Monday, November 10, 2014

Giành thí sinh, đua nhau thay tên trường đại học

SÀI GÒN (NV) - Do không tuyển được học viên vì thừa trường thiếu trò, hàng loạt trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã xin “thay tên đổi họ” sau hàng chục năm gắn bó...

Theo Tuổi Trẻ, có trường đổi tên hoàn toàn, có trường bỏ đi những chữ “không còn phù hợp,” bởi nhiều nguyên nhân như: tên gọi gắn liền với các “tai tiếng,” không thu hút thí sinh, tuyển sinh khó khăn...


Trường ÐH Công Nghệ Thông Tin Gia Ðịnh đang xin bỏ chữ “công nghệ thông tin” trên bảng hiệu của trường. (Hình: Tuổi Trẻ)

Cuối năm 2013, tên trường Ðại Học (ÐH) Kỹ Thuật Công Nghệ vốn tồn tại gần 20 năm trong hệ thống giáo dục ÐH Việt Nam được thay bằng tên mới là trường ÐH Công Nghệ. Lý do tên “kỹ thuật công nghệ” khó nhớ, 10 người thì hết 8 người không đọc đúng tên trường?

Cùng thời điểm này, trường ÐH Kinh Tế Kỹ Thuật Hải Dương cũng đổi tên thành trường ÐH Hải Dương. Ngày 24 tháng 10, Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo đã ký quyết định đổi tên trường Cao Ðẳng (CÐ) Kinh Tế Kỹ Thuật Phú Lâm thành trường CÐ Kinh Tế Kỹ Thuật.

Theo lời giải thích thì vì Phú Lâm chỉ là một địa danh thuộc quận 6, Sài Gòn, nên việc đổi tên sẽ phù hợp hơn với vai trò là trường trọng điểm của khu vực. Ðây là lần thứ hai trường này thay đổi tên.

Trong khi đó, sau khi mua lại trường CÐ Kinh Tế Kỹ Thuật Sài Gòn vào cuối năm 2013, đang bị đình chỉ tuyển sinh hai năm liên tiếp, ông Lê Lâm, hiệu trưởng, lập tức làm thủ tục đổi tên thành trường CÐ Ðại Việt Sài Gòn. Cùng chung số phận, sau khi mua lại trường CÐ Công Nghệ và Kinh Doanh Việt Tiến, thành phố Ðà Nẵng, ông Lâm cũng đang làm thủ tục để đổi tên thành trường CÐ Ðại Việt Ðà Nẵng.

Theo ông Lâm, tên trường cũ tuy thu hút thí sinh nhưng gắn liền với nhiều tai tiếng trước đó như đấu đá nội bộ kéo dài, bị đình chỉ tuyển sinh nhiều năm liên tiếp, nếu giữ tên cũ thì chắc chắn việc tuyển sinh rất khó khăn.

Tương tự, trường ÐH Thái Bình Dương, tỉnh Khánh Hòa xin đổi tên thành trường ÐH Á Châu Việt Nam. Trường này tên cũ cũng gắn với nhiều tai tiếng trước đó, trong khi chủ đầu tư mới phần lớn làm trong ngân hàng, nên cũng muốn thay đổi tên gọi. Thực tế vài năm qua trường tuyển sinh rất khó khăn.

Ngoài ra, hàng loạt trường ÐH và CÐ sư phạm ở các tỉnh, thành cũng đã đồng loạt bỏ chữ “sư phạm” để hướng tới đào tạo đa ngành. Cụ thể như yrường ÐH Vinh, ÐH Quy Nhơn, ÐH Ðồng Tháp, CÐ Cần Thơ, CÐ Bến Tre, CÐ Bình Ðịnh... đã lần lượt bỏ chữ “sư phạm” trong tên gọi của mình.

Thực tế, nhu cầu nhân lực ngành sư phạm trong nhiều năm trở lại đây đã bão hòa, thậm chí dư thừa. Các trường đã chuyển sang đào tạo đa ngành, đặc biệt là các trường CÐ, số ngành sư phạm không còn chiếm đa số như khi còn mang tên chuyên ngành sư phạm.

Tháng 3, 2014, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam được thành lập với gốc là trường ÐH Nông Nghiệp Hà Nội. Hay trường ÐH Y Hải Phòng đổi tên thành trường ÐH Y Dược Hải Phòng; trường ÐH Y Thái Bình cũng được thêm chữ “dược.”

Ðầu năm 2014, trong buổi họp với Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo, lãnh đạo trường ÐH Sư Phạm đề xuất đổi tên trường thành trường Sư Phạm Quốc Gia hoặc ÐH Sư Phạm Quốc Gia.

Bên cạnh đó, trường ÐH Công Nghệ Thông Tin Gia Ðịnh xin đổi tên trường, bỏ chữ “công nghệ thông tin,” nhưng vẫn chưa được chấp thuận, phải chờ bộ kiểm định chất lượng.

Theo ông Nguyễn Ðăng Liêm, hiệu trưởng trường này cho biết, khi làm đề án xin thành lập trường, ngành công nghệ thông tin được xác định là ngành mũi nhọn của quốc gia, nên lấy tên có chữ “công nghệ thông tin” sẽ dễ xin phép hơn.

Tuy nhiên, sau đó ngành này được đào tạo đại trà, tuyển sinh rất khó khăn và khiến thí sinh hiểu lầm trường chỉ đào tạo ngành này, dẫn đến khó tuyển sinh trong khi trường đào tạo đa ngành. (Tr.N)

11-10- 2014 4:37:29 PM

No comments:

Post a Comment