Wednesday, January 29, 2014

UPDATE: VỤ LÀNG VĂN KIỆN ZING: $450 TRIỆU CHO 250 TRIỆU LẦN XEM

WESTMINSTER, California (NV) - Trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt qua email, sau khi tin công ty Làng Văn kiện trang mạng Zing và các công ty liên quan là VNG, International Data Group, IDG Ventures, IDG Ventures Vietnam vì vi phạm bản quyền, được loan tải, bà Mimi Nguyễn, giám đốc điều hành Làng Văn, bày tỏ:

“Vụ kiện này là một bước trong nỗ lực nuôi dưỡng và phát triển văn hóa Việt Nam của chúng tôi, một lý tưởng mà cha mẹ của chúng tôi đã dành hết đời họ để theo đuổi.”



Một sản phẩm của Làng Văn, bài hát “Lá Thư Miền Trung” do ca sĩ Thanh Tuyền trình bày, bị Zing vi phạm bản quyền, và vẫn còn nằm trên trang mạng của công ty này, gần một tuần sau khi Làng Văn nộp đơn kiện. (Hình: Chụp qua màn trang mạng của Zing)

Vụ kiện cũng được gia đình bà xem như một hành động bảo vệ nghệ sĩ của Làng Văn và là một tiếng nói chung cho các nghệ sĩ ở khắp mọi nơi có quyền bị vi phạm.

Theo Digital Music News, nạn vi phạm bản quyền tăng 160% từ năm 2011-2013. Một tài liệu của tổ chức Recording Industry of America Association cho biết vi phạm bản quyền âm nhạc gây thiệt hại tới $12.5 tỉ hàng năm cho nền kinh tế Mỹ, khiến hơn 70,000 người trong ngành sản xuất nhạc bị mất việc làm với tiền lương tổng cộng ước lượng là $2 tỉ.

Và chắc chắn sống còn là một lý do nữa khiến Làng Văn quyết định nộp đơn kiện trang mạnghttp://mp3.zing.vn (một phần của trang mạng Zing.vn) và công ty mẹ là VNG Corporation, cũng như công ty IDG Ventures, IDG Ventures Vietnam.

Trước đó, trong một cuộc gặp gỡ tại tòa soạn nhật báo Người Việt, bà Lan Nguyễn, mẹ của Mimi Nguyễn, và là đồng sáng lập viên của công ty chuyên sản xuất băng đĩa nhạc Làng Văn, cho biết gia đình bà đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc vào vụ kiện vì không thể ngồi yên nhìn người ta vi phạm bản quyền của mình “một cách trắng trợn” và giết đi cả một kỹ nghệ.

Còn bà Mimi Nguyễn thì kể do một “tình cờ rất may mắn” và cũng nhờ bà và người em trai làm việc ở Việt Nam mới biết ông Nguyễn Bảo Hoàng, con rể ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, liên quan trực tiếp đến việc điều hành VNG Corporation, công ty mẹ của http://mp3.zing.vn.

Theo hồ sơ của vụ kiện, vào Tháng Sáu, 2005, VNG Corporation công bố nhận được một “đầu tư đáng kể” $500,000 từ IDG Ventures, và một thông cáo báo chí của IDG Ventures Vietnam cho biết ông Nguyễn Bảo Hoàng sẽ gia nhập hội đồng quản trị của VNG để hỗ trợ đúng mức cho các hoạt động của VNG.
Hiện giờ, VNG được liệt kê trên trang web của IDG Ventures Việt Nam như một trong những công ty mà IDG đầu tư, ca ngợi VNG là “công ty Internet hàng đầu Việt Nam” và xác nhận rằng VNG “cũng thiết lập và điều hành Zing, một cổng thông tin âm nhạc, tin tức, giải trí và tìm kiếm mà đã trở thành trang mạng có người xem cao thứ tư ở Việt Nam.”

Làng Văn cáo buộc rằng sự lớn mạnh của trang mạng Zing.vn, bao gồm cả sự ra đời của trang web nhạc Zing http://mp3.zing.vn chỉ xảy ra sau khi IDG Venture, qua ông Nguyễn Bảo Hoàng tích cực tham gia vào việc điều hành công ty, cung cấp “ kinh nghiệm thực tiễn” của ông để đưa đến thành công cho VNA, và sự lớn mạnh nhanh chóng này bao gồm vi phạm bản quyền.

