(Baodatviet) - Cùng với việc GK Hải Dương 981 tiếp tục tác nghiệp trên BĐ 2 tháng nữa, TQ còn tổ chức diễn tập bắn đạn thật trong khu vực vịnh Bắc Bộ.
Bắc Kinh liên tục gia tăng căng thẳng trên biển Đông
Trong thời gian qua, tình hình căng thẳng trên biển Đông không xảy ra xung đột quân sự chủ yếu là do sự kiềm chế của Việt Nam. Nếu không có sự chủ động đối phó và sử dụng các biện pháp hòa bình của lực lượng chấp pháp Việt Nam, có thể căng thẳng đã leo thang đến mức độ khó kiểm soát được.
Trước thái độ cương quyết không nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền biển đảo, kết hợp với những biện pháp đối phó khôn khéo của Việt Nam, cộng đồng quốc tế nói chung đã ngả về Việt Nam và nhận rõ bộ mặt thật của nhà cầm quyền Bắc Kinh, khiến Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để tính toán những âm mưu khác.
Hiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã trở lại sau chưa đầy 2 tuần trở về Hải Nam tránh bão. Ngày 24-07, trên trang web của Cục Hải sự quốc gia Trung Quốc đã phát đi thông báo hàng hải số 33 - năm 2014, về hoạt động tác nghiệp trong thời gian tới của giàn khoan “Hai Yang Shi You 981” (Hải Dương 981).
Theo đó, giàn khoan này sẽ tiếp tục hoạt động tác nghiệp khoan dầu khí tại khu vực biển Đông trong vòng hơn 2 tháng tới, từ ngày 23-07 đến ngày 30-09-2014. Vị trí tác nghiệp có tọa độ “17.25′46″.9N/110.41′22″.3E” (17 độ 25 phút 46 giây 9 vĩ độ Bắc/ 110 độ 41 phút 22 giây 3 kinh độ Đông).
Vị trí tác nghiệp hiện tại, cách Lăng Thủy thuộc đảo Hải Nam - Trung Quốc 68 hải lý (124,576km) về phía Đông Nam, cách điểm cực tây bắc của quần đảo Hoàng Sa là đảo Đá Bắc (17 ?06′0″N/111 ?30′8″E) 96,28km, vị trí tác nghiệp mới của nó cách vị trí hạ đặt (trái phép) cũ là 221,68km về phía bắc - tây bắc.
Việt Nam phải luôn cảnh giác trước những âm mưu và thủ đoạn mới của Trung Quốc
|
Động thái này khiến biển Đông tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Hải Dương 981 tiếp tục được kéo xuống biển Đông cho thấy Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông - nơi có trữ lượng tài nguyên “vàng đen” khổng lồ, nguồn lợi hải sản dồi dào và vị trí địa-chính trị quan trọng trong khu vực.
Các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế nhận định, khi Hải Dương 981 trở lại, Bắc Kinh sẽ có những âm mưu và thủ đoạn mới và hành động sẽ ngày càng hung hăng và quyết liệt hơn. Điều đó đặc biệt nguy hiểm khi Bắc Kinh hiện đang không ngại ngần phô trương sức mạnh quân sự đối với các nước láng giềng.
Trong thông báo ngày 27-7 của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, nước này đang tiến hành tập trận bắn đạn thật rầm rộ trong vịnh Bắc bộ, kéo dài đến ngày 1-8, tại khu vực giáp ranh với vùng biển Việt Nam. Đợt tập trận gần vùng biển Việt Nam lần này của Trung Quốc có quy mô lớn hơn những cuộc tập trận trước đây.
Các học giả quốc tế nhận định, những động thái nói trên của Trung Quốc càng làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia trong khu vực bởi Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông, được cho là dồi dào tài nguyên khoáng sản, dựa theo cái gọi là "đường lưỡi bò” mà nước này tự vẽ ra trên biển Đông.
Song song với đó, Bắc Kinh cũng tổ chức hoạt động diễn tập bắn đạn thật trên quy mô lớn trên khắp vùng biển Hoa Đông nhằm đáp trả cuộc tập trận chung Malabar kéo dài một tuần, do 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tổ chức tại căn cứ hải quân Sasebo ở miền nam Nhật Bản, tuyên bố với thế giới biết về sức mạnh hàng đầu thế giới của quân đội Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc đang gia tăng các cuộc tập trận nhằm “dằn mặt láng giềng”
|
Ông Suh Jin-young, một giáo sư chuyên nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Trường Đại học Hàn Quốc, nhận xét các đợt tập trận lần này “khác với các đợt tập trận trước ở chỗ Trung Quốc đang tiến hành theo một cách đình đám hơn, cho thấy nước này có vẻ như đang muốn làm cho căng thẳng quân sự leo thang”.
