Friday, February 13, 2015

Doanh nghiệp thuê đối tượng "lạ mặt" đứng ra nói chuyện với người dân

HẢI NINH 12/02/15 10:06  
(GDVN) - Không những không trả đất dân cư dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp còn ký hợp đồng với những đối tượng “lạ mặt” nhằm gây sức ép...

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, nhiều người dân tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) cùng nhau ra ruộng đòi lại đất mà trước đó, họ đã đồng ý giao cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương nghiệp (ITD) thực hiện dự án Khu công nghiệp làng nghề Đồng Quang đạt tiêu chuẩn môi trường.

Trách nhiệm của Công ty ITD là phải đứng ra thỏa thuận, bàn bạc với người dân. Tuy nhiên, vì gặp phải sự phản ứng của người dân nên Công ty ITD đã sử dụng "phương pháp" ký hợp đồng thuê những cá nhân từ địa phương khác về để "nói chuyện" với người dân.

Cụ thể, ngày 15/1/2014, Công ty ITD  ký bản cam kết với ông Nguyễn Hắc Long, địa chỉ tại số 9 ngách 56, Thịnh Hào, Hàng Bột (Đống Đa – Hà Nội) với mục đích: ông Long giúp Công ty ITD đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án KCN Làng nghề Đồng Quang.

Công ty ITD đã ký Bản cam kết để nhờ ông Nguyễn Hắc Long đứng ra để giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Hải Ninh).

Cùng ngày, Công ty ITD lập Giấy xác nhận với nội dung: 1. Ông Nguyễn Hắc Long có nhiệm vụ “vận động” toàn bộ 37 hộ dân có đất thuộc Dự án, ra trụ sở Công ty để ký nhận đền bù GPMB và bàn giao đất cho chủ đầu tư;

2. Sau khi hoàn thành, ông Long có quyền được góp vốn đầu tư vào một phần đất của dự án từ lô C90 đến lô C105;

3. Ngay sau khi đủ điều kiện pháp lý và ông Long đã góp đủ vốn đầu tư theo cam kết, trong vòng 05 ngày, Công ty sẽ ký hợp đồng thuê lại đất sản xuất công nghiệp và tiến hành bàn giao các lô đất nói trên cho người sử dụng (tên do ông Long cung cấp)…

Tỷ lệ "ăn chia" sau khi thực hiện xong hợp đồng giữa bà Trần Thị Xuân Yến, Giám đốc Công ty ITD và ông Nguyễn Hắc Long. (Ảnh: Hải Ninh).

Nhiều người dân phường Đồng Kỵ khi chúng tôi gặp đều tỏ ra bức xúc vì họ không hề biết ông Long là ai và có vai trò gì trong dự án. Tuy nhiên, ông Long luôn gặp gỡ người dân với tư cách là đại diện cho doanh nghiệp. Nhiều người dân cho biết họ bị gây sức ép buộc phải giao đất lại doanh nghiệp.

Từ một dự án làng nghề, phát triển kinh tế hạ tầng nhưng với những bản cam kết của Công ty ITD đang khiến người dân hoài nghi về mục đích của dự án.

Dư luận địa phương đang bức xúc khi đặt nghi vấn: ông Long là ai? Vai trò như thế nào trong dự án? Đã được chính quyền công nhận tính hợp pháp hay chưa? Vì sao doanh nghiệp không trực tiếp đứng ra thỏa thuận, bàn bạc với người dân theo các quyết định của cơ quan Nhà nước mà lại thuê “trung gian” đứng ra?

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, nhiều người dân phường Đồng Kỵ có đơn nêu : Khi giao đất cho chủ đầu tư ITD, chúng tôi được cam kết là sẽ nhận lại tỷ lệ đất dân cư dịch vụ theo quy định. Tuy nhiên, sau nhiều năm, Công ty ITD vẫn cố tình né tránh, không thực hiện nghĩa vụ trả lại đất cho người dân. Bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm khi gần đây, họ rủ nhau ra phần ruộng của mình lấy lại đất.

Diễn biến trước đó, vào ngày 11/1/2010, UBND thị xã Từ Sơn có Thông báo số 05/TB-UBND về Kết luận của Chủ tịch UBND thị xã, trong đó có nội dung: Nhất trí khoảng 10% đất dân cư dịch vụ nằm trong Khu công nghiệp làng nghề Đồng Quang theo chỉ đạo tại Văn bản số 2360/UBND-NNTN ngày 08/12/2010 về việc thực hiện Bồi thường GPMB dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp; Giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan, UBND phường Đồng Kỵ, Công ty ITD xác định rõ vị trí đất dân cư dịch vụ, hạ tầng khu đất dân cư dịch vụ phải đi đôi với hệ thống tiêu thoát nước của Khu công nghiệp và thông báo công khai tới các hộ dân có đất bị thu hồi biết vị trí đất dân cư dịch vụ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Đến ngày 26/3/2010, Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn có Văn bản số 156/UBND-NC với nội dung: Yêu cầu Công ty ITD phải dừng ngay việc triển khai đền bù, hỗ trợ GPMB vì thực hiện dự án chưa đúng quy định của pháp luật…

Ngày 16/11/2010, UBND phường Đồng Kỵ có Văn bản số 67-CV với nội dung: Đối với đất dân cư dịch vụ, yêu cầu chủ đầu tư trích từ khu đất của dự án để trả cho dân theo đúng chính sách; Yêu cầu chủ đầu tư, các cơ quan chức năng điều chính lại quy hoạch, đảm bảo phần đất trả lại nhân dân có thể kết nối hạ tầng đồng bộ với đất công nghiệp của dự án.

Đến ngày 08/12/2010, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 2360/UBND-NN.TN với nội dung: Đồng ý điều chỉnh một phần diện tích đấy của dự án đề bố trí đất dân cư dịch vụ cho các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi theo quy định.

Tuy nhiên, suốt từ thời kỳ 2010 đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, còn người dân thì không còn ruộng để canh tác. Vì sao doanh nghiệp lại thoái thác trách nhiệm của mình? Vai trò của chính quyền đang ở đâu trong dự án này?

No comments:

Post a Comment