Monday, July 28, 2014

Nhật cung cấp vũ khí cho Mỹ và đồng minh, ai lo?

(Baodatviet) - Tokyo đang xem xét việc thông qua một đạo luật cho phép Lực lượng phòng vệ nước này cung cấp vũ khí và đạn dược cho lính Mỹ và các nước khác
Nhật Bản liên tục tăng cường sức mạnh quân đội
Ngày 26/7, hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn một nguồn tin từ chính phủ cho biết Tokyo đang xem xét việc xây dựng một đạo luật mới, mà theo đó, Lực lượng phòng vệ (SDF) được phép cung cấp vũ khí và đạn dược cho Mỹ và đồng minh, thậm chí là các nước khác như một phần trong các hoạt động hỗ trợ hậu cần.
Tokyo hi vọng sẽ có được sự thông qua và được diễn giải lại trong những hướng dẫn về hợp tác phòng thủ chung giữa Mỹ và Nhật Bản dự kiến vào cuối năm 2014. Trong cuộc họp thường kỳ của Quốc hội Nhật Bản vào năm 2015, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh các đạo luật nhằm tăng quyền cho quân đội.
Nguồn tin của hãng Kyodo lý giải, với dự luật cho phép cung cấp vũ khí dưới dạng hỗ trợ hậu cần, SDF sẽ không đi ngược lại Hiến pháp hòa bình với điều kiện họ không tham gia hoạt động sử dụng vũ lực của các quốc gia được Nhật Bản cung cấp vũ khí. Cũng theo nguồn tin này, ông Shinzo Abe đang nỗ lực loại bỏ những hạn chế đối với quân đội, để mang lại tư thế chủ động hơn cho Nhật Bản trong các vấn đề thế giới và an ninh khu vực.
Quân đội Mỹ và Nhật tập trận tái chiếm đảo với máy bay MV-22 Osprey
Quân đội Mỹ và Nhật tập trận tái chiếm đảo với máy bay MV-22 Osprey
Đầu tháng 4/2014, chính phủ Nhật thông qua việc xuất khẩu vũ khí của nước này với ba điều lệ ràng buộc, trong đó có việc không bán vũ khí sát thương cho các quốc gia đang có chiến tranh.
Tiếp đến, tháng 7/2014, Nhật Bản thông qua luật phòng vệ tập thể, cho phép quân đội được tham chiến trong một cuộc chiến không liên quan đến mình của đồng minh hoặc các quốc gia mà Nhật Bản cho rằng cuộc chiến đó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của mình.
Và đến thời điểm hiện tại, cuối tháng 7/2014, Nhật tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong việc cung cấp vũ khí, đạn được khí tài cho Mỹ và các quốc gia bên ngoài, miễn sao không tham chiến.
Có thể thấy rằng, Nhật Bản đang từng bước tìm cách lách luật cho quân đội của mình thông qua những cách diễn giải mới cho Hiến pháp hòa bình. Từng bước như vậy, Nhật Bản đang từng bước gỡ bỏ những rào cản mà Hiến pháp này đặt ra, khôi phục lại cho mình một lực lượng quốc phòng với đầy đủ chức năng nhiệm vụ.
Và đích đến cuối cùng, khi gỡ được tất cả rào cản này, Nhật Bản sẽ cho mình quyền được phát động chiến tranh.
Vì sao Nhật Bản muốn cung cấp vũ khí cho Mỹ và đồng minh?
Với dự luật trên, thực tế Nhật Bản đang muốn tìm kiếm một số lợi ích như sau. Trước hết, về vị thế quốc tế, Nhật đang muốn can dự sâu hơn vào các hành động của Mỹ tại các điểm nóng quốc tế. Hay nói cách khác, Nhật muốn thể hiện uy thế của mình rõ nét hơn, thay vì là một quốc gia miệt mài bơm ra đồng vốn ODA để gia tăng ưu thế.
Thứ hai, nếu Mỹ sử dụng vũ khí của Nhật Bản để phục vụ các hoạt động quân sự của mình, điều này khẳng định chất lượng cho vũ khí Nhật không thua kém gì hàng Mỹ. Trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, quảng cáo ưu việt nhất chính là thực tế trên chiến trường chứ không phải các cuộc thử nghiệm hoặc những loạt đồ họa màu mè.
Xe tăng của Nhật Bản
Xe tăng của Nhật Bản
Người ta mua vũ khí để sát thương, để chiến tranh, và Nhật đang muốn mượn tay Mỹ quảng cáo cho những sản phẩm của mình thông qua các hoạt động quân sự thường xuyên của họ.
Thứ ba, trong thế giới tư bản, không có chuyện Nhật cung cấp miễn phí vũ khí, đạn dược cho Mỹ và các đồng minh, dù là hỗ trợ hậu cần. Điều này đồng nghĩa với việc, Nhật đang tính bài toán trao đổi với chính những đồng minh của họ.
Trong dự luật này còn có một điểm cần chú ý, Nhật có thể sẽ được phép hỗ trợ hậu cần cho nước ngoài, miễn không tham gia vào cuộc chiến tranh hoặc hoạt động quân sự của họ. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật sẽ hỗ trợ vũ khí cho bất kỳ nước nào. Tất nhiên kèm theo đó phải là những điều kiện.

