Đăng Bởi -
Vụ tai nạn tàu điện ngầm tại Thượng Hải năm 2011. Ảnh: Tân Hoa xã (Ảnh minh họa)
Giá rẻ, tốc độ thi công nhanh nhưng nhiều quốc gia vẫn phải giám sát chặt chẽ các nhà thầu Trung Quốc nếu không muốn “mang họa vào thân”. Ở các nước khác, những tai nạn do nhà thầu Trung Quốc gây nên được xử lý như thế nào?
Phát biểu tại phiên tòa của TP Alberta (Canada), xử phạt một nhà thầu Trung Quốc (TQ) gây ra tai nạn khiến hai người thiệt mạng và bốn người bị thương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Gil McGowan khẳng định nhà thầu TQ “không chỉ xuất khẩu những nhân công chất lượng thấp mà còn xuất khẩu cả chuẩn mực an toàn và sức khỏe chất lượng thấp sang nước khác”.
Bắt dừng thi công, đền bù dự án
Chính phủ Zambia hồi tháng 5.2014 cũng đã gấp rút đình chỉ hoạt động của Tập đoàn Quốc tế Hà Nam TQ (CHIC) đối với các dự án công cộng mà CHIC nhận thầu tại TP Livingstone. CHIC là đơn vị đã thắng thầu lắp đặt hàng loạt đường ống nước mới cho Công ty Cấp thoát nước miền Nam (Swasco) của Zambia.
Trước đó, vào ngày 14.5.2014, một vụ sạt lở đất tại công trình lắp đặt đường ống nước mới đã làm hai công nhân thiệt mạng. Vách của các hố đào đặt ống nước đã bất ngờ sạt lở chôn sống cả ba công nhân đang làm việc bên dưới, chỉ duy nhất một người may mắn sống sót. Phía Bộ Lao động và An toàn xã hội của Zambia đã buộc phía nhà thầu phải dừng mọi thi công đến khi nào đảm bảo đầy đủ cả điều kiện bảo hộ lao động tại công trình.
Trong một vụ việc khác hồi tháng 6-2014 tại Ethiopia, Tập đoàn Thi công đường sắt TQ (CREC) đã bị chính quyền quốc gia châu Phi buộc tự chi trả chi phí thay đổi toàn bộ 5,6 km đường ray được CREC lắp đặt sai với các tư vấn kỹ thuật.
Trước đó, CREC đã nhận thầu từ Tập đoàn Đường sắt Ethiopia (ERC) thực hiện dự án đường sắt của TP Addis, nằm trong vùng Hạ Sahara. Theo trang tin tức địa phương Addis Fortune, tuyến đường sắt được thi công trên một sườn dốc với độ nghiêng hơn 4%, chính vì thế chỗ nối các đoạn đường ray cần phải được nối lại bằng cách hàn chúng lại. Tuy nhiên, phía nhà thầu TQ, thay vì làm đúng theo yêu cầu kỹ thuật, đã cho nối các đoạn đường ray bằng đinh ốc. Điều này làm tăng nguy cơ trật đường ray của các chuyến tàu di chuyển với tốc độ cao.
Điều đặc biệt là phía cơ quan quản lý Ethiopia sở dĩ phát hiện được sai phạm kỹ thuật này là nhờ đã cẩn thận mời một công ty tư vấn kỹ thuật của Thụy Điển song song giám sát dự án. Đơn vị tư vấn Thụy Điển sẽ theo từng “đường đi nước bước” của nhà thầu TQ, từ khi công trình bắt đầu đến khi kết thúc. ERC chỉ trả tiền cho nhà thầu TQ và cho dự án đi vào hoạt động một khi công ty tư vấn kỹ thuật Thụy Điển đã nghiệm thu và kết luận an toàn. Dự kiến tuyến đường sắt này sẽ được hoàn thành vào năm 2015, trở thành một trong những tuyến đường sắt lớn nhất khu vực Hạ Sahara.
