Ảnh: Reuters
Cuộc họp báo kéo dài khoảng 3 giờ 20 phút với gần 20 câu hỏi được trả lời. Tổng cộng 1.259 phóng viên trong và ngoài nước Nga tham gia. Giữ kỷ lục về thời gian lẫn số câu hỏi là cuộc họp báo năm 2008, kèo dài 4 giờ 40 phút với khoảng 100 câu hỏi. Cuộc họp báo năm ngoái kéo dài 4 giờ 5 phút.
Mở đầu buổi họp báo trực tuyến đặc biệt với sự tham dự của hơn 1.200 nhà báo quốc tế bắt đầu lúc 16 giờ 15 (giờ VN) hôm 18-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết GDP của Nga sẽ đạt 0,6-0,7% trong năm 2014. Sản xuất công nghiệp tăng 1,7% từ tháng 1-10/2014.
“Bất chấp bất ổn tài chính, tổng thu của Nga vẫn sẽ cao hơn chi tiêu” – Ông Putin nói.
Ông chủ Điện Kremlin nhận định tình hình hiện tại do một số yếu tố bên ngoài tác động, nhưng Moscow cũng chưa nỗ lực đủ để đa dạng hóa nền kinh tế trong 20 năm qua.
"Nói chung, chính phủ đã chọn tiến trình đúng đắn. Chúng tôi đang lên kế hoạch sử dụng các biện pháp đã áp dụng hồi năm 2008. Chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực trợ giúp những người cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ duy trì các tiêu chuẩn xã hội và giữ mức tiền lương cũng như lương hưu ổn định” – ông khẳng định.
Trước khi họp báo diễn ra, Điện Kremlin nhận định những câu hỏi từ báo chí hẳn sẽ không thể không liên quan tới “tình hình kinh tế Nga, đồng ruble, giá cả hàng hóa cũng như các biện pháp mà lãnh đạo Nga đưa ra để giải quyết vấn đề này”.
Phản ứng ra sao với khủng hoảng kinh tế?
Đối với câu hỏi đầu tiên về phản ứng của Moscow như thế nào đối với sự sụt giá của đồng ruble và khủng hoảng nền kinh tế Nga, Tổng thống Putin cho biết trong kịch bản xấu nhất, tình trạng biến động này có thể kéo dài 2 năm nhưng sự phục hồi kinh tế có thể diễn ra sớm hơn nếu các yếu tố bên ngoài biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn. “Ngân hàng Trung ương đã thực hiện một số biện pháp sớm hơn” – ông Putin cho biết.
Ông cho rằng Ngân hàng trung ương của Nga cần tiếp tục siết chặt tính thanh khoản của đồng rúp, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng kinh tế Nga sẽ thích nghi với những khó khăn nếu nó tiếp tục diễn ra. Ông nhấn mạnh tuy có một số hành động hơi chậm trễ, song chính phủ Nga và Ngân hàng Trung ương nhìn chung đang hành động đúng hướng nhằm xử lý những khó khăn kinh tế hiện nay.
Tổng thống Putin cho rằng giá dầu thấp sẽ khuyến khích Nga đa dạng hóa nền kinh tế và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí. Ông cũng khẳng định Nga có đủ dự trữ ngoại tệ để giữ ổn định nền kinh tế, song khuyến cáo Ngân hàng Trung ương không nên "đốt" nguồn dự trữ ngoại tệ, hiện ở mức 419 tỉ USD, một cách tùy tiện.
Bình luận về cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine
Tổng thống Putin nói rằng vấn đề ở đây là một phần của Ukraine không đồng ý với "cuộc đảo chính đi ngược lại hiến pháp" ở Kiev song “những người chiến thắng” đã sử dụng quân đội để trấn áp những người bất đồng chính kiến. Đáng chú ý, ông Putin không hoàn toàn phủ nhận sự hiện diện của của quân Nga ở Ukraine.
Đó là câu trả lời của ông Putin sau khi phóng viên hãng tin UNIAN (Ukraine) thắc mắc việc tổng thống Nga đã gửi bao nhiêu binh lính đến Ukraine, khi nào Nga trả tự do cho các “tù nhân chính trị” Ukraine đang bị giam giữ ở Nga. Trước đó, Nga nhiều lần bị cáo buộc triển khai binh lính chiến đấu ở vùng Donbass, miền Đông của Ukraine, và hỗ trợ vũ khí cho phe ly thân Nga.
Cái giá phải trả cho việc sáp nhập Crimea?