Hơn nữa, các cuộc diễn tập được tổ chức trùng với thời điểm Bắc Kinh chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội 1-8. Hoạt động diễn tập quy mô lớn trên biển Hoa Đông được tiếp nối bằng cuộc diễn tập bắn đạn thật trong vịnh Bắc Bộ cho thấy, dường như Bắc Kinh đang thị uy sức mạnh quân sự với các nước láng giềng, mà trực tiếp là Việt Nam.
Trong hơn 2 tháng hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và chịu sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, với dã tâm và tham vọng quá lớn, Bắc Kinh đã bất chấp tất cả, tiếp tục có những động thái gia tăng căng thẳng mới ngày càng nguy hiểm hơn.
Trung Quốc quay phía tây lấn chiếm Ấn Độ, ngoảnh phía đông chèn ép Nhật Bản, nhòm phía nam gây hấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonessia…, dùng vũ lực đe dọa, gây gổ với hầu như toàn bộ các nước xung quanh, các nước láng giềng của Trung Quốc đang ngày càng lo ngại trước sự uy hiếp quân sự của Bắc Kinh.
Với động thái tiếp tục kéo giàn khoan xuống biển Đông và tập trận trong vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc xác định chọn Biển Đông làm mục tiêu bành trướng số 1, và mục tiêu trọng điểm trước tiên của họ tại đây là Việt Nam và Philippines vì cả 2 nước đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, nhằm hiện thực hóa 2 sườn phía tây và phía đông của “đường lưỡi bò”.
Lí do quan trọng nhất là hiện nay Trung Quốc đã kiểm soát thực tế sườn phía đông "đường lưỡi bò", chạy dọc từ bãi cạn Scarborough đến khu vực bãi Cỏ Mây, bãi Cỏ Rong ở Trường Sa, chặn đứng mọi con đường tiến ra biển của Philippines. Trên thực tế hiện Manila không còn kiểm soát được các đảo và bãi cạn mà mình đã tuyên bố chủ quyền.
Con tàu nát BRP Sierra Madre - cứ điểm cuối cùng của bính lính Philippines trên bãi Cỏ Mây
|
Xét một cách toàn diện, khả năng xảy ra cuộc chiến quân sự tại biển Đông trong tương lai là thấp, bởi Bắc Kinh sẽ xem xét phương thức nào có lợi cho họ nhất. Sử dụng sức mạnh quân sự là lựa chọn tồi tệ nhất với Bắc Kinh, nhưng chúng ta không thể chủ quan trọng những tình huống liên quan đến Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Vì vậy, chúng ta cần phải có những tính toán phù hợp để tăng cường khả năng phòng thủ, phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả hơn. Việt Nam và cộng đồng quốc tế phải có những bước đi mạnh mẽ và cương quyết hơn nhằm ngăn chặn âm mưu, ý đồ, đặc biệt là những hành động ngang ngược và bất chấp luật lệ quốc tế của Trung Quốc nhằm nuốt trọn biển Đông.
Âm mưu của Trung Quốc và đối sách của Việt Nam
Nếu kết quả của đợt khảo sát chất lượng và trữ lượng dầu khí từ khu vực Hoàng Sa cho đến đảo Hải Nam cho thấy trữ lượng dầu và khí tự nhiên lớn, chắc chắn Trung Quốc quy hoạch nó vào vùng khai thác dầu khí Hải Nam-Tây Sa (Hoàng Sa). Từ đó sẽ phát sinh 2 vấn đề mà Việt Nam cần phải quan tâm chú ý và có biện pháp đối phó với những hành động tiếp theo của Trung Quốc.
Một là, rất có khả năng nước này sẽ đưa khu vực biển đã thăm dò ở Hoàng Sa vào dự án mời thầu quốc tế nhằm lôi kéo các công ty khai thác dầu khí của nước ngoài tham gia. Đây là hành động Bắc Kinh đã từng làm khi ngang nhiên mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam năm 2012.
Điều này không phải là do Trung Quốc không đủ năng lực khai thác mà họ mời thầu quốc tế chủ yếu để thực hiện âm mưu biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, biến vùng có tranh chấp thành chủ quyền của mình hoặc ít nhất cũng là vùng khai thác chung với những điều kiện có lợi nhất cho Trung Quốc.
Hai là, nếu các dự án mời thầu quốc tế không khả thi (giống như năm 2012) chúng ta cần tính đến khả năng Bắc Kinh sẽ bất chấp phản đối của Việt Nam và chỉ trích của cộng đồng quốc tế để tự mình khai thác thương mại vùng biển Hoàng Sa. Với những hành động ngày càng ngang ngược của Bắc Kinh, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngư dân Việt Nam chính là những "cột mốc" bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
|
Khi đó, có thể Trung Quốc sẽ kéo hàng loạt giàn khoan kiểu cũ có chi phí vận hành thấp, dàn hàng ngang áp sát đường phân định vịnh Bắc Bộ, kéo dài xuống khu vực 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Bắc Kinh đã ngang nhiên mời thầu quốc tế năm 2012 để làm hàng rào che chắn cho hoạt động khai thác dầu khí thương mại ở Hoàng Sa.
