Thứ Ba, 28/01/2014 07:09
(NLĐO) - Mở đầu cho loạt bài về ẩm thực mọi miền trên Người Lao Động điện tử Xuân Giáp Ngọ, xin giới thiệu đến bạn đọc món "độc" ở vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa). Đó là món nghe tên đã thấy dị thường: Sâu măng!
Thanh Hóa có rất nhiều món ngon nức tiếng cả nước như nem chua, bánh gai Tứ Trụ, mắm tép Hà Trung… song có 1 món ngon “kỳ dị” mà không phải ai cũng có thể can đảm để thưởng thức. Đó là món sâu măng, món "độc" thiết đãi khách quý ngày Tết ở huyện vùng biên Mường Lát.
Trong một chuyến “thượng sơn” lên huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) trong những ngày đông rét mướt, tình cờ chúng tôi được nhìn thấy những con sâu trắng nõn ngọ nguậy trong chiếc gùi của người phụ nữ dân tộc Mông. Mới nhìn thấy, ai cũng thấy rùng mình, có người hét toáng lên vì sợ. Nhưng ít ai ngờ rằng, đó chính là những con sâu măng đặc sản của người dân bản địa Mường Lát và có giá cao ngất ngưởng, ngang thịt bò loại một.
Những con sâu măng ngoe nguẩy như thế này là đặc sản ở huyện vùng biên Mường Lát - Thanh Hóa
Những con sâu này, khi chế biến thành món ăn rất thơm ngon bổ dưỡng, thường được người miền núi dùng để thiết đãi khách quý, đặc biệt. Nhưng sẽ rất nhiều người không dám ăn món này khi lần đầu nhìn thấy những con sâu kỳ dị này.
Theo những người phụ nữ Mông thì sâu măng chỉ có vào mùa đông, khi cái lạnh tê tái người cũng là mùa họ vào rừng đi bắt sâu. Tên gọi của chúng gắn liền với một loại cây chúng thích ăn đó là thân cây măng. Cứ vào tháng 9, tháng 10 hàng năm mùa “săn” sâu măng của đồng bào vùng cao lại bắt đầu.
Đó là lúc những cây măng nứa đã cao quá đầu người, lúc này sâu măng cũng đã trưởng thành và đang ở độ béo ngậy. Lúc này, để lôi được những chú sâu ra khỏi thân cây măng đã trưởng thành, người dân thường mang theo dao sắc và gùi, rỏ đựng.
Những con sâu măng mới được bắt ở rừng về khiến nhiều vị khách rùng mình khi nhìn thấy chúng.
Theo kinh nghiệm của đồng bào vùng cao thì những bụi nứa nào nhìn cong keo, gần các đoạn mắt nứa có nước sùi ra, ngọn cây héo thì cây đó sẽ có sâu măng đang ẩn nấp. Hạ cây măng xuống, chỉ cần cắt từng đốt măng ra là những con sâu béo ngậy rơi thẳng xuống những chiếc rỏ chờ sẵn.
Mùa đi “săn” sâu măng, nếu gặp may mỗi ngày một người có thể bắt được khoảng 1 - 1,5 kg, với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg ngay tại trung tâm huyện lị mường lát. Tuy nhiên, người dân nơi đây đi bắt chủ yếu dùng để ăn chứ ít khi họ đem bán. Chỉ có các em nhỏ tranh thủ vào rừng bắt sâu bán lấy tiền mua sách vở.
Sau măng cũng có thân hình chẳng khác gì những con nhộng, tuy nhiên nó chỉ to băng chiếc đầu đũa, dài khoảng hơn 1 đốt ngón tay. Sâu măng có nhiều cách chế biến nhưng món ngon nhất, đơn giản và hấp dẫn là xào với lá chanh. Sâu măng rửa sạch, ướp muối, hạt nêm, cho dầu ăn vào chảo phi thơm hành củ băm tinh, cho sâu măng vào chảo đảo nhanh tay, khi thấy sâu măng chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ đảo đều, thế là món sâu măng đã hoàn thành.
Sau khi chế biến, món sâu măng trở nên rất hấp dẫn bởi mùi thơm ngon, béo ngậy. Tuy nhiên cũng có nhiều người ái ngại không dám ăn.
Đĩa sâu măng khi được chế biến xong vàng rộm, mùi thơm béo ngậy, bùi bùi bốc lên khiến cho bạn không thể kiềm chế được. Món sâu măng dùng để nhậu, hoặc ăn với cơm cũng được. Trong những ngày Tết, rất nhiều gia đình ở các huyện vùng cao Mường Lát có món “độc” này để thiết đãi khách quý.
Ngoài chế biến làm món nhậu, sâu măng còn được dùng để ngâm rượu, sâu dùng để ngâm thường là những con to nhất, khỏe nhất sau đó đem rang không dầu mỡ cho săn lại rồi bỏ vào ngâm. Sâu ngâm rượu sau mộ tuần trăng là có thể thưởng thức được. Theo người dân nơi đây rượu ngâm sâu măng uống rất tốt, là thứ rượu mà “một người uống 2 người vui”.
Ngoài dùng để làm mồi nhậu, sâu măng còn được dùng để ngâm rượu uống rất tốt.
Nếu có dịp người vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), nếu được chủ nhà thiết đãi món độc này, bạn nên thưởng thức bởi không phải vị khách nào cũng được ăn. Ăn rồi bạn sẽ nhớ mãi.
Bài-ảnh: T.Minh - H.Dũng
No comments:
Post a Comment