Bây giờ họ ( chính quyền) cứ dụ dỗ, đi mua chuộc mỗi người. ( Người nào) dụ dỗ người (khác) nhận ruộng được 10 triệu. Nhưng bà con cương quyết không, họ đã đi ra đồng làm rồi. ( Chúng tôi) tổ chức góp tiền vào mua một máy công nông làm ruộng. Khi làm thì họ cũng xuống; nhưng hôm đó bà con cầm liềm, cuốc quyết sinh tử với họ. Những người già 70,75 tuổi tuyên bố rằng cuộc chiến nào cũng là cuộc chiến- cuộc chiến hôm nay hy sinh cũng là hy sinh, quyết chiến đến cuối cùng…bắt buộc phải hy sinh vì mảnh đất này; thế là họ không dám. Bây giờ bà con xuống đồng, bảo vệ máy móc, làm ruộng. Một số thanh niên, bà con đi làm xa họ ủng hộ đậu, thịt…, nói chung là những gì để phục vụ bữa cơm ăn để làm ruộng, quyết chiến đến giọt máu cuối cùng!

Tối hôm đó họ tổ chức họp và nói hở ra điều sợ dân tung lên mạng, đồng thời cũng tỏ ý cấm mọi người không tung lên mạng.

Chính quyền ra tay

Cũng tại một địa phương khác thuộc Hà Nội là phường Dương Nội, quận Hà Đông, chỉ mới cách đây hơn một năm, người nông dân tại đó kiên quyết không giao đất cho dự án từng bị treo suốt mấy năm trời, trong khi nông dân không có đất canh tác. Người dân tuyên bố ‘quyết tử, cắt máu ăn thề’ để giữ đất

Và họ gần như thành công sau khi đấu tranh với chính quyền các cấp từ địa phương lên trung ương. Thanh tra của Bộ Tài nguyên- Môi trường ra kết luận chỉ ra một số điểm sai trái trong việc thu hồi đất cho dự án. Người dân Dương Nội lấy lại đất, đề ra kế hoạch rút thăm chia lại đất để tái sản xuất. Hoạt động này được báo cáo với chính quyền địa phương và cũng nhận được hứa hẹn chuẩn thuận theo nguyện vọng của người dân.

Thế nhưng rồi, phát biểu của cơ quan chức năng địa phương chỉ là kế hoãn binh. Một đợt tấn công tổng lực, cuối cùng nhắm vào những người dân Dương Nội giữ đất diễn ra rất khốc liệt với cả ngàn quân thuộc các ban ngành phối hợp nhau vào ngày 25 tháng 4 năm ngoái. Người đứng đầu cuộc giữ đất, bà Cấn thị Thêu, dù không có mặt tại hiện trường mà chỉ đứng một nơi để quay lại mọi hình ảnh của đợt ‘tổng phản công’ của cơ quan chức năng đã bị bắt cùng chồng. Hai người bị đưa ra tòa kết án với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’

Câu chuyện tại hai nơi thuộc Hà Nội cũng tương tự ở ba xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nông dân tại đó lâu nay cũng liên tục khiếu kiện đến các cơ quan chức năng về việc thu hồi đất canh tác của dân giao cho tập đoàn tư nhân Việt Hưng để triển khai dự án mang tên ‘Khu đô thị sinh thái Ecopark’. Đợt cưỡng chế tại xã Xuân Quan diễn ra vào ngày 24 tháng 4 năm 2012 được những người dân khiếu kiện đất đai chọn làm ngày ‘dân oan Việt Nam’.

Cuộc chiến không cân sức.

Chưa rõ kết cục thế nào sẽ đến với những nông dân giữ đất như tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội và tại các xã Phụng Công, Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên vào tháng 12 năm ngoái, những người dân tại hai xã Cửu Cao cà Phụng Công, huyện Văn Giang bị tấn công và một số ngườ dân bị bắt đưa đi như lời kể của một nông dân địa phương cho biết như sau:

Tự nhiên họ vào bắt, nói là những người đầu sỏ. Lúc khoảng 4:30’- 5 giờ sáng họ đến tại Cửu Cao bắt 6 người, Phụng Công 1 người.

Trong dự án đô thị Văn Giang, còng 50% chưa lấy tiền. Những người chưa lấy tiền đứng đầu đơn đi khiếu kiện; trong khi đó họ lợi dụng trục xuất để thôn tính. Hôm qua bắt người, bây giờ cảnh sát cơ động của tỉnh, huyện về mấy xã san mặt bằng của một số ở Phụng Công, một số của Cửu Cao. Chưa lấy tiền cũng ủi mà lấy tiền rồi cũng ủi.

Trước các biện pháp mà chính quyền tiến hành, một người dân địa phương cho biết:

Người dân khiếu kiện đi đến đâu họ cũng hẹn lần này, lần khác rồi lại thôi. Họ có giải quyết gì đâu. Gặp cả Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường, gặp hết các ban ngành rồi mà người ta hứa nọ, hứa kia …

Dự án này có nhiều cái liên quan lắm. Những thành phần ‘ấy’ đều bị nhắc nhở ‘nhạy cảm’ thành ra họ không dám làm.

Mất đất, mất tất cả!

Thực tế cho thấy khoản tiền bồi thường đất đai mà người nông dân nhận được không giúp họ có một cuộc sống tốt hơn. Những người kiên quyết giữ đất nhận thấy rõ đất ruộng canh tác là ‘tư liệu sản xuất’ giúp họ làm ra của cải vật chất và có cuộc sống ổn định.

Người nông dân ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nói lên thực tế và nguyện vọng của những người nông dân như ông:

Đất ở đây đang rất ‘cao’; nhưng tiền đền bù không đủ ‘tiêu’ nên dân muốn thu hẹp dự án lại, bớt chút đất cho dân sản xuất. Ở đây mỗi sào dân chúng tôi ở đây thu được chừng dăm bảy chục triệu. Bây giờ họ lấy đất rồi thì hầu như dân chết đói. Giờ nếu người có 5 sào thì chỉ lấy một nửa thôi, còn lại để cho họ sản xuất. Như thế xã hội mới phát triển được, còn như thế này dân đi ăn mày hết!

Nguyện vọng của người dân chúng tôi là làm sao có phần đất làm tư liệu sản xuất, như nhà máy phải có phân xưởng vậy. Dân phải có chút đất để canh tác, còn như bây giờ chỉ là hai bàn tay trắng.

Những người tìm hiểu trường hợp cụ thể của các dân oan mất đất hiện đang khiếu kiện tại các cơ quan trung ương Đảng và chính phủ ở Hà Nội đều cho rằng hầu như không thể nào giải quyết được tình trạng mà họ cho là một ‘mớ bòng bong’ bởi chính quyền từ nhiều năm qua gây ra.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/farm-in-land-tg-war-02252015144602.html/02252015-farm-in-land-tg-war.mp3

No comments:

Post a Comment