Trẻ em người Việt Nam sống bất hợp pháp tại một phố Việt thuộc huyện Lvea Eam, tỉnh Kandal, ảnh ngày 19/12/2014.PHOTO RFA/QUỐC VIỆT
Quốc Việt, thông tín viên RFA 2014-12-19
Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu xin hợp tác với chính phủ Campuchia để cùng quản lý những người Việt nhập cư vào xứ này.
Đây là yêu cầu của Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết, Vụ trưởng Vụ An ninh-Quốc phòng Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ lúc dẫn đoàn đại biểu sang công tác và làm việc với Tổng cục Cảnh sát quốc gia Campuchia vào ngày 16/12.
Hợp tác trấn áp tội phạm?
Trong buổi làm việc với Tổng cục Cảnh sát quốc gia Campuchia, Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết đánh giá cáo cảnh sát Campuchia hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ Việt Nam hy sinh tại xứ này; và hợp tác tốt trong việc trấn áp tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm tại khu vực biên giới giữa hai nước, bao gồm buôn bán vận chuyển ma túy, tội phạm kinh tế và buôn người…
Đối với công tác điều tra dân số đối với người nước ngoài tại Vương quốc Campuchia, trong đó có người Việt đang sinh sống tại nước này, Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết yêu cầu cảnh sát Campuchia trao đổi thông tin, đặc biệt là yêu cầu Bộ Nội vụ Campuchia hợp tác với Bộ Công an Việt Nam để quan lý những người Việt Nam nhập cư.
Việc điều tra dân số và trục xuất người Việt nhập cư bất hợp pháp ra khỏi Campuchia là một phần siết chặt luật nhập cư và luật di trú.
-Thống tướng Sok Phal
Kể từ cuộc điều tra dân số được bắt đầu từ tháng 7/2014 đến nay, Tổng cục Di trú của Bộ Nội vụ Campuchia đã bắt giữ 1.200 người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp. Những người này được Tổng cục Di trú của Bộ Nội vụ Campuchia chuẩn bị hồ sơ và liên tục trục xuất về nước.
Trong số những người bị bắt, đã có 993 người Việt Nam. Hầu hết người Việt này vượt biên trái phép sang làm công nhân, buôn bán, mại dâm và làm việc tại một số xí nghiệp bất hợp pháp.
Thống tướng Sok Phal, Tổng cục trưởng Tổng cục Di trú của Bộ Nội vụ Campuchia nói với Đài Á Châu Tự Do: “Việc điều tra dân số và trục xuất người Việt nhập cư bất hợp pháp ra khỏi Campuchia là một phần siết chặt luật nhập cư và luật di trú. Bất cứ người nước ngoài nhập cư sang nước khác cần phải có giấy tờ hợp pháp. Nếu người Khmer nhập cư vào Việt Nam bất hợp pháp thì cũng bị Việt Nam trục xuất về nước. Cuộc điều tra dân số ở Campuchia là công tác thực hiện luật xuất nhập cảnh.”
Có thể nói vì áp lực chính trị sau khi đảng đối lập đòi chính phủ siết chặt luật nhập cư đối với người Việt nói riêng, người nước ngoài nói chung; trong khoảng thời gian 6 tháng nay cảnh sát Campuchia đã điều tra số người không phải là công dân và cam kết trục xuất những người sống bất hợp pháp ở Campuchia.
Cuộc điều tra dân số này không chỉ thực hiện ở các tỉnh theo dọc Biển Hồ, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo, tuy nhiên ngay tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh như Ratanakiri, Mondolkiri sát biên giới Việt Nam cũng được điều tra và bắt hàng chục người Việt đưa về nước.
Mục đích của cuộc điều tra dân số được Tổng cục Cảnh sát Campuchia cho biết là để đảm bảo quyền lợi của những người sinh sống hợp pháp ở Campuchia và quản lý người nhập cư dễ hơn. Nhưng chính quyền không cho biết khi nào quá trình này kết thúc.
Ông Hoàng Anh, người Việt buôn bán ở thủ đô Phnom Penh nói cuộc điều tra làm cho cộng đồng người Việt không có giấy tờ tùy thân bấp bênh hơn, gây căng thẳng và lo sợ.
Ông Hoàng Anh chia sẻ: “Dù người dân Campuchia bằng mặt nhưng trong lòng họ không thích mình đâu vì họ nói người Việt Nam chiếm đất của họ. Có nhiều người thương nhưng cũng có người ghét.
Vụ Campuchia điều tra dân số, thì chúng tôi bị coi như tấm thớt thôi. Họ muốn chặt chừng nào thì chặt. Yêu cầu họ cho ở. Nếu họ cho ở thì ở, còn họ cho về thì về thôi.”
VN muốn trở lại quản lý Campuchia?
Tiến sĩ Sok Touch, Quyền Giám đốc viện Nghiên cứu thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, và là nhà phân tích chính trị nói Campuchia là nước có chủ quyền, độc lập và có đủ khả năng quản lý đất nước.
Đối với yêu cầu của Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết, Việt Nam cho thấy họ muốn trở lại quản lý xứ chùa Tháp.
Theo Tiến sĩ, đây là chủ quyền của Campuchia. Campuchia chỉ có thể hợp tác, trao đổi thông tin với Việt Nam. Trong trường hợp, chính phủ đồng ý hợp tác quản lý người Việt với Việt Nam, điều đó sẽ cho thấy chính phủ bất lực quản lý đất nước.
Về cuộc điều tra dân số, Tiến sĩ cho rằng người Trung Quốc và người Việt là nhân tố đe dọa an ninh của Campuchia. Việt Nam đã từng xâm phạm chủ quyền và gây chia rẽ nội bộ xứ chùa Tháp. Dựa trên lịch sử, bất cứ nơi nào có người Việt đông đảo thì họ thường xuyên đổi tên địa danh, sống co cụm lại thành cộng đồng và sử dụng tiếng Việt.
Thay vì hiện nay, vì nới lỏng luật xuất nhập cảnh và tham nhũng đã khiến người Việt tràn vào Campuchia tùy tiện, có giấy chứng minh nhân dân.
-TS Sok Touch
Tiến sĩ Sok Touch: “Nếu chính phủ thực hiện đầy đủ luật xuất nhập cảnh, thì chính phủ rất có lợi. Thứ nhất, dễ dàng quản lý người nhập cư. Thứ hai, thu lệ phí từ visa hay người nước ngoài sống và làm ăn ở đây. Thứ ba, những tay nghề nhập cư hợp pháp là những người chuyên nghiệp, có bằng cấp. Thư tư, người nước ngoài không thể đe dọa an ninh và quyết định tương lai của đất nước. Thay vì hiện nay, vì nới lỏng luật xuất nhập cảnh và tham nhũng đã khiến người Việt tràn vào Campuchia tùy tiện, có giấy chứng minh nhân dân.”
Hồi tháng 6/2013, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố theo thống kê của Bộ Nội vụ, người Việt Nam ở Campuchia đã không tới 100.000 người, còn lãnh đạo đối lập Sam Rainsy nói có khoảng 500.000 người nhưng con số thực tế có thể hơn thế khá nhiều.
Đại tướng Khieu Sopheak, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Campuchia cho biết tính đến nay đã có gần 4.000 người Việt được cấp giấy công nhận ‘nhập cư vào Campuchia’ nhưng chỉ có khoảng 50% người Việt đến nhận giấy này.
Đại tướng Khieu Sopheak cũng cho biết cho đến lúc này vẫn chưa thấy đơn từ yêu cầu của Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết, Vụ trưởng Vụ An ninh-Quốc phòng Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Muộn, người Việt sống bất hợp pháp tại tỉnh Kandal nói rằng từ trước đến nay chính quyền Phnom Penh không đảm bảo quyền công dân cho người gốc Việt, cuộc điều tra dân số lần này ông hy vọng sẽ thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng người Việt ở xứ chùa Tháp.
Theo ông Nguyễn Văn Muộn, nếu có các tổ chức nhân quyền tham gia điều tra dân số cùng cảnh sát thì cộng đồng người Việt sẽ an tâm hơn. Thay vì trước đây, chính quyền địa phương thường đòi tiền và dọa bắt trục xuất về nước do họ không có giấy tờ tùy thân.
Ông nói thêm: “Cuộc điều tra dân số này, em thấy cũng sợ. Nhưng nếu chính phủ Việt Nam lên làm thủ tục tại chỗ mình ở và rướt mình về đàng hoàng thì không sợ. Sợ, là họ kiếm chuyện, đuổi mình, làm sao làm theo ý của họ. Nếu họ làm theo pháp luật thì mình không sợ. Sợ họ làm ngang xương, muốn làm gì thì làm. Bây giờ không lo chuyện gì, chỉ đi làm ăn. Nọ bắt đúng theo luật pháp thì mình đi Việt Nam.”
Theo Bộ Nội vụ Campuchia, việc thực hiện chính sách điều tra dân số mà chính phủ đang làm không có ý tưởng bài Việt, hay thực hiện giống chính sách thời Lon Nol, như bắt cóc, thảm sát hoặc truy bức người Việt. Nhưng đây là chính sách siết chặt luật xuất nhập cảnh, để dễ dàng quản lý người nước ngoài hơn.
Tổng cục Di trú của Bộ Nội vụ Campuchia cũng tiết lộ, sắp tới họ sẽ truy quét và trục xuất thêm 43 người nước ngoài đang sống bất hợp ở Campuchia, trong đó có 21 người Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-requires-cambodia-co-manage-immigrants-qv-12192014124839.html/quocviet12192014.mp3/inline.m3u
No comments:
Post a Comment