Nhớ lại những ngày đầu khi thoáng biết trang web nhạc Zing vi phạm bản quyền của mình, bà Mimi Nguyễn nói “không ngờ họ lấy nhạc của mình nhiều như vậy” cho đến khi Làng Văn gia nhập tổ chức Liên Ðoàn Quốc Tế Ngành Công Nghiệp Ghi Âm (IFPI), và được IFPI cung cấp cho một lập trình chuyên theo dõi những vụ vi phạm bản quyền.

Làng Văn bắt đầu sử dụng chương trình này trên trang web của Zing nhạc vào cuối năm 2012. Lập trình của IFPI, khi áp dụng cho trang web âm nhạc Zing vào Tháng Mười, 2012, cho thấy hàng ngàn đường truyền dẫn đến các tác phẩm có bản quyền của Làng Văn, mà mọi người xem có thể tải về máy vi tính của mình, từ ở bất cứ đâu trên thế giới, kể cả từ Hoa Kỳ.

Không chỉ tìm ra những đường truyền này, Làng Văn còn khổ công cho nhân viên truy cập những đường truyền này để xem có phải đúng là nhạc của Làng Văn không, và nhạc có tải xuống được không.
Việc điều tra và kiểm chứng mất nhiều tháng để hoàn thành, và việc quét trang web cho thấy - hành vi xâm phạm tác phẩm do Làng Văn giữ bản quyền của VNG diễn ra một cách quy mô.

Hàng ngàn đường truyền (link) vẫn còn nằm trên trang web nhạc Zing trong những cuộc “quét” diễn ra từ Tháng Mười, 2012 đến Tháng Mười Một, 2013 cho thấy các đường truyền có sẵn trên trang web nhạc Zing dẫn tới hơn 3,000 bài hát và hơn 600 album thuộc sở hữu của Làng Văn.

“Ngay cả bây giờ, gần một tuần lễ sau vụ kiện một số bài nhạc của Làng Văn vẫn còn nằm trên website Zing,” bà Mimi Nguyễn cho biết, và đơn cử vài thí dụ:

Bà Mimi Nguyễn cũng cho biết lập trình của IFPI cho thấy tổng số các bài hát của Làng Văn xuất hiện trên trang web nhạc Zing có số lần vào xem đáng kinh ngạc là 250 triệu lần.

Ðược hỏi là trước khi quyết định kiện, hai bên có tiếp xúc không, bà Lan Nguyễn nói trong suốt năm 2012, đại diện của Làng Văn đã nhiều lần gặp giám đốc điều hành cấp cao của VNG, để chính thức thông báo về việc vi phạm bản quyền diễn ra trên trang web của nhạc Zing.

Tại các phiên họp,VNG thừa nhận sử dụng trái phép các tác phẩm Làng Văn giữ bản quyền và cố gắng biện minh cho sự vi phạm của họ bằng cách đổ lỗi cho bản chất của thị trường âm nhạc trực tuyến. VNG cũng đã lấy một số nhạc của Làng Văn xuống khỏi trang web của Zing Music, nhưng sau đó lại xuất hiện trở lại.
Theo hồ sơ kiện, Làng Văn cho biết có chứng cớ cho thấy VNG đã mướn nhân viên và ra chỉ thị rõ ràng cho nhân viên đó, tìm các bản sao nhạc có bản quyền của Làng Văn và tải chúng vào trang web Zing Music.
Hiện Làng Văn đang kiện Zing và những công ty liên quan $150,000 cho mỗi vi phạm, như vậy tính ra số tiền phạt có thể lên tới $450 triệu, nếu tòa xử cho Làng Văn thắng.

Liên quan đến công ty IDG Ventures và ông Nguyễn Bảo Hoàng, giới am tường luật pháp cho rằng mọi việc còn tùy Làng Văn có chứng minh được là IDG, qua ông Nguyễn Bảo Hoàng có biết hay trực tiếp chỉ huy việc Zing vi phạm bản quyền hay không.
––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment