Monday, July 28, 2014

Những sĩ tử nghèo thao thức mùa tựu trường

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 2014-07-28
Con đường phía trước của một sĩ tử  luôn đầy gai góc và cạm bẫyCon đường phía trước của một sĩ tử luôn đầy gai góc và cạm bẫy-RFA
Tuy mùa tựu trường chưa cận kề, mùa hè vẫn còn râm ran tiếng ve trên các tán lá phượng, nhưng đâu đó trong cõi lòng những sĩ tử nhà nghèo, một mùa tựu trường đầy cam go và vô định đang chờ họ. Bởi với một số thí sinh, kết quả thi đại học đã cho họ biết rằng năm tới mình sẽ là sinh viên. Và trở thành sinh viên trong môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa cũng đồng nghĩa với học phí, các loại chi phí vây bủa, tìm việc làm thêm mỏi cả gối, con nhà nghèo có thể phải bỏ học để mưu cầu cơm áo, cũng có nhiều sinh viên loay hoay với sự học đến mụ cả người nhưng đến khi tốt nghiệp, điệp khúc xin việc làm ám ảnh đến khôn nguôi!
Những cái nghèo nhói đau
Một sĩ tử tên Hoa, ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, vừa biết mình đạt được số điểm tương đối cao để chắc chắn đậu vào trường đại học Bách khoa Sài Gòn, chia sẻ: “Con thấy đi thi thì hồi mình mới lần đầu tiên đi xa nhà thì nói chung là sợ, không biết đậu hay không nhưng mà sợ không đậu là sợ làm buồn ba mẹ, nói chung là chưa nghĩ gì về tương lai nhưng mà thấy buồn. Còn hồi thi về thì bồi hồi, có điểm thì có vui cũng có nhưng mà sợ ra trường mình xin không được việc thì có học cũng như không, sợ mình không có tiền đút lót…”
Với Hoa, việc thi đậu đại học giống như một cách báo đáp công ơn cha mẹ đã bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nuôi em suốt mười mấy năm ăn học. Kết quả đậu đại học giống như một món quà dành tặng cha mẹ nhiều hơn là cánh cửa mở vào tương lai. Vì em thừa biết rằng với điều kiện kinh tế của gia đình mình, khó bề để theo đuổi hết giấc mơ đại học. Và hiện tại, mới xây xong căn nhà cấp bốn để chống lũ, trong đó có nhiều khoản tiền vay mượn của các hội từ thiện cho, nhưng gia đình Hoa bị xếp ngay vào diện không thuộc hộ nghèo, tiêu chuẩn vay của người nghèo bị khép lại.
Thi về thì bồi hồi, có điểm thì có vui cũng có nhưng mà sợ ra trường mình xin không được việc thì có học cũng như không, sợ mình không có tiền đút lót…
Một sĩ tử tên Hoa
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc gia đình em gặp rất nhiều khó khăn khi đi vay lãi suất thấp cho em ăn học. Đó là chưa kể đến hàng loạt các tiêu chuẩn rất buồn cười mà các cơ quan nhà nước đã bày ra để hạch họe người dân khi họ đến xin giấy xác nhận và giới thiệu để vay lãi suất thấp ở các ngân hàng. Nhưng dẫu sao, với Hoa, việc đậu đại học là một niềm kiêu hãnh bởi em không bất hiếu với cha mẹ, không để cha mẹ thất vọng và em quyết tâm sẽ khăn gói vào Sài Gòn để nhập học, sau này vừa học vừa kiếm việc làm thêm.
Vời người nông dân cho con vào đại học cũng là đang gieo sạ trên cánh đồng hy vọng của mình.
Vời người nông dân cho con vào đại học cũng là đang gieo sạ trên cánh đồng hy vọng của mình.
Đồng cảnh ngộ với Hoa, Liên cũng là một thí sinh nhà nghèo, chi phí chuyến đi thi của em cũng đủ làm người mẹ góa bụa của em chật vật, loay hoay đủ hướng để chạy vay chạy mượn kinh phí cho con gái lên đường thi đại học. Chỉ mới đi thi không thôi mà đã quá khó khăn như vậy, huống gì quá trình học dài đăng đẳng gần năm năm trời. Tuy nhiên, Liên cho chúng tôi biết thêm rằng năm đầu đại học, mẹ của Liên sẽ bán cặp bò trong chuồng và dắt con vào Sài Gòn, bà sẽ đi rửa chén bát thuê ở các quán ăn để kiếm tiền giúp con gái ăn học.
