Thủ tướng Việt Nam trong lần tiếp các Giáo sư Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn và các nhà khoa học trẻ
BBC-8 giờ trước
Trong lúc nhiều thanh niên Việt Nam còn 'dè dặt', 'chưa dám lên tiếng' về nhiều vấn đề cần quan tâm của đất nước, thì việc các nhà khoa học trẻ người Việt quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước là một điều 'đáng mừng.'
Đó là bình luận của một số nhà quan sát nói với BBC nhân việc Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng các đồng nghiệp là các nhà khoa học Vũ Hà Văn và Đàm Thanh Sơn gửi thỉnh nguyện thư cho chính quyền bày tỏ quan điểm về vụ nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt.
Trao đổi với BBC hôm 20/12/2014 từ Việt Nam, nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam, đồng thời là cha đẻ của Giáo sư toán học Vũ Hà Văn, nói:
"Tôi thấy những người làm khoa học, nhất là khoa học trẻ mà quan tâm đến những vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, là điểm mừng.
"Tôi rất hoan nghênh tinh thần biểu lộ những cái lo lắng, lo toan, góp ý với đất nước của những anh em trẻ, nhất là những anh em trẻ làm khoa học mà lại sống ở nước ngoài.
"Đúng sai tính sau, nhưng việc đó là thái độ mình phải tôn trọng vì những anh em đó để lòng mình lo đến những việc ở trong nước, đến những số phận của những người khác ở trong nước, thì riêng cái đó bản thân tôi rất cảm phục và tôi cũng trân trọng họ," nhà thơ nói.
'Khuynh hướng ngược?'
Gần đây có ý kiến cho rằng dường như trong xã hội Việt Nam đang diễn ra một 'khuynh hướng ngược' khi giới lão thành, cao niên, cựu quan chức 'dám lên tiếng' về các vấn đề gai góc của đất nước, thì trong giới trẻ, thanh niên, đặc biệt là trí thức, doanh nhân, lại có khuynh hướng dè dặt.
Bình luận về điều này, nhân lá thư của nhóm ba trí thức trẻ từ Mỹ gửi chính quyền, nhà báo Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Truyền thông, Ủy ban Quốc gia về Dân số và Gia đình, nói:
"Tôi nghĩ đấy thể hiện thực trạng về giác ngộ công dân trong xã hội Việt Nam. Những người trí thức, những người đã trải nghiệm rất nhiều trong cuộc sống chính trị và xã hội ở dưới chế độ toàn trị thì họ đã có một trải nghiệm, họ có được sự so sánh giữa lý tưởng mà họ từng theo đuổi với những thực tại mà người ta thấy.
"Và tôi cho rằng họ bây giờ không còn quan tâm nhiều đến vấn đề vị trí của họ sẽ bị đe dọa, bị ảnh hưởng như thế nào. Còn lớp trẻ hiện nay cũng rất nhiều bạn trẻ có vẻ cũng không bằng lòng những chuyện gì đó, nhưng họ nghĩ rằng thôi thì bây giờ cứ 'an phận thủ thường' thì hơn.
Giáo sư Châu (thứ hai, trái sang) và các đồng nghiệp từ Mỹ đề nghị tạm thả ông Nguyễn Quang Lập (ngoài cùng)
"Nhỡ ra mình nói ra lại bị công an theo dõi, lại bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm, và thực tế là cũng có một số bạn trẻ đã tham gia vào rồi nhưng bị ảnh hưởng tới nơi ở hay việc làm, nên tôi nghĩ áp lực rất là lớn, cho nên có khi họ không dám lên tiếng, mặc dù trong thâm tâm họ thấy rằng đấy là những điều bất bình đối với họ," cựu nhà báo ở Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) nói.
'Cảm thông tình thế'
Hôm thứ Bảy, nhà thơ Vũ Quần Phương nói với BBC rằng cũng cần cảm thông với những người 'có tình thế' mà chưa thể 'lên tiếng' được.
Ông nói: "Mỗi người có một cách suy nghĩ của người ta, cái suy nghĩ của những người biết lo đến nỗi đau của người khác, cái hạnh phúc của người khác, thì thường là một thái độ rất được nhân loại người ta khen.
