Monday, November 10, 2014

Tàu ma, ụ nổi: Làm gì cho đỡ...xót?

(Baodatviet) - Tàu ma, ụ nổi của Vinashin, Vinalines hoàn toàn có thể cải hoán thành tàu “căn cứ tổng hợp” như cách TQ đang làm với ụ nổi của họ ở Trường Sa

Cánh làm của Trung Quốc
Vừa qua, báo chí phương Tây dẫn lời quan chức thuộc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang phát triển những ụ nổi đa chức năng để triển khai đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc còn trắng trợn khẳng định các ụ nổi này sẽ được thử nghiệm tại Hoàng Sa trước khi được đưa đến Trường Sa.
Cụ thể Bắc Kinh sẽ sản xuất các ụ tàu nổi này trên đất liền rồi chuyển tới các đảo để lắp ráp. Mẫu cơ bản gồm một nền thi công lớn hình chữ nhật và một cây cầu dùng để kết nối phần nền với đảo.
Hai biến thể của loại ụ tàu nổi mới này đang trong giai đoạn phát triển. Loại thứ nhất cơ bản bao gồm một sàn đa năng và một chiếc cầu.
Mô phỏng cách thức hoạt động của ụ nổi Trung Quốc
Mô phỏng cách thức hoạt động của ụ nổi Trung Quốc
Theo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Đóng tàu Trung Quốc, biến thể thứ nhất có thể là nơi neo đậu cho tàu thuyền cỡ 1.000 tấn, làm trạm duy tu bảo dưỡng cho tàu cá, trở thành trạm phát điện, nơi trữ và cấp nước sạch, khử muối nước biển, nơi chứa nước mưa và làm kho thiết bị.
Biến thể thứ hai được lắp đặt theo kiểu giàn khoan nửa nổi nửa chìm có thể tự di chuyển trong một phạm vi nhất định, không quá xa.
Loại này phục vụ cho việc thi công và bảo dưỡng đơn giản ở các đảo, ví dụ như: nâng cao nền cát hay di dời rạn san hô. Ngoài ra nó còn có chức năng bổ sung là nơi cư trú tạm thời cho các đội xây dựng hay xử lý nước thải. Các cây cầu nối được cho là có thể chịu được tải trọng lên đến 10 tấn.
Tàu ma, ụ nổi: làm gì cho bớt lãng phí?
Trước thông tin này từ Trung Quốc, phóng viên báo Đất Việt đã trao đổi với kỹ sư Phan Vĩnh Trị, nguyên Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Vinashin.
PV: - Dưới góc độ là một nhà nghiên cứu hàng hải, có nhiều nghiên cứu và bình luận tâm huyết với chủ quyền đất nước, ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc xây dựng ụ nổi ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam?
Ông Phan Vĩnh Trị: - Đây là một bước leo thang mới của Trung quốc trong việc lấn chiếm biển đảo của chúng ta. Hành động này kế tiếp một chuỗi liên tiếp các hành động khác nhằm khẳng định sự có mặt của Trung quốc trong vùng biển đảo đã lấn chiếm trái phép của Việt nam.
Nó cho thấy tuy trên lời nói Bắc kinh tuyên bố đàm phán, thương lượng, tuân thủ quy tắc ứng xử v.v... nhưng trên thực tế họ quyết tâm chiếm đóng các vùng biển đảo đó và thể hiện bằng các hành động cụ thể. Như vậy, chắc chắn sau việc này, sẽ còn các vụ việc lấn chiếm khác, càng ngày sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Để giải quyết hậu quả của Vinashin, Vinalines, người ta chỉ tính toán nhanh nhất là khả năng bán tháo hoặc dỡ bỏ những con tàu ma hay ụ nổi
Để giải quyết hậu quả của Vinashin, Vinalines, người ta chỉ tính toán nhanh nhất là khả năng bán tháo hoặc dỡ bỏ những con tàu ma hay ụ nổi