Nói đến đây, Liên quay đi chỗ khác, cố giấu sự xúc động của em. Liên nói rằng gia đình em thuộc diện rất nghèo trong xã hội. Nhưng gia đình em chưa bao giờ làm đơn xin xét hộ nghèo. Bởi mẹ em nói rằng để được xét hộ nghèo, phải chịu quá nhiều nỗi nhục bởi sự bình chọn, bình luận của nhiều người. Trong khi đó, cái nghèo vốn là một sự không may, một vết thương lòng, nếu để người ta tùng xẻo trên vết thương để công nhận mình nghèo thì thà rằng chịu chết đói còn hay hơn. Nói là vậy, nhưng cũng có đôi người nhà xe đầy đủ vẫn muốn có một cuốn sổ vay của hộ nghèo, điều này vô cùng khôi hài và khó hiểu cho một sĩ tử nghèo vừa đậu đại học và luôn nhìn cuộc đời tươi xanh, trong veo như Liên.
Anh không có tư tưởng ra là chạy xin việc cho con, học lấy kiến thức xong là về dùng kiến thức của mình được chừng nào tốt chừng đó. Chứ anh rất ghét việc đó, người ta họ chấp nhận chạy giống như một cái kiểu như rứa… Ông Hưng
Một tương lai vô định
Ông Hưng
Một tương lai vô định
Ông Hưng, người Đức Phổ, Quảng Ngãi, vừa biết con trai mình có khả năng đậu kinh tế với số điểm cao chia sẻ: “Anh không có tư tưởng ra là chạy xin việc cho con, học lấy kiến thức xong là về dùng kiến thức của mình được chừng nào tốt chừng đó. Chứ anh rất ghét việc đó, người ta họ chấp nhận chạy giống như một cái kiểu như rứa… còn mình không được, đó là việc không tốt, không có thì hay hơn.
Trách nhiệm của việc đó nó thuộc về một thể chế, pháp luật, mình là người dân mình lại bị cái hệ lụy của việc đó mà ra, phải tìm việc, quan hệ chỗ này chỗ kia, nhắm người quen…”
Với điều kiện không mấy thoải mái nhưng không được nhà nước xếp vào diện hộ nghèo, việc đi học đại học là cả một vấn đề nan giải. Thường với nhà nghèo, khi con vào đại học, cha mẹ sẽ bắt đầu nhìn quanh mình, từ còn heo con gà cho đến con trâu, con bò và sau đó là mảnh vườn, nếu tất cả những thứ ấy vẫn chưa đủ, người ta hay nghĩ đến việc thế chấp nhà để vay tiền cho con ăn học. Nhưng việc này chẳng khác nào chui đầu vào tròng. Vì tương lai của một sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam là con số không tròn trịa, chỉ cần vài năm thất nghiệp, làm đắp đổi qua ngày, lúc đó, lãi suất ngân hàng sẽ làm chết dần chết mòn căn nhà. Nguy cơ bị mất nhà là thấy trước mắt.
Nhưng đánh đổi cho việc mất nhà, sinh viên bị thất nghiệp kia vẫn không thể làm gì được khác ngoài chuyện chạy vạy công việc, thử việc và có thể bị gạt không lương trong quá trình thử việc, sau đó lại tiếp tục xin việc ở những nơi khác và cứ như thế kéo dài quá trình tìm việc làm bởi không đủ tiền để đút lót cho chỗ làm trong khi đó nợ vay ngân hàng cứ hối thúc bên lưng. Có thể nói đây là bài học xương máu của bất kì ai thế chấp nhà cửa để vay tiền cho con ăn học. Nhưng làm cha làm mẹ, dù có khổ cỡ nào, có mất trắng nhà cửa ra bụi cắm dùi người ta vẫn chấp nhận để con kiếm cái chữ.
Bởi với quan niệm của những người nông dân chân lấm tay bùn, những người nghèo, việc học là một thứ gì đó có tính thay đổi số phận và chỉ có con chữ mới cứu rỗi được những số phận ngặt nghèo, hẩm hiu, khổ sở. Và cái niềm tin mà trong cơ chế hiện tại tưởng chừng như ngây thơ này là một niềm tin chính đáng, một lựa chọn đúng đắn và tử tế.
Rất tiếc là trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, nếu mong đợi sự cứu rỗi ở tấm bằng tốt nghiệp đại học và tin rằng tấm bằng đại học sẽ mang về gia đình vốn liếng tri thức thì cần phải xem lại. Bởi lối dạy giáo điều ở bất kì ngôi trường xã hội chủ nghĩa nào cùng với hàng loạt tệ nạn bằng giả của các quan chức, tệ nạn mua điểm và tham nhũng trong ngành giáo dục đã đẩy tương lai của hàng triệu sinh viên vào ngõ cụt.
Và mùa tựu trường tuy còn xa, nhiều gia đình khá giả vẫn ung dung đưa con đi du lịch để mừng kết quả mùa thi đại học, nhiều gia đình sắm sửa những chiếc xe hơi mới cáu cho con để làm quà thưởng vào đại học… Thì cũng có nhiều gia đình ngậm ngùi vắt óc suy nghĩ từ những ngày con thi đại học xong rằng: Thi đậu thì lấy gì để ăn học đây?!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment