ĐĂNG BỞI -
Thảo Nguyễn -
Sau một thời gian mở bung dịch vụ cho vay tiêu dùng, các ngân hàng hiện giờ bắt đầu dè dặt với dịch vụ này, do ngại ngần với nợ xấu.
Anh Trần Ngọc Dũng, nhân viên của một công ty về công nghệ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội có thu nhập từ lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chuẩn bị cưới vợ vào tháng 3 tới, anh Dũng tính vay thêm ngân hàng khoảng 50 triệu đồng, qua hình thức vay tiêu dùng.
Làm việc với nhân viên tín dụng của ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhân viên này, cho biết, hiện ngân hàng đang hạn chế cho vay với tín chấp – lâu nay đa số áp dụng cho trường hợp vay tiêu dùng. Trong trường hợp được ưu tiên, ngân hàng chỉ xem xét cho một số ngành nghề, như giáo viên, bác sĩ…
Tín chấp không còn dễ dàng
Anh Dũng tìm đến ngân hàng Eximbank, bộ phận tín dụng cũng cho biết, ngân hàng vẫn cho vay tiêu dùng, song đã hạn chế hơn trước, do quy trình thủ tục rất chặt chẽ, nhất là với trường hợp không có tài sản thế chấp. “Thời điểm trước, khách hàng chỉ cần xin xác nhận của đơn vị trả lương là được vay tiêu dùng. Tuy nhiên, bên em cũng gặp không ít trường hợp xác nhận mức lương không chính xác (thường là cao hơn thực tế để được vay hạn mức cao), khiến khả năng trả nợ bấp bênh, phát sinh nợ xấu”, nhân viên ngân hàng giải thích.
Nhân viên bộ phận khách hàng cá nhân, ngân hàng BIDV chi nhánh Đông Đô, xác nhận, vay tiêu dùng hiện chỉ phải trả lãi suất 13%/năm và còn có thể giảm tiếp, song nếu chỉ vay bằng hình thức xác nhận lương giờ sẽ rất khó, có tài sản thế chấp sẽ dễ vay hơn. Liên hệ với người quen tại ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, anh Dũng nhận được câu trả lời còn thất vọng hơn: hiện nay, ngân hàng không giải ngân!.
Sợ nợ xấu gia tăng
Diễn biến kể trên cho thấy, nhiều ngân hàng đã dè dặt hơn với dịch vụ cho vay tiêu dùng – vốn được mở bung trong thời gian trước đây trong mọi nỗ lực thúc đẩy đầu ra cho tín dụng.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM, giải thích, cho vay tiêu dùng trước đây điều kiện thông thoáng, nên phát sinh rủi ro, dẫn tới phát sinh nợ xấu. Ông cho biết, mặc dù vẫn dành tỷ trọng khá lớn cho dịch vụ này, song điều kiện vay vốn được ngân hàng ông siết lại chặt chẽ, nhất là với trường hợp vay tín chấp, như chỉ dành cho những khách hàng thân thiết, đã có quá trình quan hệ tín dụng với ngân hàng, chứng minh được uy tín, khả năng trả nợ.
Tại một số ngân hàng khác, để được vay tiêu dùng tín chấp, khách hàng ngoài mức thu nhập, còn phải có vị trí, cấp bậc nhất định trong cơ quan, doanh nghiệp…
Điều kiện sử dụng dịch vụ tín dụng qua thẻ cũng được nhiều ngân hàng siết lại, dù lãi suất vay vốn dịch vụ này khá cao. Chị Đỗ Lan Anh, phó trưởng phòng một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết, chị được nhân viên hàng loạt ngân hàng như Techcombank, Đông Á, Sacombank liên hệ, chào mời nhiệt tình làm thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện hồ sơ, cả ngân hàng Đông Á và Sacombank đều có thông tin trở lại là không phát hành thẻ cho chị, bởi chị hiện đang có khoản vay tiêu dùng 150 triệu đồng tại ngân hàng BIDV và đang sử dụng dịch vụ thẻ tại hai ngân hàng khác. Tại ngân hàng Công thương (Vietinbank), điều kiện để khách hàng được phát hành thẻ là phải có tài sản thế chấp, hoặc được trả lương qua tài khoản tại ngân hàng này.
Cùng với đó, các ngân hàng thắt chặt hầu bao của khách hàng tiêu xài thẻ. Ngân hàng Techcombank điều chỉnh quy định về lượng tiền mặt khách hàng được rút qua thẻ còn không quá 50% hạn mức. Ngân hàng Sacombank cũng có mức điều chỉnh tương tự (trước kia được rút tối đa 100%).
Trưởng phòng thu hồi nợ một ngân hàng tại Hà Nội, cho biết, nợ xấu từ khối khách hàng cá nhân của ngân hàng năm vừa qua gia tăng đáng kể, trong đó rơi vào nhiều trường hợp tiêu dùng qua thẻ. Theo đó, có khách hàng xài nhiều thẻ tín dụng của 5 – 6 ngân hàng cùng lúc, khiến việc kiểm soát tiêu dùng cũng như khả năng trả nợ khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng một số khách hàng tìm cách rút tiền mặt để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích tiêu dùng, bằng cách giả thanh toán thẻ (thường giá trị lớn) tại một số điểm mua sắm, dịch vụ nhưng thực tế không mua, sử dụng dịch vụ tại đây. Đến kỳ trả nợ, khách hàng lại tìm cách rút tiền mặt thông qua thẻ của ngân hàng khác, cũng bằng cách thức tương tự. Sau một thời gian quay vòng, nợ phát sinh vượt thu nhập, dẫn tới nợ xấu. Trong khi đa phần tiêu dùng qua thẻ không có tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ lãnh đủ rủi ro, và đây là lý do các ngân hàng buộc phải siết lại dịch vụ này.
SGTT
No comments:
Post a Comment