Phạt vi phạm hàng triệu USD
Một nhà thầu Thượng Hải (Sinopec Shanghai Engineering Company Ltd) cũng đã bị chính quyền TP Alberta (Canada) đưa ra đến 14 cáo buộc vi phạm an toàn lao động và thi công không đúng yêu cầu kỹ thuật vào hồi tháng 4.2009. Một vụ tai nạn xảy ra vào năm 2007 tại một hồ chứa dầu thuộc dự án khai thác nhiên liệu Horizon đã bất ngờ sụp mái làm hai người thiệt mạng và bốn người bị thương.
Sau hơn năm năm trời theo đuổi vụ kiện, tòa án TP Alberta tháng 1.2013 đã chính thức đưa ra mức án phạt lên đến 1,5 triệu USD dành cho công ty của Thượng Hải. Đây được đánh giá là mức phạt “kỷ lục” đối với các sai phạm về an toàn lao động tại thành phố này. Tuy nhiên, theo đánh giá của tờ CBC News (Canada), mức phạt này vẫn chẳng thấm vào đâu so với doanh thu hàng tỉ USD của tập đoàn xây dựng quốc tế Thượng Hải.
Được biết 1,3 triệu USD sẽ được trích ra từ tổng số tiền nộp phạt để chính quyền Alberta thực hiện dự án “giáo dục” cho các công nhân người nước ngoài đến làm việc tại các công trình của thành phố. Dự án sẽ thuê 45 nhân viên hướng dẫn để đào tạo cho 5.500 công nhân trong thời gian ba năm. Phần còn lại được sử dụng để hỗ trợ gia đình nạn nhân.
Hủy thầu vì nghi tham nhũng, sợ kém chất lượng
Tháng 11.2014, chính quyền tổng thống Enrique Peña Nieto của Mexico đã phải cho hủy hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Mexico với TP Queretaro trị giá gần 4 tỉ USD, với một nhóm các nhà thầu Mexico hợp tác cùng một công ty xây dựng TQ. Tuy nhiên, một trong số các nhà thầu Mexico này lại thuộc quyền sở hữu của anh rể cựu Tổng thống Carlos Salinas, “thầy” của ông Enrique Peña Nieto. Không những thế, tổng thống đương nhiệm của Mexico còn bị báo giới phanh phui một số tài sản cá nhân được chi trả bằng tiền của các công ty thắng thầu.
Thông tin này được công bố ngay giữa đợt khủng hoảng xoay quanh vụ một nhóm sinh viên bị các băng nhóm ma túy, làm ngơ bởi cảnh sát địa phương, ra tay giết hại và thiêu xác. Vụ việc này đã góp phần kéo lòng tin của người dân vào chính quyền Mexico xuống thấp. Vụ việc ngay lập tức vấp phải nhiều hoài nghi và chỉ trích từ người dân Mexico. Chỉ ít ngày sau đó, Bộ Giao thông nước này đã đưa ra tuyên bố hủy hợp đồng đấu thầu để… trấn an dư luận, xóa bỏ mọi nghi ngờ.
Theo bình luận của tờ Los Angeles Times, một trong những nguyên nhân khác khiến cho dự án buộc phải bị hủy bỏ chính là sự lo sợ của người dân đối với một công trình kém chất lượng. Tờ báo này cho biết một dự án đường sắt dài hơn 560 km, nối từ Los Angeles đi San Francisco tại Mỹ, có tổng giá trị xấp xỉ 68 tỉ USD.
Trong khi dự án của Mexico có độ dài lên đến gần 200 km nhưng lại được vị tổng thống tuyên bố sẽ được hoàn thành trong thời gian ba năm, với giá chỉ 4 tỉ USD. Dự kiến vào năm 2017, tuyến đường sẽ vận chuyển đến 23.000 người/ngày với vận tốc gần 290 km/giờ.
Tất cả 15 bên đấu thầu đều đã tự động bỏ cuộc khi biết được yêu cầu quá khắc nghiệt về thời gian và tiền của đấy. Chỉ riêng nhóm nhà thầu được dẫn đầu bởi công ty TQ là “đủ bản lĩnh” để nhận thi công”. Không trách sao người dân Mexico sợ hãi.
Trung Nhân (Pháp luật TP.HCM)
No comments:
Post a Comment