Mỹ - Nhật siết nguồn cung vũ khí Nga
Nhật Bản xuất hiện với tư cách là một nguồn cung vũ khí là điều sớm hay muộn sẽ phải xảy ra. Chỉ có điều, Nhật sẽ chính thức tham gia thị trường ấy như thế nào: một tay buôn độc lập hay là một phần của hội buôn và vào khi nào. Việc tham gia sau, không có thị trường truyền thống như Nga, Mỹ khiến Nhật Bản buộc phải tìm những nước đi mới cho mình.
Xe tăng của Nhật Bản thể hiện uy lực trong một lần tập trận
Xe tăng của Nhật Bản thể hiện uy lực trong một lần tập trận
Theo cách mà Tokyo đang làm hiện nay, Nhật Bản đang thể hien một mục đích khác cao tay hơn: sử dụng tình đồng minh để dần ra mắt thị trường.
Các đồng minh của Nhật Bản sẽ không dễ gì để từ chối những hợp đồng vũ khí theo kiểu hỗ trợ hậu cần, với giá rẻ hơn, chất lượng hơn, và đặc biệt, nó được cung cấp từ đồng minh, có nghĩa là những người chung chí hướng với nhau và chung kẻ thù. Sẽ không có gì khó hiểu khi Philippines, Úc tìm đến nguồn cung của Nhật Bản.
Nhật Bản có thể làm bạn với tất cả các quốc gia, thông qua hai lá bùa hộ mệnh: Đối thủ của Trung Quốc và Quyền phòng vệ tập thể. Như vậy, khi Trung Quốc ngày càng ngang ngược, đồng nghĩa với việc Nhật Bản ngày càng có nhiều bạn.
Đến lúc đó, lá bùa hỗ trợ hậu cần kia sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh. Người Nhật thông minh với chiêu bài thân thiện sẽ không khó để thiết lập cho mình những thị trường ruột, thậm chí là nẫng thị trường trên tay các “đại gia” khác, đặc biệt với Nga.
Nhật Bản đang nắm giữ sức mạnh hải quân hàng đầu châu Á
Nhật Bản đang nắm giữ sức mạnh hải quân hàng đầu châu Á
Bởi lẽ, Nga và Trung Quốc đã quá thân nhau. Vũ khí Nga là yếu tố khiến quân đội Trung Quốc giễu võ dương oai được như ngày nay. Trung Quốc mang lại cho Nga quá nhiều quyền lợi buộc họ không thể từ chối, nhưng quyền lợi đó chính là con dao hai lưỡi, khi dần dần, ngoài Trung Quốc ra, Nga sẽ mất dần các thị trường đối đầu với Trung Quốc.
Vũ khí là một trò chơi của sự khắc chế lẫn nhau. Và một khi Trung Quốc có vũ khí Nga, người đối đầu với Trung Quốc buộc phải dùng vũ khí của nền công nghiệp khác để đối đầu.
Thị trường tiềm năng của Tây Á, Đông Nam Á đã dần bỏ lại nước Nga hai mang, và tìm đến những phe có lập trường vững vàng hơn. Và Nhật Bản nhanh chóng len chân vào thị trường béo bở đang bỏ không đó.

Đỗ Minh Tú

No comments:

Post a Comment