PV: - Theo ông, Việt Nam có nên có những hành động tương tự như vậy để đảm bảo hiện diện trên phần chủ quyền của mình?
Ông Phan Vĩnh Trị: - Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta hoàn toàn có quyền thực hiện mọi biện pháp, hành động có hiệu quả và phù hợp với tình hình. Ví dụ như thay vì để cho ngư dân tự bám biển như hiện nay, chúng ta cần phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho kinh tế biển một cách hiệu quả hơn, có nhiều trang thiết bị, nhiều cơ sở hỗ trợ cho ngư dân hơn nữa.
PV: - Ông đã từng đề cập đến việc cải hoán những con "tàu ma", ụ nổi của Vinashin, Vinalines để phục vụ cho mục đích nêu trên. Việc này có thể thực hiện được không và sẽ thực hiện như thế nào?
Ông Phan Vĩnh Trị: - Hiện nay chúng ta có một đội tàu, phương tiện nổi bỏ không rất lớn, có giá trị không nhỏ, trong đó có cả những con tàu vừa đóng xong. Tàu bỏ không rất nhanh bị rỉ hỏng, mất mát trang thiết bị (do không có cả tiền trông tàu). Ngoài các giải pháp phá dỡ, bán, nên nghiên cứu các giải pháp tận dụng vào các mục đích khác. Tôi gợi ra một vài ý tưởng như sau:
Thứ nhất, trên toàn bộ tuyến biên giới biển, thiết kế đặt một số cụm "đảo di động". Đó là những cặp tàu 2 chiếc đã được hoán cải thành những tàu căn cứ tổng hợp: hậu cần nghề cá, thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn, nghiên cứu biển, tìm kiếm cứu nạn, cảnh sát biển, v.v....
Từng cặp tàu đó sẽ thay nhau có mặt tại vùng biển quy định, vừa khẳng định sự có mặt, chủ quyền của chúng ta, vừa thực hiện các công việc về kinh tế - quốc phòng như nói trên. Vành đai "đảo di động" kết hợp với các đảo thiên nhiên đã có chính là một thành phần của hạ tầng cơ sở kinh tế biển đã nói ở trên.
Tàu Hoa Sen 63 triệu euro đang được rao bán
Tàu Hoa Sen 63 triệu euro đang được rao bán
Thứ hai, để hoán cải, sửa chữa tàu, cần có ụ tàu (ụ khô hoặc ụ nổi). Hiện nay chúng ta có rất ít ụ, vì vậy ụ nổi của Vinalines nên được khảo sát xem còn có thể sử dụng được không (kể cả hạ tải với mục đích sửa chữa tàu ngư dân), cân nhắc lợi hại giữa việc tận dụng và bán hoặc phá dỡ trước khi quyết định.
Thứ ba, một số tàu, ụ quá cũ có thể mang ra đánh chìm trên những đảo chìm, tạo nên một căn cứ quân sự như Philipine đã làm.
Ngoài ra, nếu chịu nghiên cứu tìm tòi có thể còn một số phương án tận dụng khác có hiệu quả hơn thay vì tìm cách bán tháo như sắt vụn.
Tất nhiên, trên đây chỉ là những ý tưởng hết sức sơ bộ, có tính gợi mở theo tinh thần "xử lý những lãng phí cũ một cách đỡ lãng phí nhất". Để làm được như vậy, cần phải có sự phối kết hợp của nhiều bộ, ngành để đánh giá xem những ý tưởng đó có nên thực hiện không, có khả thi không và có hiệu quả kinh tế - chính trị không?
Nhưng một điều chắc chắn rằng các doanh nghiệp đang quản lý đội tàu ma hiện nay không có đủ năng lực để làm điều đó nên cách nhanh nhất, đơn giản nhất là xin bán hoặc phá dỡ. Trong việc nghiên cứu, đánh giá các phương án tận dụng, cũng cần tránh "lợi ích cục bộ" chỉ thích làm mới, có tiền nhiều mới làm...thì mới có kết luận khách quan, chính xác được.

Chân thành cám ơn những ý kiến của ông!
  • Minh Tú

No comments:

Post a Comment