Phạm Trần (Danlambao) - Hội
nghị Trung ương 10 của Khóa đảng CSVN thứ XI diễn ra tại Hà Nội từ 5 đến
12/01/2015, trễ hơn thường lệ đã thể hiện một tình trạng nội bộ chưa ổn định
trước thềm Đại hội đảng XII dự trù vào tháng 1/2016.
Có 2 lý do đằng sau Hội nghị này:
Thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa dàn
xếp xong các chức vụ cho Ban Chấp hành khóa XII. Ông nói trong diễn văn khai
mạc:
“Bộ Chính trị đã xem xét, quyết định một
bước danh sách quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương và danh sách quy hoạch Bộ
Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Có cơ sở khẳng định, tuy là lần đầu Đảng ta
xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, nhưng công việc này đã được tiến hành
khá bài bản, chặt chẽ và đạt kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, số lượng các
đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư
hiện nay còn ít so với chỉ tiêu mà Đề án nêu ra; chất lượng cũng còn phải tiếp
tục được nâng cao. Hơn nữa, qua gần 2 năm kể từ khi xin phiếu giới thiệu của
Trung ương đến nay, tình hình đã có những thay đổi, các đồng chí Ủy viên Trung
ương và cán bộ, đảng viên trong diện được xem xét đưa vào quy hoạch đã có điều
kiện và thời gian công tác nhiều hơn để thể hiện rõ hơn phẩm chất và năng lực
của mình; việc quy hoạch cần được định kỳ rà soát, bổ sung theo tinh thần "động"
và "mở".
Nhưng thế nào là “động” và “mở” đến đâu thì chỉ
có những người trong cuộc mới hiểu. Có điều là tình trạng phe nhóm lợi ích trong
đảng đang lan rộng và đi sâu vào từng chi bộ đảng để tạo ảnh hưởng. Nếu “động”
được hiểu là “tích cực, làm hết khả năng và kiên quyết” thì “mở” cũng có thể
hiểu là sự chọn lựa cần “thông thoáng, dân chủ” không bè phái, nể nang để bầu ra
những người kém khả năng, thiếu đạo đức cách mạng, lối sống gương mẫu hay không
đủ bản lĩnh chính trị để trung thành với đảng, với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư
tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh là nền tảng của đảng cấm quyền.
Vì vậy, ông Trọng đã nói với 200 Ủy viên Trung
ương: “Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 31/1/2015, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ
quan, đơn vị trực thuộc Trung ương sẽ hoàn thành việc rà soát, bổ sung tổng thể
quy hoạch cán bộ, trong đó có quy hoạch các chức danh chủ chốt ở cấp mình, đơn
vị mình. Do vậy, Bộ Chính trị sẽ tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp
hành Trung ương sau khi có kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh
đạo chủ chốt của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc.”
Riêng cơ chế đầu não nắm quyền thật sự là Bộ
Chính trị và Ban Bí thư, cơ quan “giám sát việc thi hành chính sách hàng ngày
của Đảng Cộng sản Việt Nam” thì ông Trọng bảo: “Đối với việc rà soát, bổ sung
quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đề nghị tại Hội nghị này, các
đồng chí Ủy viên Trung ương tiếp tục giới thiệu nguồn bổ sung quy hoạch Bộ Chính
trị, Ban Bí thư như nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị. Trên cơ sở kết quả giới
thiệu và xin ý kiến Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo làm các bước
tiếp theo để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.”
Nghe thì có vẻ là dân chủ, nhưng thật sự không
phải như thế, bởi vì Quyết Định 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung
ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng lại có những hạn chế khắt khe
như ghi trong Điều 13 nói về “Việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban
thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư”, nguyên văn:
1- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không
được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề
cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.
2- Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên
ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy
đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử
của ban thường vụ cấp ủy.
3- Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung
ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử
nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử
nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.
Như vậy, các cấp “ủy”, “ban thường vụ cấp ủy”
và “Bộ Chính trị” có toàn quyền quyết định tối hậu cho các cuộc bầu chọn nhằm
chận đứng mọi khả năng “tự ứng cử” và “tự đề cử” của các phe nhóm, như đã xảy ra
tại hai Hội nghị Trung ương X và XI.
Nhưng kiểm soát chặt chẽ như vậy để làm gì, nếu
không phải là Bộ Chính trị khóa XI gồm 16 người, do ông Nguyễn Phú Trọng cầm
đầu, muốn tránh lập lại chuyện đã xảy ra không theo như ý muốn của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 7 từ ngày 02-5 đến ngày 11-5-2013. Tại
Hội nghị này, 2 ứng viên Bộ Chính trị do chính ông Trọng cơ cấu là Nguyễn Bá
Thanh, trưởng ban Nội chính Trung ương và ông Vương Đình Huệ, trưởng ban Kinh tế
Trung ương đã không được Ban Chấp hành chấp thuận.
