Monday, July 28, 2014

Nhật-Trung cạnh tranh: Ai xứng vai cường quốc?

(Baodatviet) - Nhật Bản đang nỗ lực biến mình thành tương xứng hơn với danh hiệu cường quốc, trong khi Trung Quốc cũng đang theo đuổi ngôi vị này
Cách Nhật, Trung Quốc theo đuổi danh hiệu cường quốc
Đối đầu với nhau trong việc giành giật chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cùng với những mối thù trong lịch sử và mâu thuẫn lợi ích của hiện tại đã khiến Nhật Bản và Trung Quốc trở thành hai quốc gia đại thù địch. Họ cạnh tranh nhau từng vị trí, từ bảng xếp hạng kinh tế cho đến sức mạnh quân sự, và bây giờ, cuộc đua ấy đang dần chuyển ra một chiến trường khác – vị thế với quốc tế.
Với Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình trong thông điệp đầu năm được gửi đi từ phòng làm việc riêng (thay vì Đại Lễ Đường Nhân Dân như các vị tiền nhiệm vẫn làm), họ Tập đã chỉ rõ Trung Quốc cần thể hiện hơn nữa vị thế của mình, tiếng nói của mình trong các vấn đề của quốc tế.
Và sau đây là cách Trung Quốc thể hiện vai trò cường quốc. Với các điểm nóng trên thế giới, nói thẳng, Trung Quốc đang chạy theo Nga như một đồng minh thân tín, quan điểm của Moscow là quan điểm của Bắc Kinh. Tiêu biểu như vấn đề Syria, Ukraine, Trung Đông, Triều Tiên…
Ông Tập Cận Bình trong phòng làm việc riêng phát đi thông điệp về giấc mơ Trung Hoa
Ông Tập Cận Bình trong phòng làm việc riêng phát đi thông điệp về giấc mơ Trung Hoa
Và sau mỗi sự ủng hộ “nước Nga vĩ đại” đó, “Trung Quốc quật cường” đều nhận được những lợi ích không nhỏ. Trước cuộc chính biến ở Ukraine, Trung Quốc ủng hộ Crimea về với nước Nga như một sự công bằng của lịch sử, bênh vực Nga trước những đòn trừng phạt của phương Tây…
Và những gì họ nhận được là một cơ số hợp đồng bị đình trệ từ nhiều năm được thông qua: hợp đồng dầu khí khổng lồ 400 tỷ USD nhưng với đơn giá rất hời, ký thêm được hợp đồng vũ khí tổ hợp tên lửa S-400 mà Trung Quốc đã mơ ước từ lâu, chưa kể Su-35, tàu ngầm Amur… đang trên đà thuận lợi.
Nhưng cái Trung Quốc được lợi nhất, là sự im lặng của Nga trong các vấn đề  ăn cướp lãnh thổ mà Trung Quốc dở trò tại Biển Đông và Hoa Đông.
Tập Cận Bình luôn rêu rao về việc Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, Trung Quốc nước lớn không ức hiếp nước nhỏ, Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế… Nhưng những thứ mà họ thể hiện với Giàn khoan Hải Dương 981 trong biển của Việt Nam, tuyên bố chủ quyền trong biển của Malaysia, cấm đoán hàng hải trong biển của Philippines… Tất cả những thứ đó cả thế giới đã phải lên án, nhưng Nga vẫn im lặng.
Với Trung Quốc, vị thế cường quốc của họ không phải là người đi xây dựng, người nâng đỡ mà là kẻ đi ăn cướp được hậu thuẫn và ỷ thế. Hậu thuẫn ở đây chính là sự hợp tác lợi ích giữa nước lớn với nước lớn (Nga – Trung), và ỷ thế nước lớn để bắt nạt nước bé, ỷ thế nước lớn để bất chấp pháp luật thế giới.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình với hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình với hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD
Đó là cách mà Trung Quốc đang theo đuổi vai trò cường quốc, và so với những gì họ phát biểu, mà cụ thể là ông Tập Cận Bình phát biểu, thì Trung Quốc đang nói một đằng làm một nẻo. Theo ngôn từ của người Hán thì là ngụy quân tử.
Còn với Nhật Bản, họ chơi một cuộc chơi sòng phẳng và đàng hoàng hơn. Trung Quốc mang quà đến bất kỳ quốc gia nào để chiêu dụ, Nhật Bản cũng hành động như một đối trọng đáng nể. Sức mạnh của đồng Yên đối đầu trực tiếp với sức mạnh của Nhân dân tệ. ODA của Nhật thể hiện một cách minh bạch hơn nhiều so với những gói hỗ trợ lập lờ của Bắc Kinh.
Nhật Bản tuyên bố chống Trung, đứng về phía các nước yếu để lên án Bắc Kinh. Nhật cũng thừa cơ hội đó mà trang bị cho mình quyền phòng vệ tập thể, cho phép tham chiến với đồng minh. Trong mắt các quốc gia bị Trung Quốc bắt nạt, Nhật nổi lên như một anh hùng nghĩa hiệp.
Nửa đầu năm 2014, song song với những hành động nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc, Nhật Bản của Shinzo Abe lại đi ngược lại hoàn toàn với những quyết tâm “đã nói là làm.” Cách Nhật Bản theo đuổi vị thế cường quốc hoàn toàn đối lập với Trung Quốc. Và bộ mặt cường quốc thực sự cũng dần được bộc lộ theo từng động thái.