"Thế còn những người người ta chưa muốn làm như thế, hoặc không muốn làm như thế, thì họ có những tình thế của họ, cảnh ngộ của họ mình cũng cần biết để mà cảm thông."
Còn nhà báo Trần Tiến Đức nêu quan điểm về hậu quả đối với đất nước và 'cái giá phải trả' trong tương lai của việc không dám lên tiếng. Ông nói:
"Nếu một khi mỗi người dân không biết lên tiếng bảo vệ công lý, thì cuối cùng sẽ dấn đến sự lũng đoạn của một xã hội toàn trị. Và cuối cùng thì chắc là người ta cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những hành động của nhà cầm quyền và thái độ thờ ơ đối với thời cuộc.
"Cũng có những bạn trẻ đã tham gia rất nhiều, nhưng có một hệ thống mà người ta gọi là 'hệ thống chính trị', tức là đảng cộng sản và một số những tổ chức chính trị - xã hội họ có chân rết đến tất cả các phường xã, xóm làng.
"Và như thanh niên chẳng hạn, bị kiểm soát rất chặt và nhất là những thanh niên trí thức đang học đại học hay đang công tác tại các cơ quan nhà nước, họ rất sợ bị mất việc làm, thậm chí bị đuổi học. Cho nên cái đó ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ của họ.
"Nhưng tôi nghĩ rằng rồi đến lúc nào đó họ cũng phải cảm thấy cái giá họ sẽ phải trả cho việc thờ ơ đối với thời cuộc như thế nào và không dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ những người dám đấu tranh vì dân chủ, tự do, vì quyền con người, vì công lý," ông Trần Tiến Đức nói.
'Xấu mặt chế độ'
Nhà thơ Vũ Quần Phương (trái) tự hào vì trí thức trẻ biết quan tâm tới đất nước, thời cuộc.
Hôm thứ Sáu, bức thư của ba giáo sư trẻ người Việt Nam từ Mỹ nêu bốn lý do chính quyền nên cho phép ông Nguyễn Quang Lập được 'tại ngoại điều tra', nhấn mạnh bắt ông Lập khi đang ốm đau như vậy có thể tạo 'hình ảnh xấu' về Việt Nam ở quốc tế.
Bức thư viết: "Qua các tác phẩm và bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Lập mà chúng tôi đã đọc, chúng tôi cảm thấy rằng ông là một người có tâm với đất nước.
"Ông Nguyễn Quang Lập sức khoẻ yếu, bị liệt nửa người từ hơn 10 năm nay. Chúng tôi thấy việc tạm giam ông Lập không phản ánh đúng tính nhân đạo của hệ thống pháp luật và xã hội Việt Nam.
"Chúng tôi e rằng việc tạm giam ông Lập trong tình trạng sức khoẻ như vậy tạo ra một hình ảnh xấu về Việt Nam trên trường quốc tế.
"Chúng tôi tin rằng các cơ quan điều tra có đầy đủ các biện pháp ngăn chặn khác để việc ông Nguyễn Quang Lập tại ngoại không làm ảnh hưởng đến công tác điều tra."
Một nhà quan sát ở Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nói với BBC, có vẻ như 'mục tiêu răn đe' của an ninh đã không đạt được, khi xuất hiện các làn sóng phản ứng mạnh của dư luận như vậy, đặc biệt khi giới trẻ Việt Nam hiện đã rất quen thuộc với việc chia sẻ các thông tin trên Internet.
Ông nói: "Nhà văn Nguyễn Quang Lập có hàng ngàn, nếu không nói là cả hàng trăm ngàn người yêu thích mà đọc thường xuyên trang Quê Choa của anh ấy.
"Và đến bây giờ người ta thấy một sự kỳ cục như thế này, thì có khi chính những bạn đọc ấy cũng sẽ làm những blog riêng của mình, hoặc nếu không phải là blog, thì họ cũng mạnh bạo hơn nữa ở trong viết trên Facebook của họ.
"Thì tôi nghĩ khó có thể đánh giá ngay lập tức là liệu mục đích răn đe của an ninh có đạt được hay không," Tiến sỹ Quang A nói với BBC.
No comments:
Post a Comment