Ngược lại Ban Chấp hành đã bầu Phó Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vào Bộ Chính trị
khiến úy tín lãnh đạo của ông Trọng xuống thấp từ đó.
Thứ hai, tại Hội nghị 10, ông Trọng cũng đề
nghị lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư như một trắc nghiệm uy tín
để xem ai trong số 16 Ủy viên có thể tiếp tục ngồi lại sau Đại hội đảng
XII.
Ông nói: “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 9
khóa XI, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của
Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp các đồng chí được lấy phiếu tự nhìn nhận lại
mình, để điều chỉnh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ
về các mặt và tinh thần trách nhiệm trong công tác; đồng thời giúp Bộ Chính trị
có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ
cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.”
Tuy nhiên, ông không quên khuyến cáo: “Việc
lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - là
những chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, lại được tiến hành lần
đầu, cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung
của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị các đồng chí Trung ương phát huy cao độ tinh thần
trách nhiệm và xây dựng, nghiên cứu thật kỹ Quy định và Tờ trình của Bộ Chính
trị, các báo cáo công tác của từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để
thể hiện chính xác chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu, góp phần bảo đảm việc
lấy phiếu thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, xây dựng, tăng cường sự đoàn
kết, thống nhất trong Đảng; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống
phá.”
Nhưng “thế lực xấu” và “thù địch” ở đâu ra, nếu
không phải đang nằm ngay trong hàng ngũ đảng và trong lòng mỗi Lãnh đạo? Bởi lẽ,
người ngoài đảng và người Việt Nam ở nước ngoài chả có lợi ích gì mà phải xen
vào chuyện nội bộ chỉ biết “cho điểm nhau” của đảng CSVN.
Có điều là nếu cuộc bỏ phiếu cho cơ cấu lãnh
đạo cao nhất của đảng cũng làm theo 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín
nhiệm thấp” như đã diễn ra tại Quốc hội trong hai năm 2013 và 2014 đối với các
chức danh do Quốc hội bổ nhiệm, ngoại trừ Tổng Bí thư đảng, thì cũng chỉ là
chuyện “làm cho xong chuyện” để khoe với đảng viên và với nhân dân nhằm lấy lại
uy tín đã suy giảm khá nhiều từ khi Ban Chấp hành khóa XI đắc cử năm
2011.
Điểm xấu nhất của Bộ Chính trị khóa XI là đã
không có hành động hợp thời, đúng lúc và cần thiết để đáp trả hành động xâm lược
và đàn áp ngư dân Việt Nam của Trung Cộng ở Biển Đông từ năm 2007.
Thất bại thứ hai là Bộ Chính trị và Ban Bí thư
đã không có bất cứ hành động nào ngăn chận Trung Cộng đang biến 8 đảo và bãi đá
chiếm của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 thành các đảo lớn để xây dựng các cơ sở
quân sự và sân bay tại hai đảo Chữ Thập và Gạc Ma.
Trung Cộng đã biến đảo Chữ Thập thành đảo lớn
nhất trong quần đảo Trường Sa với khoảng 49 mẫu. Một đường bay dài 3000 thước,
dài từ 200 đến 300 thước đã xây xong để cho các máy bay phản lực chiến đấu của
Trung Cộng sử dụng. Khoảng 200 Thủy quân lục chiến có võ trang các loại vũ khí
cận đại cũng đồn trú tại đây.
Điều quan trọng là khoảng cách từ Chữ Thập đến
Vịnh Cam Rang chỉ vào khoảng 400 cây số. Và cũng từ đây, quân đội Trung Cộng có
thể đe dọa dễ dàng các nước Phi Luật Tân, Ma Lai Á và Brunei.
Còn tại Gạc Ma thì sao? Gạc Ma là vị trí chiến
lược nằm trên đường tiếp quân và di chuyển của tầu bè Việt Nam từ đất liền ra
Trường Sa. Một đường bay đủ cho phản lực cơ và các loại máy bay vận tải quân sự
cũng đã hoàn tất để đe dọa các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Như vậy mà Bộ Chính trị và Ban Bí thư đảng CSVN
vẫn nhởn nhơ như diều bay trước gió thì liệu có còn chút uy tín nào với nhân dân
không?
Vì vậy, lá phiếu tín nhiệm của Hội nghị Trung
ương 10 sẽ chẳng có giá trị gì nếu việc Bộ Chính trị và Ban Bí thư để cho Trung
Cộng tự tung tác ở Biển Đông không được bàn bạc trước cuộc bỏ phiếu.
Những chuyện bình
thường
Ngoài hai vấn đề quan trọng nhất đã nêu, Hội
nghị 10 còn nghiên cứu các Văn kiện của Khóa đảng XI sẽ trình trước Đại hội đảng
XII, trong đó có các Báo cáo Chính trị; Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ
Đảng; Báo cáo kinh tế - xã hội và Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực
tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016).