Vì sao Nhật Bản theo đuổi vị thế cường quốc?

Trước đây, trên những điểm nóng của quốc tế, ít khi thấy Nhật xuất hiện. Nhưng thời gian gần đây, Nhật Bản liên tiếp lên tiếng. Trong vấn đề Ukraine, đầu tháng 7/2014, khi Mỹ và phương Tây áp đặt thêm biện pháp trừng phạt với các cá nhân và tổ chức của Nga, Nhật Bản đơn phương từ chối tham gia vào việc này. Nhưng khi máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ, ngày 28/7, Tokyo đã quyết định trừng phạt nước Nga vì đã gián tiếp gây ra thảm họa này.
Động thái này của Nhật Bản cho thấy họ đang chủ động trong các vấn đề quốc tế, và họ hành động khi quyền của con người bị xâm phạm, hay tội ác chiến tranh đang xảy ra. Đây là một nước cờ khôn ngoan của Tokyo khi tiếp tục lựa chọn đúng thời điểm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc diễu binh của quân đội
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc diễu binh của quân đội

Ông Abe cũng đến Mỹ Latinh để tìm kiếm một sự ủng hộ của lục địa này về việc đồng ý cho Nhật trở thành một trong các thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời, vận động Mỹ Latinh đóng một vai trò mới hơn, có thái độ tích cực hơn với TPP.
Phải nói rằng Nhật Bản đã thay đổi chiến thuật của mình, họ chủ động trang bị vũ khí, trang bị sức mạnh quân sự, họ chủ động tìm kiếm một sự công nhận vai trò cường quốc của họ trên thế giới.
Nhưng vì sao Nhật Bản phải thay đổi chiến lược như vậy? Bởi vai trò của Nhật sẽ ảnh hưởng đáng kể đến liên minh Mỹ - Nhật Bản, thậm chí là cả chiến lược chuyển trục châu Á – Thái Bình Dương của ông Obama nếu như Nhật không có một sức mạnh và vị thế cao hơn.
Bởi lẽ, châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á đều vẫn tồn tại những sự nghi kỵ với Mỹ do yếu tố lịch sử để lại. Đồng thời, những nước không nghi kỵ Mỹ thì bị ảnh hưởng sâu sắc bởi mối quan hệ với Trung Quốc.
Cái bắt tay hợp tác quân sự giữa Thủ tướng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Cái bắt tay hợp tác quân sự giữa Thủ tướng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel

Việc để Mỹ đi lấy lòng các nước Đông Nam Á là một việc làm tốn kém và thiếu hiệu quả. Nhưng người Nhật, cùng máu đỏ da vàng, cùng chung một kẻ thù, họ biết cách nói chuyện và cư xử hơn phương Tây.
Trong mối quan hệ giữa các quốc gia của cái liên minh mà Mỹ muốn tạo dựng lên để cô lập Trung Quốc, phải nói rằng mắt xích quan trọng nhất, có ảnh hưởng đến thành bại của toàn chuỗi là Nhật Bản.
Chiến lược thay đổi vị thế của Nhật Bản sẽ được Mỹ hiểu theo hướng đồng minh mạnh, chính quốc mạnh, đồng minh có lợi ích, lợi ích chính quốc được bảo vệ. Hay nói cách khác, Mỹ giao nhiệm vụ cho Nhật Bản đi tiên phong trong việc xây dựng một đội ngũ các quốc gia chung chí hướng và Mỹ hậu thuẫn cho tất cả những quốc gia đó, để mang lại quyền lợi cho Mỹ.
Tuy nhiên, Nhật Bản không làm hoàn toàn vì lợi ích Mỹ, mà bản thân họ luôn khao khát được công nhận là một cường quốc, sau khi hồi sinh và phát triển một cách kỳ diệu sau thất bại tại Thế chiến thứ hai. Trong cục diện này, Nhật đúng ý, Mỹ đẹp lòng, có lẽ chỉ có Trung Quốc là tỏ ra khó chịu.

Đỗ Minh Tú

No comments:

Post a Comment