Lisa Schlein
VOA-18.12.2014
Nhân viên cứu hộ đi cạnh thi hài của những người bị thiệt mạng, mà người ta tin là những di dân bất hợp pháp, vì tàu bị chìm ở eo biển Bosphorus, gần Istanbul, 11/3/14
Tổ chức Di dân Quốc tế IOM báo cáo năm 2014 là năm được ghi nhận di dân bị chết nhiều nhất khi tìm cách thoát khỏi các cuộc xung đột, tránh bị đàn áp chính trị hay những khó khăn về kinh tế. Giữa lúc thế giới kỷ niệm Ngày Di dân Quốc tế, IOM kêu gọi có những hành động khẩn cấp để cứu sinh mạng các di dân và ngăn chận những tay buôn lậu khai thác những người dễ bị tổn thương, những người tuyệt vọng này. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật từ trụ sở IOM ở Geneve.
Chết chóc luôn luôn là một phần không may của việc di dân. Kể từ năm 2000, có hơn 40.000 di dân thiệt mạng khi tìm cách vượt biên trên toàn thế giới. Năm vừa qua đặc biệt rất tệ hại. Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết có khoảng 5.000 người thiệt mạng khi vượt qua biển cả, các vùng sa mạc hay núi non hẻo lánh.
Hầu hết những cái chết này, khoảng 2 phần 3 xảy ra tại Địa Trung Hải. IOM nói có hơn 3.000 người chết đuối khi vượt Địa Trung Hải trong những con tàu ọp ẹp của bọn chuyển lậu người để đến châu Âu. IOM cho biết thêm những người liều mạng là những người Syria và Palestine chạy trốn chiến tranh và những di dân từ vùng Sừng châu Phi, đặc biệt là những người Eritrea, mong muốn thoát khỏi chiến tranh, áp bức và nghèo khó.
Ông Frank Laczko, người đứng đầu Phân bộ Nghiên cứu Di dân của IOM nói với Đài VOA là có nhiều tay chuyển lậu người khai thác và hưởng lợi từ sự khốn khổ của người khác:
“Có những gợi ý rằng chúng ta đang nói đến hàng trăm triệu đôla ở đây đó, và hiện nay không thiếu những khách hàng tiềm năng cần đến dịch vụ của những tay chuyển lậu người này. Do đó đây là một vụ làm ăn rất sinh lợi.”
Không có giải pháp dễ dàng cho vấn đề di dân bất hợp pháp. Tuy nhiên IOM nói trấn át những tay chuyển lậu và buôn người bằng những trừng phạt nghiêm khắc và truy tố có thể thuyết phục được một số người không đi vào con đường kinh doanh này. IOM kêu gọi các chính phủ chớ nên phi hình sự hoá những di dân bất hợp pháp để họ có thể báo cáo những tay chuyển lậu người cho cảnh sát để xử lý.
IOM lo ngại là con số những người thiệt mạng trên biển hiện nay có thể gia tăng vì Ý đã ngưng chương trình Mare Nostrum, một hoạt động cứu nạn, đã cứu hàng ngàn sinh mạng. Mare Nostrum đã được thay thế bằng một hoạt động của Liên hiệp châu Âu có tên là Triton, tuần tra một khu vực nhỏ hơn.
IOM nói con số những vụ khủng hoảng do con người gây ra chưa từng có trước đây trên thế giới, bao gồm xung đột tại Syria, Iraq, Libya, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan đã gây nên những làn sóng di dân. IOM cũng cho biết những yếu tố khác, như dịch bệnh Ebola tại Tây Phi, khí hậu biến đổi và thời tiết khắc nghiệt đã khiến nhiều người đi tìm nơi khác lánh nạn.
IOM ước tính có khoảng 232 triệu người là những di dân quốc tế. Ông Laczko nói con số này chiếm khoảng 3% dân số thế giới.
“Con số 3% đã không thay đổi trong khoảng 20 đến 30 năm qua. Do đó trên toàn cầu chúng ta không thấy có sự gia tăng lớn lao nào về di dân quốc tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tại một vài quốc gia, đặc biệt ở châu Âu, Bắc Phi và Australia, có sự gia tăng đáng kể di dân và trong những quốc gia này, một số thành phố du nhập hay thu hút nhiều di dân hơn những thành phố khác.”
IOM nói di trú là hiện tượng không thể tránh khỏi. Đây cũng là việc cần thiết và được mong muốn, nhất là vì hiện nay nhiều xã hội già cỗi đang thiếu lao động. Cơ quan di dân nói di dân nếu được quản lý tốt, có thể đem lại lợi ích to lớn cho những quốc gia xuất phát và những nước nhận di dân.
Chẳng hạn như IOM nói di dân trên toàn thế giới hàng năm gởi cho thân nhân của họ tại quê nhà khoảng 435 tỉ đô la. Con số này cao hơn gấp 3 lần so với con số ngoại viện cho những nước đang phát triển. IOM cho biết thêm là những khoản tiền kiều hối cung cấp nguồn sống cho nhiều người tại các quốc gia nghèo khó.
No comments:
Post a Comment