Điều này đặc biệt quan trọng vì dải bờ biển này cũng chính là sườn phía Tây “đường lưỡi bò” (đường 10 đoạn mới) phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đã kiểm soát thực tế sườn phía Đông, khi khống chế được bãi cạn Scarborough và bãi cỏ Mây, bãi cỏ Rong do Philippines tuyên bố chủ quyền.
Như vậy, Bắc Kinh sẽ đạt được chiến lược “mũi tên 2 đích”, vừa áp đặt được mục đích chính trị là hiện thực hóa được đường lưỡi bò, vừa hiện thực hóa được mưu đồ chiếm đoạt tài nguyên biển Đông bằng triển khai hoạt động khai thác dầu khí ở Hoàng Sa.
Có thể khẳng định là, nếu đạt được 2 mục đích chiến lược này mà không phải sử dụng đến biện pháp quân sự thì dù có phải kéo tới 10 giàn khoan Trung Quốc cũng sẽ làm. Liệu hành động triển khai hạ đặt 2 giàn khoan Nam Hải 4, Nam Hải 9 vào sát đường phân giới vịnh Bắc Bộ (khoảng từ 35-50km) trong thời gian qua có phải là sự chuẩn bị cho phương án này hay không?
Nếu Trung Quốc tăng cường hạ đặt thêm vài giàn khoan cũ xuống, hợp với giàn Nam Hải 4 và Nam Hải 9 đã tuyên bố hoạt động tác nghiệp trước đây, không cần tiến hành thăm dò, khai thác mà chỉ nhằm thu hút, căng kéo và ngăn cản lực lượng chấp pháp của ta ra Hoàng Sa thì Việt Nam - với vẻn vẹn hơn 60 tàu chấp pháp các loại - sẽ đối phó như thế nào?
Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải khẩn trương trang bị mới các loại tàu tuần tra hiện đại cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư; Nhà nước cần tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực của các doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào chiến lược phát triển ngư nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho ngư dân bám biển.
Việt Nam cần huy động sức mạnh của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn hành động ngang ngược của Bắc Kinh
|
Làm được điều này chúng ta sẽ đạt được rất nhiều lợi ích, thứ nhất là phát triển một cách khoa học ngành kinh tế ngư nghiệp đang còn nhỏ lẻ, manh mún của ta; thứ 2 là nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của bà con ngư dân; thứ 3 là bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc bởi chính ngư dân sẽ là những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Chúng ta cần tiếp tục các biện pháp tuyên truyền đấu tranh trên các phương tiện truyền thông, để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới, vạch trần những âm mưu và thủ đoạn của Bắc Kinh trước cộng đồng quốc tế. Đồng thời, triển khai nhiều phương thức và biện pháp tuyên truyền cho nhân dân Trung Quốc hiểu được bộ mặt thật của chính phủ mình, để tự họ cảnh tỉnh và góp phần ngăn chặn bàn tay của Bắc Kinh.
Việt Nam cần triển khai hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia khác trong khối ASEAN, cũng như các quốc gia có lợi ích tại biển Đông trên tất các lĩnh vực như hàng hải, ngư nghiệp, đóng tàu. Xây dựng cơ chế liên lạc và tham vấn khi có tình huống đột xuất xảy ra trên biển, để phối hợp đưa ra những biện pháp xử lý đồng bộ và chính xác.
Song song với đó, Việt Nam cần phải cảnh giác chống âm mưu la làng, ăn vạ của Trung Quốc, thậm chí là các hành động tự gây tổn hại để tạo cớ gây chiến của Bắc Kinh. Đồng thời các lực lượng vũ trang cũng phải nâng cao cảnh giác sẵn sàng chuẩn bị và chuẩn bị đầy đủ phương án đối phó với tình huống xấu nhất là đối phương chủ động gây xung đột quân sự.
Chặn đứng âm mưu của Trung Quốc sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự kiên cường, quyết liệt nhưng mềm mỏng và khôn khéo của Việt Nam. Trong thời gian tới, một mặt chúng ta sẽ phải kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, mặt khác phải lập tức kiện Trung Quốc ra Liên Hợp Quốc, đồng thời huy động sức mạnh của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn hành động ngang ngược của Bắc Kinh.
Cần khẳng định rằng, Việt Nam không liên minh, liên kết quân sự với bất cứ quốc gia nào để chống lại một bên thứ 3 nhưng không ai cấm Việt Nam huy động và biến sức mạnh của cộng đồng quốc tế thành nội lực của mình. Chỉ có huy động tối đa nguồn lực trong nước và sức mạnh của cộng đồng quốc tế thì Việt Nam và các nước Asean mới có thể chặn đứng “lưỡi bò” tham lam của Trung Quốc “liếm trọn” biển Đông.
Thứ Hai, 28/07/2014 13:47
Thiên Nam
No comments:
Post a Comment