"Liệu có phải những gì đang xảy ra cho nền kinh tế Nga là cái giá phải trả cho động thái sáp nhập Crimea hồi tháng 3 hay không" - Kênh truyền hình Channel 1 của Nga hỏi.
Đáp lời, ông Putin cho rằng đó là cái giá Moscow phải trả vì mong muốn trở thành nước có chủ quyền. “Chúng tôi cố gắng mở lòng với phương Tây song bị từ chối. Lựa chọn duy nhất của Nga là tự cung tự cấp”.
Ngoài ra, ông Putin nói rằng Nga sẽ không ép buộc các nhà xuất khẩu bán ngoại hối, có nghĩa là họ sẽ không có nghĩa vụ phải bán USD của mình để chống đỡ cho đồng rúp. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chính phủ Nga phải áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm mang lại sự ổn định cho đất nước.
Huy động chiến đấu cơ do bị Mỹ "kích động"
Trả lời câu hỏi của đài BBC, Tổng thống Putin cho biết sở dĩ nước này thường xuyên huy động chiến đấu cơ trên không phận châu Âu là do bị Mỹ “kích động”.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow luôn đóng góp cho an ninh toàn cầu bằng cách kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Ông Putin cho biết máy bay chiến đấu của Mỹ thường xuyên tuần tra gần biên giới Nga nên Nga buộc phải có hành động đáp trả. Đó là lý do thời gian gần đây, NATO báo cáo có sự gia tăng bất thường chiến đấu cơ Nga bay trên không phận các nước châu Âu.
Ông Putin còn lập luận Nga chỉ có 2 căn cứ quân sự tại nước ngoài, trong khi căn cứ quân sự của Mỹ nằm rải rác khắp thế giới. Do vậy, Nga muốn lợi ích quốc gia được tôn trọng trước khi thiết lập quan hệ tốt đẹp với các quốc gia phương Tây.
Quan hệ với Trung Quốc
Nhận được câu hỏi từ hãng tin Tân Hoa Xã về tình trạng mối quan hệ Nga – Trung, ông Putin không đi sâu vào vấn đề mà chỉ mô tả mục tiêu chính của Moscow là nhằm đa dạng hóa các quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm quan hệ với láng giềng Georgia chưa mấy cải thiện vì hai chính phủ “ít liên lạc”.
"Thuyết âm mưu" trong giá dầu
Quay sang vấn đề giá dầu thế giới sụt giảm, trước nghi vấn Mỹ và Ả Rập Saudi thao túng giá nhằm trừng phạt Iran và gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga, ông Putin chỉ trả lời có thể có một "thuyết âm mưu" như thế nhưng cũng có thể không. Theo ông, chỉ có một điều chắc chắn là lợi ích của Mỹ và các nước OPEC trùng khớp với nhau bất kể ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ bùng nổ.
Trong lúc này, Moscow đã thực hiện lời hứa xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cho Tehran và tiếp tục duy trì mối liên hệ giữa Nga và Iran.
Cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp tại Nga. Ảnh: Reuters
Châu Âu không có lựa chọn nào ngoài khí đốt Nga
Ông Putin nói rằng châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài khí đốt của Nga, vì đây là nguồn năng lượng dồi dào nhất và rẻ nhất trên thị trường vào lúc này.
Tổng thống Nga cũng nói về các dự án hợp tác năng lượng của nước này. Ví dụ, đường ống năng lượng của Nga ở Siberia tới Trung Quốc sẽ cho phép Nga tái phân phối khí đốt từ các khu vực miền Tây nước Nga sang vùng Viễn Đông.
Khi được hỏi về hệ thống đường ống tới Thổ Nhĩ Kỳ mà Nga sẽ xây dựng thay cho hệ thống "Dòng chảy phương Nam", nhà lãnh đạo Nga nói hệ thống đường ống trong dự án có thể được kết nối tới hệ thống vận chuyển khí đốt của châu Âu.
"Điều này phụ thuộc vào các đối tác châu Âu. Liệu họ có muốn một nguồn cung cấp khí đốt ổn định, hoàn toàn được đảm bảo và không có rủi ro? Tốt thôi, nếu có, chúng tôi sẽ bắt tay vào việc. Qua Hy Lạp, chúng ta có thể vươn tới Macedonia và xa hơn nữa là Serbia, rồi lại tới Baumgartner ở Áo. Nếu họ không quan tâm, chúng ta sẽ không làm như vậy".
Thứ Năm, 16:38 18/12/2014
Đỗ Quyên - Huệ Bình - Phạm Nghĩa (Theo Moscow Times, BBC)
No comments:
Post a Comment