Tuy nhiên các văn kiện này không được phổ biến
cho nhân dân, nhưng ai cũng biết Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì nhiều cuộc
thảo luận cấp nhà nước bằng tiền thuế của dân để chỉ làm được một điều là tiếp
tục tô son điểm phấn cho thành tích của nền kinh tế đầu ngô mình sở gọi là “kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, và chủ trương kiên định Chủ nghĩa
Cộng sản để duy trì quyền lãnh đạo độc tôn và độc tài cho đảng.
Đó là những chuyện rất giản dị vì mọi việc làm
của đảng CSVN đều không thể vượt ra ngoài nội dung văn kiện được gọi là “Cương
linh xây dựng đất nước trong thời kỳ qua độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát
triển 2011).
Cương lĩnh này cũng đã được “luật hóa” bởi Hiến
pháp sửa đổi năm 2013 để khẳng định:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong
của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của
dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân
lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh
làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” (Điều
4)
2. “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần
kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.” (Điều 51)
Như vậy thì có gì mới đâu mà Ban Tuyên giáo
Trung ương phải chi tiêu nhiều tiền bạc, phí phạm thời giờ của dân để ông Nguyễn
Phú Trọng phải phô trương rằng: “Dự thảo Báo cáo Chính trị đã được xây dựng
và từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả
nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới và kết
quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; qua nhiều cuộc khảo sát thực tiễn,
nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học,
nhà quản lý; làm việc với 22 Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; đặc biệt là ý kiến
đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.”
Còn về báo cáo được gọi là “lý luận - thực
tiễn qua 30 năm đổi mới” được các nhà lý luận của đảng vo tròn bóp méo nhằm
“Cộng sản hóa đường lối kinh tế của Tư bản Chủ nghĩa” để tiếp tục làm như cũ thì
có gì mới đâu mà phải chi tiền để họp hành, tọa đàm, nghiên cứu hầu giúp Tổng Bí
thư, trưởng Ban Chỉ đạo có thể nêu thành tích đã: “Chỉ đạo các ban cán sự
đảng, đảng đoàn, lãnh đạo của 48 ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, cơ quan
nghiên cứu khoa học, lý luận chính trị và 16 tỉnh ủy, thành ủy tiến hành tổng
kết 10 vấn đề và 8 mối quan hệ lớn. Kết quả tổng kết đã được tổng hợp, nghiên
cứu, chắt lọc, xây dựng thành dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận -
thực tiễn qua 30 năm đổi mới.”
Nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại đã thừa
nhận ngày 23/10/2013 rằng: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH
còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam
hay chưa.”
Như vậy thì việc Ban Tuyên Giáo Trung Ương và
Hội đồng Lý luận Trung ương cứ mãi nhắm mắt biên soạn Báo cáo Chính trị để lý
luận theo hướng nhìn mù mờ của ông Trọng thì có phải những tác giả của các văn
kiện chính trị này đã lạc đường hay còn ngủ mê trước thực tế là nhân dân và rất
nhiều đảng viên đã quay lưng lại với đảng CSVN?
Điểm nổi bật của tình trạng “đứng nguyên tại
chỗ” sau nhiều năm đôn đốc, thúc đẩy quyết tâm hơn mà ông Trọng vẫn phải lập lại
trong diễn văn rằng: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đáp ứng
yêu cầu. Một số chủ trương của Đảng chậm được cụ thể hóa, chưa đi vào cuộc sống.
Công tác xây dựng Đảng, nhất là việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên kết
quả chưa được như mong muốn. Lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, cải cách tư
pháp có mặt chưa tiến bộ rõ rệt.”
Công tác cải cách hành chính và giảm bớt biên
chế trong guồng mày cai trị để tiết giảm ngân sách cũng cứ “bình chân như
vại”.
Hãy nghe ông Trọng than: “Đề nghị các đồng
chí đi sâu phân tích nguyên nhân vì sao từ lâu và nhiều lần, chúng ta đã bàn, đã
thống nhất chủ trương và thực tế cũng đã tích cực triển khai thực hiện nhưng đến
nay tổ chức bộ máy vẫn có xu hướng ngày càng phình to, biên chế tăng cao, cấp
phó còn nhiều; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chậm được cải
thiện? Cái gì thuộc về chủ trương, quan điểm; cái gì thuộc về chỉ đạo thực hiện,
cơ chế, chính sách, biện pháp cần phải sửa đổi, bổ sung?...”
Ông nói thế nhưng cũng dư biết nạn bè phái, nạn
con ông cháu cha được gài vào bộ máy để ngồi mát ăn bát vàng là nguyên nhân tại
sao bộ máy cứ phình ra mà không sao bóp nhỏ lại được.
Vây sau Hội nghị 10, liệu ông Trọng có khả năng
thay đổi được gì không hay mọi chuyện rồi sẽ vẫn ở đâu ngồi yên đó cho đẹp lòng
mọi người?
Đó chính là chuyện khủng hoảng lãnh đạo hiện
nay của đảng Cộng sản Việt Nam.
(01/2015)
No comments:
Post a Comment